Như tin đã đưa, ngày 19/8, Cục Cảnh sát Hình sự (C45) Bộ Công an đã bắt khẩn cấp ông Đào Tấn Cường, trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) để điều tra về hành vi đe dọa giết người.
Theo cơ quan điều tra ban đầu ông Đào Tấn Cường nhắn tin đe dọa ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và một số lãnh đạo, cán bộ cấp sở, văn phòng uỷ ban của TP Đà Nẵng.
Liên quan vụ việc trên, luật sư Trần Tuấn Anh – đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm con người là bất khả xâm phạm. Quyền này đã được Hiến pháp ghi nhận là một quyền cơ bản nhất của con người. Chính vì vậy, mọi hành vi xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của con người hoặc hành vi đe dọa sẽ thực hiện các hành động nêu trên đều bị xem là hành vi vi phạm pháp luật.
Trong trường hợp xem xét nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, không thì cũng có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
“Rõ ràng, hành vi nhắn tin đe dọa và làm cho người bị đe dọa hoang mang, sợ hãi là hành vi nguy hiểm cho xã hội và cần phải xử lý một cách thích đáng theo quy định” – luật sư Tuấn Anh nói.
Cũng theo luật sư Tuấn Anh, tại Điều 103 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về hành vi đe dọa giết người như sau: “Điều 103. Tội đe dọa giết người : 1. Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Đối với nhiều người; b) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; c) Đối với trẻ em; d) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.”
Lý giải về việc cơ quan điều tra hành vi đe dọa giết người đối với ông Đào Tấn Cường, luật sư Tuấn Anh giải thích: Người bị coi là phạm tội đe dọa giết người là người có hành vi thể hiện sẽ tước đoạt tính mạng người khác. Hành vi này có thể là lời đe dọa với những hình thức khác nhau (qua điện thoại, thư từ…) hoặc có thể là những cử chỉ, việc làm cụ thể gián tiếp thể hiện sự đe dọa (như đi tìm công cụ, phương tiện…).
“Hành vi đe dọa phải gây ra cho người bị đe dọa tâm lí lo sợ một cách có căn cứ là hành vi giết người sẽ xảy ra. Hành vi đe dọa giết người chỉ cấu thành tội phạm khi hành vi đó đã làm cho người bị đe dọa thực sự lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện” – luật sư Tuấn Anh cho biết.
Cũng theo luật sư, trong trường hợp cơ quan điều tra chứng minh được hành vi đe dọa bằng tin nhắn nhằm mục đích làm tê liệt ý chí của người có chức vụ, quyền hạn trong việc thực hiện quản lý, điều hành của người đó, buộc người đó phải thực hiện những hành vi trái với chức năng, nhiệm vụ thì rất có thể người nhắn tin đe dọa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội khủng bố” như trường hợp đối tượng nhắn tin đe dọa đối với Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh vừa qua.
Trong trường hợp hành vi nhắn tin đe dọa không đủ yếu tố cấu thành tội phạm của tội đe dọa giết người thì người thực hiện hành vi đó cũng có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, cụ thể: người nào “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người “ khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng; hành vi: “Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Cần làm gì khi bị nhắn tin đe dọa?
Đối với cá nhân, công dân, khi bị nhắn tin đe dọa thì cần phải ngay lập tức báo với cơ quan công an nơi gần nhất để tiến hành điều tra, xác minh, lên phương án bảo vệ người bị đe dọa, đề phòng những hành vi đe dọa đó có thể xảy ra trên thực tế và có thể xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của mình.