Bước ra từ bóng tối
“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”, Phương Dung đọc hai câu thơ cổ, rồi kết luận: Nghề ca sỹ cũng vậy thôi. Một trong những tượng đài của bolero thừa nhận: “Tuổi lớn, cột hơi không còn như xưa, nên hai năm qua tôi không lên sân khấu nữa”.
Trong sự nghiệp ca hát kéo dài hơn nửa thế kỷ, danh ca Phương Dung đã trình bày khoảng 300 ca khúc. Ở thời đỉnh cao của sự nghiệp, cát xê của “Nhạn trắng Gò Công” cao ngất ngưởng: “Mỗi tháng tôi làm được trên 200 ngàn đồng. Một lạng vàng khi ấy giá chỉ trên 3 ngàn đồng thôi”.
Cái tên Phương Dung bắt đầu đình đám từ nhạc phẩm “Nỗi buồn gác trọ” (Mạnh Phát- Hoài Linh): “Gác lạnh về khuya cơn gió lùa/Trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa/Nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt/Lá vàng nhè nhẹ đưa/Tưởng như bước lê hè phố”.
Nữ ca sỹ sinh ra ở Gò Công (Tiền Giang ngày nay) là người đầu tiên trình bày nhạc phẩm này: “Nỗi buồn gác trọ” cũng được đưa vào phim “Sài Gòn by night”, được thu âm vào đĩa nhựa và phát đi phát lại liên tục trên đài phát thanh, giúp tôi có những bước đi rất dài và nhanh trong sự nghiệp”.
Chính từ thành công khi trình bày “Nỗi buồn gác trọ”, nữ ca sỹ có biệt danh mới: “Nhạn trắng Gò Công”.
Một vài bài viết cho rằng, biệt danh “Nhạn trắng Gò Công” ra đời khi Phương Dung hát thành công “Sương lạnh chiều đông” (Mạnh Phát). Nữ danh ca bác bỏ: “Không phải. Biệt danh này có từ “Nỗi buồn gác trọ”. Cái ông đặt biệt danh đó chính là ký giả, thi sĩ Kiên Giang (Hà Huy Hà). Ông hay lui tới phòng trà của Huỳnh Anh nghe tôi hát. Ông hỏi tôi: Tại sao đi hát mà em hay mặc áo trắng? Bởi vì, tôi đang ở lứa tuổi học trò, không biết sửa soạn mặc gì cho đẹp, nên cứ diện áo dài học trò đi hát. Bờ biển Gò Công khi ấy có nhiều chim nhạn lắm. Biệt danh “Nhạn trắng Gò Công” ra đời như thế”.
Nữ danh ca hãnh diện với biệt danh mà tác giả thi phẩm “Tiền và lá” đặt cho. Bà yêu quê hương của mình, tự hào về mảnh đất đã sinh ra hai người phụ nữ cao quý: Mẹ vua Tự Đức, Từ Dụ hoàng thái hậu và Nam Phương hoàng hậu.
Con đường sự nghiệp của “Nhạn trắng Gò Công” không trải hoa hồng. Khi bước chân vào nghệ thuật bà không nghĩ tới tiền hay tên tuổi, mà chỉ nghĩ đến đam mê: “Chính đam mê đã giúp tôi nhận được vinh quang, đi qua đoạn trường”.
Không ai trong gia đình nữ danh ca theo nghệ thuật. Bà chia sẻ, cha của bà có một nông trại trồng na và nhãn ở Gò Công. Bên ngoại cũng làm nông nghiệp, có vườn dừa. Vì thế, dấn thân theo con đường ca hát, bà như lạc lõng, bơ vơ: “Tôi phải tự đi, giống như người mù mò trong bóng tối đi ra. Nhưng tôi yêu nghề quá, nên không để ý khó khăn”.
Trên hành trình đi tìm giấc mơ, “Nhạn trắng Gò Công” diễm phúc gặp một người thầy tài giỏi: “Đó là một người miền Trung, hát hay, thông thạo ngoại ngữ, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ý. Ông cũng là người có trình độ học vấn cao, từng du học ở Pháp. Tôi theo người thầy này 3 năm. Tôi là người miền Tây, thầy dạy và bắt buộc tôi phát âm giọng Bắc khi hát. Bởi tôi không hát cải lương mà hát tân nhạc mới du nhập vào xứ mình phải hát giọng Bắc mới chính xác”.
Phương Dung tiết lộ, người thầy của bà không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên nghiệp. Nữ danh ca còn may mắn có mối duyên nghệ thuật với những nhạc sỹ nổi tiếng như Huỳnh Anh, tác giả “Mưa rừng”, “Lạnh trọn đêm mưa” hay Mạnh Phát, “cha đẻ” “Sương lạnh chiều đông”, “Hoa nở về đêm”… Nhạc sỹ Mạnh Phát thường đến tận nhà dạy Phương Dung hát ca khúc của mình.
Được mệnh danh là tượng đài bolero, ít ai biết trước khi đến với bolero, Phương Dung từng hát các nhạc phẩm của Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Văn Cao… “Rồi dòng bolero của Tây Ban Nha du nhập vào Việt Nam những năm 50, từ ông Hoàng Thi Thơ tới Tuấn Khanh, Anh Bằng, Trần Thiện Thanh, Lam Phương… đều viết bolero. Mà người ta viết lời quá hay đi…”, nữ ca sỹ giải thích lý do đưa bà đến với bolero.
Danh ca Phương Dung phản đối những người coi bolero là “sến”: “Tôi không bằng lòng với câu đó”. Để “vỡ” một ca khúc bolero, bà thường mất ít nhất 2 ngày: “Những ca khúc trước 1975 thường viết giống như một câu chuyện có mở bài, thân bài và kết luận. Nắm được 3 phần ấy, tôi mới suy nghĩ, cần luyến láy chỗ nào, xác định đoạn nào trong ca khúc là trọng tâm”.
Ham tìm hiểu, thích đọc sách, nên sau này nữ danh ca còn có một biệt danh khác “Madam Google”. Cách giới thiệu bài hát mỗi khi lên sân khấu của “Madam Google” cũng khác ca sỹ bình thường: “Tôi giới thiệu ca khúc “Hàn Mặc Tử” của Trần Thiện Thanh như sau: “Vào thập niên 40, một nhà thơ Quy Nhơn có nhiều tác phẩm nổi tiếng: “Sao anh không về chơi thôn Vỹ/ Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên/Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Xin mời quý vị nghe nhạc phẩm “Hàn Mặc Tử” của Trần Thiện Thanh. Còn trước khi hát “Hoa trinh nữ” của Trần Thiện Thanh tôi giới thiệu: Có một loài hoa không hương, sống trên vùng sỏi đá…”.
Thích nói thật hay nói dối?
Danh ca Phương Dung đắt “sô” ghế nóng gameshow ca nhạc. Bà gây ấn tượng ở sự thẳng thắn, không màu mè. “Nhạn trắng Gò Công” từng hỏi thí sinh: “Em muốn cô nói thật hay nói dối?”. Bà khuyên các em: “Nếu có ý làm ca sỹ đừng chú trọng diêm dúa, nặng phần trình diễn quá, mà phải tập trung giọng hát và bài hát của mình”. Với một nữ ca sỹ trẻ đã gặt hái ít nhiều thành công bà vẫn phê bình: “Con điệu quá, con bớt lại đi, điệu quá thành ra không truyền cảm tự nhiên. Mà con cũng “copy” Như Quỳnh nhiều quá”.
Dám nói thẳng, nói thật, lại cho điểm chặt tay nên “Nhạn trắng Gò Công” từng bị thí sinh là con gái một nghệ sỹ nổi tiếng dùng những lời đả kích nặng nề vì cô bị danh ca cho điểm thấp, sau một đêm thi. Phản ứng của nữ danh ca là “cười bò”, bà thấy tiếc cho một người trẻ đặt “cái tôi” của mình quá lớn. Một lần khác, bà hỏi thí sinh: “Đoạn chính trong ca khúc nổi tiếng “Chuyến đò không em” nằm ở đâu?”. Thí sinh không biết, bà cất giọng: “Từ khi ban sơ cả hai người vẫn chờ một câu nói/Mà rồi biệt ly không một lần hé môi/Từ nay duyên kiếp chìm trong mộng thôi”. Hỏi Phương Dung, bà không sợ bị người trong giới ghét sao? Bà đáp: “Tôi không quan tâm”.
Trong những cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, Phương Dung cũng không ngại động chạm những “ngôi sao” mà thị trường đang yêu mến. Thí dụ, một lần bà đánh giá: “Theo tôi, L.Q không phải là ca sỹ dòng nhạc bolero. Q. thích thì Q. hát dòng nhạc này thôi chứ không phù hợp với dòng nhạc bolero. Bolero có những luyến láy riêng, chỉ cần một chữ được người nghệ sỹ xử lý kỹ thì đã khác rồi”. Phương Dung đặc biệt khó chịu với những thí sinh hay ca sỹ trẻ hát sai lời ca khúc: “Như bài “Sầu tím thiệp hồng”: “Đắng cay trong lòng chỉ thấy thiệp hồng”. Một cô ca sỹ đang được yêu thích hát: “Tắt ngay trong lòng chỉ thấy thiệp hồng”. Tôi bực lắm”.
Hạnh phúc khi được cho đi
Danh ca lấy chồng năm 21 tuổi, chồng bà hơn bà 13 tuổi, đã mất cách đây 3 năm. Hai vợ chồng bà sinh được 8 người con, trong đó có 6 người con trai, hai người con gái. Các con của “Nhạn trắng Gò Công” hiện đang ở nước ngoài, đều có cuộc sống ổn định. Phương Dung ra hải ngoại từ năm 1976, bà trở về Việt Nam mười mấy năm nay.
Ngoài việc làm từ thiện bằng chính tiền của mình, nữ danh ca Phương Dung bảo trợ cho nhiều sinh viên, có người đến nay đã thành bác sỹ ở một bệnh viện lớn của Sài Gòn.
Từ những chuyến trở về quê hương để làm từ thiện, bà quyết định sống ở Việt Nam nhiều hơn, lâu hơn: “Tôi yêu quê hương. Sống ở hải ngoại tôi nhận thấy mình là lá của một cành cây. Sau thống nhất, nhiều nơi trên đất nước còn khó khăn, trường học cho trẻ em, y tế cho người dân, là những vấn đề khiến tôi trăn trở. Tôi trở về nước làm thiện nguyện bằng tiền cá nhân của tôi, không kêu gọi đóng góp”.
Một trong những hoạt động thiện nguyện của nữ danh ca chính là giúp người dân chữa bệnh cườm mắt: “Tôi làm ở Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết… Cứ góp 4.000 USD, tôi đã giúp 100 người sáng mắt rồi”.
Nữ danh ca còn bảo trợ cho nhiều sinh viên, có người đến nay đã thành bác sỹ ở một bệnh viện lớn của Sài Gòn.
Bà kể: “Tôi đặt ra mấy điều kiện cho cậu sinh viên mà mình bảo trợ: Trong thời gian học không được quyền có “bồ”, có “bồ” sẽ phân tâm việc học. Phải giữ được thành tích học tập tốt, nếu không thì tôi sẽ không nuôi nữa. Cậu ấy tới tiệm cơm tấm, ăn gì tùy thích, uống một li sữa, hết tháng tôi thanh toán tiền. Cứ mấy năm trời như thế. Tôi còn nói với cậu điều này: Khi con ra trường, cô không nhờ con làm gì cho cá nhân cô, bởi con cô là bác sỹ, có khả năng tài chính, có vấn đề về sức khỏe cô sẽ bay về Mỹ. Còn ở đây, những người dân nghèo vào viện, cần sự giúp đỡ, con phải giúp họ. Đó là cách trả ơn cho cô”.
“Nhạn trắng Gò Công” tiếp tục trải lòng: “Tôi không cần người ta biết tôi tốt, tôi làm từ thiện. Tôi chỉ cần mấy đứa con tôi thấy rằng, trên quê hương mình còn rất nhiều người không đủ khả năng có một bữa cơm ngon, mà với mình, lại quá dễ dàng. Tôi làm để mai mốt, con tôi tiếp tục thay tôi giúp đỡ những người khó khăn”.
“Bí mật” của Mạnh Phát, Anh Bằng
Một trong những nhạc phẩm được yêu thích của nhạc sỹ Mạnh Phát là “Hoa nở về đêm”. Nữ danh ca tiết lộ: “Ông ấy không viết về hoa quỳnh. Mà bắt nguồn từ câu chuyện tình có thật. Ông đi nhậu với bạn bè, sau đó ghé thăm người yêu thầm kín tên “Hoa”. Lúc này, Mạnh Phát đã có gia đình”.
Riêng nhạc sỹ Anh Bằng, “Nhạn trắng Gò Công”kể một kỷ niệm đặc biệt: “Bạn thân của tôi là ca sỹ Mỹ Dung, người yêu của Anh Bằng. Vợ Anh Bằng, là người phụ nữ nội trợ, quê gốc Thanh Hóa, chẳng phải giai nhân. Anh Bằng yêu Mỹ Dung song không bỏ vợ. Khi Mỹ Dung muốn xin Anh Bằng một đứa con, ông ấy từ chối vì đã có gia đình. Hai người chia tay. Sau đó hai năm, Mỹ Dung mắc ung thư. Khi Mỹ Dung gần mất, vợ Anh Bằng nhắc chồng xuống lo đám tang cho người tình cũ. Anh Bằng đã lo hậu sự cho Mỹ Dung đâu ra đó. “Sầu lẻ bóng” chính là nhạc phẩm của Anh Bằng viết cho Mỹ Dung: “Người ơi khi cố quên là khi lòng nhớ thêm/Dòng đời là chuỗi tiếc nhớ…”