Nhật Bản khó bắn hạ tên lửa Triều Tiên

TP - Vụ Triều Tiên phóng tên lửa qua Nhật Bản mới đây đã kích hoạt hệ thống báo động người dân tìm nơi trú ẩn, nhưng cả Tokyo lẫn Washington đều không cố gắng bắn hạ tên lửa đó.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tổ chức diễn tập sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot-3 tại căn cứ không quân Mỹ ở Yokota, ngoại ô Tokyo, ngày 29/8. Ảnh: Getty Images.

Đây là lần thứ hai Triều Tiên phóng tên lửa qua Nhật Bản, tiếp nối vụ phóng vào tháng 8 qua đảo Hokkaido. Trong hai tình huống đó, các hệ thống đánh chặn được nói đến rất nhiều của Mỹ và Nhật Bản đều không được sử dụng. Giờ đây, một số người ở Mỹ băn khoăn tại sao các hệ thống vũ khí phức tạp đó không được kích hoạt, kể cả khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang tăng tốc tiến tới mục tiêu xây dựng năng lực tên lửa hạt nhân có thể tấn công nước Mỹ.

“Lần sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, đặc biệt là phóng qua nước đồng minh Nhật Bản của chúng ta, tôi hy vọng chúng ta sẽ bắn hạ nó như một cách để gửi thông điệp đến Triều Tiên và những nước khác, những người đang dựa vào chúng ta”, nghị sĩ đảng Cộng hòa Dana Rohrabacher nói trước các nhà làm luật Mỹ tuần trước. “Nếu chúng ta không thể hiện rằng chúng ta sẵn sàng sử dụng vũ lực thì không có lý do gì để họ tin chúng ta sẽ làm như vậy”, ông Rohrabacher nói.

Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ xác nhận tên lửa mà Triều Tiên vừa phóng qua Nhật Bản là một tên lửa đạn đạo tầm trung, còn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết tên lửa đã đi được khoảng 3.700km, đạt tới độ cao tối đa 770km rồi rơi xuống Thái Bình Dương. Đây là tên lửa bay xa nhất mà Triều Tiên từng phóng. Hai tác giả Evans Revere và Jonathan Pollack, công tác tại Viện Brookings (Mỹ), cho rằng Washington nên tuyên bố bất kỳ tên lửa nào mà Triều Tiên phóng về phía hoặc qua Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ sẽ bị coi là mối đe dọa trực tiếp và sẽ “bị xử lý bằng toàn bộ năng lực phòng vệ của Mỹ và đồng minh”.

Mỹ và Nhật Bản đều khẳng định họ có thể bắn hạ tên lửa bay về phía họ, nhưng giới chức hai nước nói rằng vụ phóng gây kích hoạt hệ thống báo động hôm thứ Sáu tuần qua chưa chạm đến ngưỡng đó. Nếu Mỹ và các đồng minh “xác định đó là mối đe dọa trực tiếp, chúng tôi đã bắn hạ nó”, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Rob Manning nói.

Có thể bắn trượt

Nhật Bản sở hữu các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến Patriot 3 (PAC-3), có khả năng bắn hạ tên lửa ở độ cao thấp, cùng hệ thống tên lửa SM-3 có thể bắn hạ tên lửa bay cao và tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Ông Bruce Klingner, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Di sản (Mỹ), nói rằng tên lửa mà Triều Tiên vừa bắn qua Nhật Bản đã bay cao hơn mức mà bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo nào ở khu vực có thể bắn hạ, kể cả hệ thống SM-3.

Ngoài ra, Hiến pháp hòa bình của Nhật chỉ cho phép nước này thực hiện những hành động phòng vệ. Ông Hideshi Takesada, chuyên gia về quốc phòng và Triều Tiên tại ĐH Takushoku ở Tokyo, nói rằng Nhật Bản chỉ định đánh chặn tên lửa khi nó đi vào không phận của họ hoặc các vật thể rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản. Những tên lửa gần đây của Tiều Tiên bay rất cao trên vùng trời Nhật Bản và không có vật thể nào rơi xuống đất. Vì thế, chính phủ Nhật không ra lệnh bắn hạ, ông Takesada nói.

Các chuyên gia còn cho rằng, dù Nhật Bản có công nghệ chống tên lửa tốt nhưng cũng khó bao trùm cả quần đảo. “Về kỹ thuật, rất khó để đánh giá một tên lửa đang bay ở giai đoạn đầu có phải là mối đe dọa trực tiếp đối với Nhật Bản hay không”, ông Akira Kato, giáo sư ngành chính trị quốc tế tại ĐH J.F. Oberlin ở Tokyo, nói. Nhật Bản và Mỹ không muốn chấp nhận rủi ro từ việc cố bắn hạ tên lửa nếu tên lửa đó không phải mối đe dọa trực tiếp. Nếu bắn trượt có thể bộc lộ hạn chế mà Triều Tiên có thể khai thác. “Nếu bắn trượt sẽ gây ra ấn tượng rằng năng lực phòng thủ tên lửa của Nhật Bản là thiếu sót”, ông Kato nói.

Nhật Bản còn có một mạng lưới phòng thủ tên lửa Aegis, và Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn Tokyo và Seoul mua thêm các hệ thống như vậy. Nhật Bản đang cân nhắc mua phiên bản đặt trên mặt đất là Aegis Ashore.

Các công nghệ phòng thủ tên lửa của Mỹ hiện tại tập trung vào việc chặn tên lửa Triều Tiên đang bay giữa chừng hoặc vào giai đoạn cuối khi sắp chạm đến mục tiêu. Lầu Năm Góc muốn phát triển công nghệ bắn hạ tên lửa ngay từ lúc chúng rời khỏi bệ phóng, tức là ở giai đoạn tăng tốc. Tên lửa đang bay ở giai đoạn này vẫn mang theo nhiều nhiên liệu nổ nên đi chậm, vì thế dễ bị tên lửa khác ở gần đó bắn hạ. Quân đội Mỹ cũng đang tìm hiểu khả năng thực hiện tấn công mạng hoặc phóng laser từ máy bay không người lái để hạ tên lửa khi chúng vừa rời khỏi bệ phóng.

Việt Nam quan ngại Triều Tiên phóng tên lửa qua Nhật Bản

Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo qua không phận Nhật Bản ngày 15/9, vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, làm gia tăng căng thẳng ở khu vực, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố ngày 17/9.

“Việt Nam nhất quán ủng hộ mọi nỗ lực thúc đẩy đối thoại và duy trì hòa bình, ổn định trên Bán đảo Triều Tiên; kêu gọi các bên tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và có những hành động mang tính xây dựng, thiết thực, đóng góp cho việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và trên thế giới”, bà Hằng nói.

Theo ​Theo JiJi, Japan Times