Nhân sự quy hoạch, bước quan trọng trong công tác cán bộ

TP - “Có rất nhiều khâu trong công tác tổ chức cán bộ. Căn cứ vào tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, các bộ, ngành, địa phương có thể lựa chọn số lượng để giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV. Đây là bước rất quan trọng trong công tác cán bộ”, TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ trao đổi với Tiền Phong về quy hoạch sử dụng cán bộ.

- Hội nghị Trung ương 8 dự kiến diễn ra trong tuần đầu tiên của tháng 10 này. Tại Hội nghị Trung ương 7, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh yêu cầu tập trung xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031. Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện việc giới thiệu cán bộ quy hoạch, ông thấy sao về việc này?

+ Sau Hội nghị Trung ương 7, các bộ, ngành trung ương và địa phương đã triển khai giới thiệu nhân sự quy hoạch uỷ viên trung ương chính thức và dự khuyết. Đây là công việc thường xuyên của Đảng để chuẩn bị cho Đại hội khoá XIV sắp tới. Công tác cán bộ là công việc rất hệ trọng, quyết định hết thảy, là “then chốt của then chốt”, nên công tác tổ chức cán bộ là công việc trọng yếu của Đảng.

Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Trong công tác tổ chức cán bộ, từ trước đến nay luôn được làm rất bài bản, thận trọng, chặt chẽ, đảm bảo chất lượng cao nhất. Qua đó để lựa chọn cho được những người có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, thực sự vì nước, vì dân.

Công tác tổ chức cán bộ có rất nhiều khâu, trong đó có quy hoạch, chọn lọc, giới thiệu nhân sự đưa vào quy hoạch, rồi đề bạt, luân chuyển, sử dụng cán bộ… Vừa qua, các bộ, ngành, địa phương đã làm một bước rất quan trọng là giới thiệu nhân sự để đưa vào quy hoạch khoá tới. Căn cứ vào tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể, các bộ, ngành, địa phương có thể lựa chọn số lượng một hoặc hai người, giới thiệu quy hoạch uỷ viên trung ương chính thức và dự khuyết, chuẩn bị cho Đại hội XIV tới. Trên cơ sở đó, Trung ương sẽ xem xét, sàng lọc và quyết định danh sách quy hoạch. Đó là bước rất quan trọng trong công tác cán bộ.

Các đại biểu tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

- Trong công tác cán bộ và lựa chọn cán bộ, theo ông, những tiêu chí nào cần được coi là quan trọng nhất?

+ Với công tác cán bộ, tiêu chí và mục tiêu quan trọng nhất vẫn là làm sao lựa chọn được cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, vừa có đức, vừa có tài. Nhưng trong hai phẩm chất đó, yếu tố đạo đức vẫn phải được coi là số một. Tuy nhiên, đạo đức và năng lực, hai tiêu chí quan trọng nhất đó phải được thể hiện bằng hành động cụ thể. Cán bộ phải được đào tạo, rèn giũa, trưởng thành từ thực tiễn, cơ sở.

Nhưng theo tôi, điều quan trọng là phải dân chủ trong công tác cán bộ để lựa chọn cho được cán bộ tốt nhất, xứng đáng nhất. Tất nhiên, không thể có chuyện chọn 100 người lại có thể tròn vo, toàn diện được cả 100 người. Nay họ là người tốt, nhưng khi đặt vào vị trí khác, họ lại không vượt qua được những cám dỗ, thế là sa ngã. Khi vận động trong môi trường thực tiễn, hay xuống cơ sở thì năng lực, phẩm chất của họ sẽ bộc lộ rõ nhất. Nếu thực sự dân chủ, để mọi người đánh giá, nhận xét, kiểm soát, giới thiệu, sẽ là bước sàng lọc rất hiệu quả.

Điểm tựa cho cán bộ dám nghĩ, dám làm

“Chính phủ vừa ban hành nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Điều này hết sức cần thiết, bởi khi làm những cái mới, cái khó thì có thể thành công, cũng có thể thất bại. Trong trường hợp như vậy, dù không đạt kết quả như mong đợi, nhưng nếu vì lợi ích chung, có động cơ trong sáng, thì cần được xem xét loại trừ, hoặc miễn, giảm nhẹ trách nhiệm. Đây chính là điểm tựa, góp phần mở đường, tạo không khí mới, tinh thần mới cho cán bộ, công chức lao động,

cống hiến”.

TS. Nguyễn Tiến Dĩnh

“Ba không” để kiểm soát quyền lực

- Cũng có ý kiến băn khoăn rằng, công tác cán bộ, quy trình được làm bài bản, thận trọng, nhiều bước, nhiều khâu, nhưng sau đó vẫn xảy ra tình trạng cán bộ vi phạm, bị xử lý ở các mức độ khác nhau. Vì sao, và giải pháp nào để ngăn chặn tối đa tình trạng này, thưa ông?

+ Đúng là thực tế có chuyện đó. Có rất nhiều cán bộ trưởng thành trong môi trường khắc nghiệt, với nhiều cám dỗ, nhưng họ vẫn có bản lĩnh để vượt qua chính mình, nhưng cũng có người không giữ được mình, nên bị đào thải.

Trong quá trình sàng lọc, giới thiệu, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, những cán bộ đó có thể vẫn là những người tốt. Nhưng khi người ta vào vị trí mới, cao hơn, họ lại bộc lộ những mặt trái, khiếm khuyết.

Khi đã có vị trí, có quyền lực, lại không rèn luyện, thiếu bản lĩnh, ý chí thì dễ bị tha hoá bởi quyền lực, bị cám dỗ bởi vật chất đời thường, rồi vi phạm pháp luật. Nhưng theo tôi, chuyện đó cũng hết sức bình thường trong tổ chức bộ máy cán bộ.

Như trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, có rất nhiều người bản lĩnh, vượt qua khó khăn, gian khổ; nhưng cũng có người bị vật chất cám dỗ, không vượt qua được, rồi vi phạm pháp luật, bị xử lý. Cũng có những người xưa kia làm ở vị trí này thì được coi là anh hùng, nhưng khi lên vị trí cao hơn, lại vi phạm pháp luật.

Chẳng hạn như cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, khi còn làm cảnh sát hình sự, lập nhiều chiến công, được phong anh hùng, rất xứng đáng. Nhưng khi lên vị trí cao hơn lại vi phạm pháp luật, rồi bị đào thải. Do vậy, trong công tác cán bộ phải luôn luôn đào tạo, rèn luyện, kể cả đào thải, “có vào, có ra; có lên, có xuống”, tự nhiên như một dòng chảy.

- Vậy để kiểm soát quyền lực hiệu quả thì nên thực hiện ra sao, theo ông?

+ Để quyền lực được kiểm soát thì quyền lực ấy cần được “nhốt trong lồng cơ chế”, làm sao để cán bộ “không muốn, không dám, không thể” tham nhũng. Để không thể tham nhũng - không tham nhũng được, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước phải được hoàn thiện chặt chẽ. Lâu nay chúng ta thường nhắc đến hai từ “lách luật”, nhưng thực tế, nếu quy định chặt chẽ sẽ hạn chế đi rất nhiều.

Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 114 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định 114 thay thế cho Quy định 205 của Bộ Chính trị “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Quy định mới được ban hành trong bối cảnh này rất cần thiết, rất chặt chẽ, góp phần ngăn ngừa cán bộ không thể tham nhũng.

Để cán bộ không dám tham nhũng thì phải xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Làm nghiêm, xử lý nghiêm như vậy sẽ là bài học cảnh tỉnh, răn đe, người khác nhìn vào sẽ sợ ngay, không dám tham nhũng nữa. Còn để không muốn tham nhũng, phải vận dụng cơ chế, chính sách, có cơ chế đãi ngộ, thu nhập thực sự xứng đáng cho cán bộ, công chức, viên chức.

Nếu được đãi ngộ xứng đáng, họ sẽ không muốn, cũng không cần tham nhũng. Vì nếu làm điều đó, họ sẽ mất đi cả sinh mệnh chính trị, mất địa vị, chức tước, rồi thu nhập hiện có, nên không cớ gì họ lại đánh đổi như thế cả.

“Nhốt quyền lực vào cái lồng cơ chế” là như vậy. Dù ở bất cứ vị trí nào thì quyền hạn cũng phải đi liền với trách nhiệm. Vị trí càng cao, trách nhiệm và quyền hạn càng lớn.

Chẳng hạn về trách nhiệm người đứng đầu, như ở Nghệ An, nhân viên vi phạm quy định về nồng độ cồn, họ yêu cầu thủ trưởng trực tiếp phải chịu trách nhiệm. Nghe có vẻ không có lý, vì ai làm người đó chịu nhưng họ nói rằng đó là cán bộ, công chức dưới quyền của anh thì anh phải giáo dục, tuyên truyền, nếu vi phạm, anh cũng phải chịu trách nhiệm. Tinh thần nêu gương và trách nhiệm người đứng đầu được cụ thể hóa trong trường hợp này.

Cảm ơn ông.

Đề nghị Trung ương xem xét kỷ luật cán bộ

Kể từ sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương giữa nhiệm kỳ đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều vụ việc vi phạm liên quan cán bộ diện Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng được phát hiện, kết luận.

Trên cơ sở đó, mới đây Bộ Chính trị họp và thống nhất đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét kỷ luật đối với ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và ông Trịnh Văn Chiến, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Theo kết luận của cấp có thẩm quyền, ông Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định. Ông Chiến vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục, thiệt hại lớn ngân sách nhà nước, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương.

Văn Kiên