'Nhật ký Guantanamo' và ký ức kinh hoàng của một tù nhân

Trong cuốn “Nhật ký Guantanamo” viết bằng tiếng Anh được phát hành ngày 20/1 vừa qua, tù nhân 44 tuổi Mohamedou Ould Slahi kể rằng, ông từng trải qua những cuộc tra tấn tàn khốc, như bị buộc uống nước muối, bị nhốt trong “phòng lạnh” nhiều giờ liền và bị đánh đập tàn nhẫn.
Tù nhân bên trong nhà tù Guantanamo.

Nhật ký của Mohamedou Slahi bị chính quyền Mỹ xếp vào loại tài liệu “mật” và nhóm luật sư của ông phải mất 6 năm đấu tranh pháp lý để giải mật bản thảo viết tay.

Nhóm luật sư của Slahi còn cho biết, thân chủ của họ bị giam giữ suốt 12 năm ở Guantanamo mà không hề bị buộc tội. Tự học tiếng Anh với sự giúp đỡ của một số cai tù, Slahi viết tay bản thảo nhật ký gồm 466 trang từ năm 2005 và được Chính phủ Mỹ giải mật năm 2013 với một số phần được biên tập lại.

Bắt đầu từ tháng 4/2013, tờ Slate đã công bố một loạt các phần trích từ nhật ký của Slahi. “Nhật ký Guantanamo” được coi là cuốn sách đầu tiên được xuất bản khi tác giả vẫn còn bị giam giữ trong nhà tù Guantanamo của Mỹ.

Xâm hại và tra tấn

Mohamedou Ould Slahi đang tắm khi Cảnh sát Mauritania tìm đến nhà ông lúc 5h chiều ngày 20/11/2001. Đó là ngày lễ Ramadan của Hồi giáo, và Slahi mới từ nơi làm việc trở về nhà. Cảnh sát yêu cầu ông đi với họ đến đồn cảnh sát. Slahi bảo với mẹ: "Đừng lo, con sẽ trở về ngay thôi".

Thế nhưng sau đó Slahi mãi mãi không quay về nhà nữa! Slahi bị tống vào chiếc ôtô Nissan và một chiếc xe cảnh sát khác chạy theo sau. Dù trước đó ông từng bị cảnh sát thẩm vấn vài lần, nhưng lần này, vấn đề có vẻ nghiêm trọng hơn.

Slahi bị Cảnh sát Mauritania và đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thẩm vấn suốt 7 ngày. Sang ngày thứ 8, họ đưa Slahi lên chuyến bay đến Jordan với sự cho phép của chính quyền Mauritania. Jordan là quốc gia nổi tiếng với những tù nhân bị tra tấn dã man dưới sự ủy thác của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) để giữ cho bàn tay của nhân viên CIA được "sạch sẽ".

Mohamedou Ould Slahi.

Ngày 19/7/2002, Slahi bị đưa lên chiếc máy bay phản lực Gulfstream mang số đuôi N379P - chiếc máy bay thường được sử dụng như là "taxi tra tấn" - từ Jordan đến Afghanistan. Tháng 8/2002, quân đội Mỹ chuyển Slahi đến nhà tù Guantanamo.

Thảm kịch cuộc đời của Mohamedou Ould Slahi bắt đầu từ đây. Tù nhân nào càng chống đỡ được những cuộc tra tấn dã man càng bị coi là nhân vật chủ chốt của tổ chức Al-Qaeda!

Ngày 13/8/2003, sau khi nghe báo cáo về trường hợp của Slahi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld (người rời khỏi chức vụ vào năm 2006) phê chuẩn "những kỹ thuật thẩm vấn tăng cường" mà thực chất là phương pháp tra tấn mới tàn khốc hơn dùng để hành hạ triệt để thể xác lẫn tinh thần Slahi.

12 ngày sau khi có bút phê của ông Rumsfeld, Slahi bắt đầu chịu đựng hàng loạt cuộc tra tấn dã man nhất mà ông từng phải chịu đựng. 

Trong cuốn "Nhật ký Guantanamo", Slahi viết rất nhiều về sự sợ hãi. Từ "sợ hãi" xuất hiện đến 28 lần trong bản thảo được biên tập lại; còn các từ "khiếp đảm" và "lo sợ" xuất hiện 23 lần. Ông còn mô tả mình bị ám ảnh bởi các cảm giác vô vọng, kinh hoàng, căng thẳng thần kinh và hoảng loạn tâm thần.

Khi bị giam ở Mauritania, ông viết: "Tôi căm ghét khu nhà phức hợp, tôi ghét bóng tối, ghét căn buồng bẩn thỉu… Tôi ghét mọi thứ". Khi được "dẫn độ" đến Jordan, Slahi không ăn được: "Mặc dù rất đói  nhưng cổ họng tôi chống lại tôi. Sự trầm uất và sợ hãi xâm lấn quá nhiều".

Slahi viết về thời gian bị tra tấn ở Guantanamo: "Tôi thường xuyên phải sống trong sự khiếp sợ. Tôi bị tước đoạt giấc ngủ suốt 70 ngày, bị tra tấn 24 giờ một ngày".

Slahi phải hứng chịu đủ mọi kỹ thuật tra tấn khủng khiếp nhất mà người Mỹ có thể tưởng tượng ra - ánh đèn sáng nhấp nháy rọi vào mắt, ngâm mình trong nước lạnh, bị lũ chó đe dọa, bị buộc tiếp xúc thân thể với các nữ nhân viên thẩm vấn, bị buộc cất tiếng sủa và thực hiện những trò của con chó… Trong bản thảo, Slahi kể chuyện 2 nữ điều tra viên tấn công tình dục ông nhưng phần này đã bị biên tập cắt bỏ.

Năm 2010, thẩm phán Tòa án Liên bang James Robertson ra lệnh thả Slahi do thiếu chứng cứ buộc tội có liên quan đến các âm mưu tấn công khủng bố của Al-Qaeda, nhưng ông vẫn tiếp tục bị giam giữ ở Guantanamo sau khi Bộ Tư pháp Mỹ chống lại quyết định này.

Cuốn nhật ký của Slahi được xuất bản sau khi cuộc điều tra của Thượng viện Mỹ về cáo buộc tra tấn của CIA được tiến hành; cũng như sau những nỗ lực của phe Cộng hòa gây sức ép đến Tổng thống Barack Obama buộc đóng cửa nhà tù Guantanamo.

Luật sư Nancy Hollander (trái) và Yahdih, em trai của Slahi.

Trở thành "công dân toàn cầu" theo cách khủng khiếp nhất

Trong cuốn sách, Mohamedou Ould Slahi gây ấn tượng về một người thông minh, hóm hỉnh, có tài ăn nói và đáng ngạc nhiên là ông dường như không hề bị tổn thương.

Slahi là người Mauritania và là một tín đồ Hồi giáo. Ông sinh năm 1970 ở Rosso, thành phố Mauritania. Ông là con thứ 9 trong số 12 anh chị em. Cha ông, chủ trại nuôi lạc đà và bò, qua đời khi Slahi 13 tuổi và sau đó gia đình chuyển đến thủ đô Nouakchott.

Slahi cùng với 6 anh em của mình lập ra đội bóng đá và mỗi người chọn một cái tên cầu thủ Đức - như là Rudi Voller và Karl-Heinz Rummenigge.

Slahi có một rạp chiếu phim. Yahdih, em trai của Slahi, nhớ lại: "Ở Mauritania không có rạp chiếu phim cho nên Mohamedou đã dựng lên một màn ảnh rộng. Năm 1988, Slahi giành được học bổng tại Đức và sau đó lấy bằng kỹ sư Đại học Duisburg.

Sau khi định cư tại thành phố Duisburg, Slahi cưới một phụ nữ người Mauritania. Năm 1991, Slahi đến Afghanistan và được huấn luyện trong một trại gần thành phố Kandahar.

Sau khi trở về Đức, ông làm kỹ sư điện tử và ở lại nước này suốt 7 năm sau đó. Slahi có một thời gian sống ở thành phố Montreal của Canada.

Tháng 10/1999, Slahi gặp 2 tên không tặc ngày 11/9/2001 ở Đức - đó là Marwan al-Shehi và Ziad Jarrah - cùng với Ramzi bin al-Shibh, người bị buộc tội giúp tiến hành cuộc tấn công khủng bố. Nhưng theo lời Slahi nói, ông đã không còn muốn liên hệ với Al-Qaeda từ năm 1992.

Slahi cũng phủ nhận cáo buộc ông là người tuyển mộ tân binh cho Al-Qaeda khi sống ở Đức và Canada, cũng không dính líu đến âm mưu đánh bom sân bay Los Angeles vào Giáng sinh năm 1999.

"Nhật ký Guantanamo" của Mohamedou Slahi.

Trong cuốn nhật ký, Slahi kể rằng, ông chỉ thú nhận vài âm mưu khủng bố riêng lẻ, như vụ đánh bom tháp CNN ở Toronto - chi nhánh mạng truyền hình cáp Mỹ ở Canada - sau khi bị tra tấn và làm nhục.

Về sau, một thẩm phán Mỹ kết luận: Quá ít bằng chứng chống lại Slahi đến mức không thể tiếp tục truy tố ra tòa án.

Bà Nancy Hollander, luật sư đại diện của Slahi nói rằng, thân chủ của bà không hề bị buộc bất cứ tội danh nào cho nên cần được trả tự do.

"Không phải họ không tìm được bằng chứng nào chống lại thân chủ tôi mà đích thực là họ không có bằng chứng nào để chống lại ông ấy. Slahi bị công lý bỏ mặc và đó mới chính là bi kịch. Ông ấy phải được về nhà" - luật sư Hollander quả quyết.

Trong khi đó, Liên minh Dân quyền Mỹ (ACLU) đã phát động chiến dịch kiến nghị trực tuyến đòi trả tự do cho Slahi.

Hina Shamsi, Giám đốc Dự án An ninh quốc gia của ACLU, tuyên bố: "Mohamedou Slahi là người vô tội đã bị chính quyền Mỹ tra tấn dã man và giam giữ bất hợp pháp trong suốt hơn một thập niên. Ông ấy không hề đặt ra mối đe dọa nào cho an ninh nước Mỹ và không hề tham gia vào bất cứ hoạt động thù địch nào chống lại quốc gia này cả".

Các tác giả như Colin Firth, Stephen Fry và Riz Ahmed cùng với nhạc sĩ Brian Eno và nhà văn Elif Shafak nằm trong số những người ủng hộ chiến dịch mới được triển khai đúng vào ngày xuất bản cuốn  “Nhật ký Guantanamo” để kêu gọi trả tự do cho Mohamedou Slahi.

Ngày 20/1 vừa qua, một cuộc họp báo được tổ chức tại thủ đô London của Anh để giới thiệu "Nhật ký Guantanamo" và bắt đầu mở màn chiến dịch đòi tự do cho tác giả còn bị giam trong tù.

Em trai Yahdih của tác giả mô tả gia đình của Slahi đã hãnh diện như thế nào khi cuốn sách được xuất bản: "Nếu đọc cuốn sách, anh sẽ cảm nhận được rõ ràng mỗi dòng chữ đều được viết ra bằng máu và nước mắt. Slahi đã lên tiếng thay cho mọi người đang phải chịu đựng đau đớn trong những tình huống tương tự".

Larry Siems, người biên tập bản thảo cuốn sách, gọi Slahi là "một trong những tù nhân bị xâm hại nhiều nhất ở Guantanamo": "Nhóm điều tra viên tra tấn được huấn luyện rất bài bản đến mức hoàn thành tội ác vô cùng hoàn hảo, không hề để lại bất cứ bằng chứng rõ ràng nào trên cơ thể tù nhân. Họ sử dụng những kỹ thuật tàn bạo nhất mà di chứng mãi về sau mới thấy được".

Khi mô tả sự thương tổn của cuộc sống trong tù, Slahi viết: "Tôi bắt đầu bị ảo giác và nghe nhiều giọng nói the thé… Tôi nghe đọc kinh Koran với giọng nặng nề. Tôi nghe nhạc từ đất nước tôi. Tôi sắp sửa bị mất ý thức".

Sylvia Royce, một nữ luật sư khác của Slahi, gửi cho thân chủ mình đang bị giam ở Guantanamo vài cuốn sách Sudoku và một cuốn y học cơ bản. Bởi vì, ý nguyện của Slahi là muốn trở thành bác sĩ. Không chỉ tự học tiếng Anh trong tù, Slahi còn nói được tiếng Đức, Pháp và Arập.

Bà Sylvia Royce cho rằng, Slahi đã trở thành "công dân toàn cầu" theo một cách khủng khiếp nhất!

Trong một cuộc hỏi cung, khi được hỏi sẽ chọn sống ở đâu nếu được phóng thích khỏi nhà tù Guantanamo, Slahi cho biết: Lựa chọn đầu tiên của ông sẽ là nước Mỹ song điều đó quá mong manh.

Lựa chọn thứ hai của Slahi là Canada, nhưng chính quyền Ottawa rõ ràng không chấp nhận ông sống ở nước này.

Mặc dù còn gia đình ở quê nhà, song Slahi thật sự không muốn quay trở về Mauritania bởi vì chính quyền nước này đã nhẫn tâm giao nộp ông cho người Mỹ ngay từ đầu.

Cuối cùng, có lẽ Slahi sẽ trở về nơi mọi chuyện bắt đầu - đó là nước Đức!.

Theo Theo An Ninh Thế Giới