Tên tuổi nhạc sĩ Thái Thịnh được khẳng định qua nhiều ca khúc nổi tiếng, trong đó không thể không nhắc đến "bài hát quốc dân" Duyên phận. Trong cuộc trò chuyện với Zing.vn, nhạc sĩ Thái Thịnh tiết lộ nhiều câu chuyện thú vị xung quanh sáng tác này cũng như bày tỏ quan điểm về những tranh cãi Bolero rộ lên gần đây.
'Duyên phận' được tôi đo ni đóng giày cho Như Quỳnh
- Là một trong những ca khúc Bolero hiếm hoi được sáng tác trong giai đoạn sau, nhưng "Duyên phận" được nhiều người ví là “bài hát quốc dân”. Anh có bất ngờ trước hiệu ứng mà bài hát này nhận được?
- Tôi cảm ơn quý khán giả đã quá yêu thích Duyên phận. Với tư cách tác giả, tôi thấy đây không phải là bài hát xuất sắc. Có lẽ mọi người yêu thích vì nó dễ hát, dễ thuộc và đặc biệt là số phận của người con gái trong đó là hình ảnh rất đẹp của phụ nữ Việt, trọn vẹn công - dung - ngôn - hạnh.
Ngày xưa, người con gái phải tuân sự sắp đặt của cha mẹ, chuyện dựng vợ gả chồng phải tuân theo quyết định của người lớn, ngày nay chuyện này không còn nữa nên có lẽ khán giả thích vì gợi nhớ những kỷ niệm. Gọi đây là bài hát quốc dân tôi nghĩ là cách nói vui của mọi người thôi.
Còn hỏi có bất ngờ hay không thì tôi rất bất ngờ. Cơ duyên sáng tác bắt nguồn khi tôi được một trung tâm hải ngoại đặt hàng theo chủ đề chân dung người phụ nữ Việt. Lúc đó, tôi nghĩ ngay đến những nét đẹp trong thân phận của người con gái.
- Nhiều người thắc mắc có hay không một nhân vật cụ thể đứng sau câu chuyện “phận làm con gái, chưa một lần yêu ai”?
- Tất cả chỉ là hư cấu. Hình ảnh này xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học, phim ảnh, âm nhạc từ cách đây rất lâu chứ không phải điều gì quá lạ lẫm. Khi sáng tác, tôi nghĩ nếu viết về những cuộc tình hiện đại, thuộc dòng nhạc trẻ sẽ trùng lặp với nhiều người.
Trong khi đó, các sáng tác Bolero mới cũng rất thiếu nên tôi hướng đến dòng nhạc này. Ngoài ra, do được yêu cầu viết cho Như Quỳnh nên Duyên phận gần như đo ni đóng giày cho chị. Quãng giọng Như Quỳnh thế nào, lên xuống nốt nào hay, luyến láy chữ nào đẹp, tôi đều nắm rõ.
- Sau này nhiều ca sĩ cover "Duyên phận", trong đó không thể không nhắc đến Lệ Quyên. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng lối hát kỹ thuật, có phần nặng nề của nữ ca sĩ đã “phá hỏng” tinh thần của bài hát này. Ý kiến của anh thế nào?
- Nếu như Như Quỳnh hát theo cách Bolero chuẩn mực thì Lệ Quyên khoác lên bài hát này một tấm áo mới. Không chỉ trong cách hát mà hòa âm của cô cũng trẻ trung, mới mẻ hơn nhưng vẫn truyền tải được cảm xúc trọn vẹn. Nếu không, Lệ Quyên không được khán giả ủng hộ đến như vậy.
Nhiều người nghĩ Quyên tìm đến tôi để xin phép hát bài này, nhưng thực tế tôi lại là người đề nghị Quyên hát trong một đêm nhạc Thái Thịnh. Lúc đó tôi có nhiều sáng tác nhạc trẻ, còn Duyên phận là ca khúc Bolero đầu tiên nên muốn giới thiệu với khán giả.
Ngoài ra, Quyên cũng đã có các album hát Bolero nên tôi rất yên tâm. Chính cô ấy cũng không ngờ ca khúc này được khán giả yêu cầu mỗi khi hát ở phòng trà cho đến hiện tại.
- Nhiều cuộc thi hát dành cho trẻ em, vẫn chọn "Duyên phận" để hát. Anh nghĩ sao?
- Tôi nghĩ chuyện này không thành vấn đề. Xem qua một vài tiết mục, tôi khá bất ngờ khi các em còn nhỏ nhưng có thể hát thể loại khó như bolero nhưng lại hay như vậy. Theo tôi, Duyên phận ai hát cũng được vì nội dung chỉ là một câu chuyện kể.
- Nhiều ý kiến cho rằng chính sáng tác này cũng là lý do dẫn đến việc “người người nhà nhà hát Bolero” như hiện nay?
- Tôi nghĩ nói như vậy thì không đúng, bởi Bolero đã được yêu thích trở lại từ cách đây khá lâu, thời điểm Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên hay Cẩm Ly thực hiện những CD, live show dành riêng cho dòng nhạc này.
Nhờ vậy mà người già được nghe lại những giai điệu của ký ức, người trẻ được thưởng thức những bài hát mà họ chưa từng nghe. Ngoài ra, làn sóng Bolero nở rộ còn nhờ những cuộc thi truyền hình trong 1, 2 năm trở lại đây.
Một lý do khác khiến người người nhà nhà nghe Bolero là do tại Việt Nam các dòng nhạc đều na ná nhau, nhạc trẻ lai căng ngoại quốc quá nhiều. Lúc đó, Bolero tạo sự khác biệt, thuần túy Việt Nam từ giai điệu đến ca từ.
- Có ý kiến lo ngại giới trẻ nghe nhiều Bolero quá sẽ dễ bị tâm lý ủy mị, đau khổ, không còn phù hợp với cuộc sống ngày nay. Anh có đồng tình?
- Nghe nhạc hay xem phim cũng chỉ là giải trí, không ai nghe một bài hát mà đắm chìm mãi trong đó rồi thay đổi cả một số phận cả.
'Bolero có sức sống bất diệt'
- Xin hỏi anh quan điểm thế nào về tranh cãi “thụt lùi” nếu cả đất nước đắm đuối với Bolero?
- Tôi ít quan tâm đến cá nhân hay chương trình của người khác, công việc của ai người đó làm thôi. Tuy nhiên gần đây dư luận quá ồn ào, nhiều người trong số đó chưa thật sự hiểu về bolero nên tôi chỉ muốn góp một vài ý kiến.
Theo quan điểm riêng, chung quy vẫn là do hai miền Nam - Bắc chưa hòa hợp trong thị hiếu âm nhạc. Miền Nam có thể thích dòng nhạc đó chưa chắc ngoài miền Bắc thích, dẫn đến sự thắc mắc vì sao một bài hát như thế lại được quá nhiều người yêu thích.
Họ có thể thắc mắc mọi thứ, nhưng để đánh giá thụt lùi thì theo tôi là không đúng. Âm nhạc là âm nhạc thôi, khán giả thích gì thì họ nghe nấy, không thể nói là tiến tới hay thụt lùi.
Tôi thấy không chỉ miền Nam nghe Bolero, khán giả miền Bắc và Trung cũng yêu thích dòng nhạc này không hề thua kém. Do đó những ý kiến đánh giá thấp Bolero, có vẻ là có uẩn khúc gì phía sau.
- Trên trang cá nhân, anh viết: “Một số kiểu hát như lên đồng hốt cốt, hú hét múa may như ma nhập thì đó không phải là âm nhạc. Hoặc có đúng là nhạc thì có lẽ là nhạc của thế giới nào đó xa xa dưới kia”. Không ít người đọc nghĩ anh nhắc đến Tùng Dương?
- Tôi không đả kích đích danh môt ai. Nhưng sự thật có những bài hát mà những người làm sản xuất âm nhạc như chúng tôi mà nghe còn không nổi thì làm sao khán giả nghe. Do vậy, họ chỉ nghe những gì đơn giản như Bolero thôi. Sẽ không có điều gì thay đổi được lập trường yêu thích của khán giả đâu.
- Anh nghĩ sự khác biệt thị hiếu âm nhạc Bắc - Nam vừa nhắc đến sẽ có ngày thật sự hòa hợp?
- Khó lắm! Như những nhà kinh doanh cùng ngành sẽ có sự cạnh tranh rất khốc liệt thì nghệ sĩ chúng tôi cũng vậy. Chuyện bất đồng như thế này cũng không phải bây giờ mới có mà âm ỉ từ rất lâu. Nhưng tôi để ý thường khi có ồn ào đều do bạn bè phía Bắc khởi xướng, còn miền Nam hiền lắm, không ai đả kích chê bai người khác bao giờ.
- Đây không phải lần đầu Bolero lại “bị” mang ra mổ xẻ, người khen kẻ chê với nhiều lập luận khác nhau. Hỏi vui, anh có thấy tội nghiệp cho dòng nhạc này?
- Điều đó trước tiên cho chúng ta thấy Bolero có sự bất diệt như thế nào. Giờ ai có tranh cãi, có chê bai nhưng nhạc vẫn là nhạc và người nghe vẫn cứ nghe.
Dòng nhạc này trước giờ cũng “chịu” nhiều hiểu lầm. Bolero ban đầu là điệu nhạc quốc tế, xuất phát từ Nam Mỹ, nếu đúng chất sẽ rất khó nghe. Khi đưa Bolero vào Việt Nam, các nhạc sĩ khiến nó trở nên, đơn giản hết mức để phù hợp thị hiếu người Việt, gọi là Bolero Việt Nam. Điều này rõ ràng quá thành công khi ai cũng có thể nghe được Bolero, từ nông thôn đến thành thị.
Sau này nhiều người cho rằng Bolero mà chúng ta đang nghe không giống Bolero quốc tế. Thật ra điều này không phải, chúng ta phải ghi nhận sự sáng tạo của các nhạc sĩ Việt Nam ngày trước thay vì bác bỏ.
- Gần đây, một nhạc sĩ lên tiếng chỉ trích việc các game show mời người không có chuyên môn về Bolero làm giám khảo. Anh đồng tình hay phản đối ý kiến này?
- Một nghệ sĩ thâm niên trong nghề sẽ có kinh nghiệm nhìn nhận đâu là giọng hát hay. Do đó họ hoàn toàn phù hợp ngồi ghế nóng. Hơn nữa trên ghế giám khảo thường có 3-4 vị sẽ đưa ra những đánh giá toàn diện.
- Nếu được mời làm giám khảo một cuộc thi Bolero, anh sẽ nhận lời?
- Làm giám khảo hoặc khách mời bắt buộc phải có khen, chê. Khen ai đó thì quá dễ nhưng yêu cầu tôi phải chê một ai đó là điều không thể làm được, đặc biệt là trên phương tiện truyền thông. Thế nên tôi sẽ rất khó làm tròn vai giám khảo.