Duyên ấy, với nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Văn Thanh là chỗ quen biết. Thanh tuổi còn rất trẻ nhưng học vấn khá uyên thâm, một tay thư pháp có hạng. Trong thời gian điền dã nghiên cứu đây đó ở các chùa, Thanh may được quen biết đại lão Thích Phổ Tuệ chùa Viên Minh. Lần ấy, Thanh cứ băn khoăn mãi sau buổi được hầu chuyện hòa thượng. Ngài có bộc bạch rằng cuốn kinh nhật tụng Bồ Đề mà ngài có được từ hồi trẻ đã rách nát, tệ nữa là cuốn Thượng đã mất. Ngài thành thực với Thanh là có lần trong mơ đã tầm kiếm được đủ bộ kinh ấy. Nhưng chỉ là một giấc mơ.
Nhà nghiên cứu Hán Nôm trẻ không chỉ băn khoăn tiếc hộ. Anh đã mày mò, cạy cục tầm nã nhiều nơi, nhiều nguồn để tiếp cận với nguyên văn nguyên bản bộ kinh quý rồi nhờ một cơ sở tôn giáo phía Nam in ấn đủ cả bộ hai cuốn Thượng- Hạ. Bữa nay anh đồ Thanh hoan hỷ đem bộ kinh kính tặng Hòa thượng tiện thể rủ tôi đi cùng.
Xe về chùa Viên Minh thuộc đất Phú Xuyên Hà Tây còn có vị sư nữ Thích Đàm Vân vốn là chỗ quen thân chung với Thanh và Đại lão Hòa thượng đi cùng. Nhờ vậy mà cũng bập bõm thêm chuyện. Những tấm tắc về cung cách sinh hoạt, ứng xử của Đại lão Hòa thượng nghe nhang nhác như cõi trần với tiên hòa quyện?
Không theo trào lưu du học Nhật Bản những năm 1950 như nhiều vị tăng thời đó, Thích Phổ Tuệ tu hành ẩn cư nơi thôn dã tại làng Ráng nơi có chùa Viên Minh (chỉ đứt đoạn từ 1953 đến 1958, ông ở chùa Kim Đới, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Sau 50 năm thọ đại giới, năm 1987, ông được Pháp chủ đương thời phái 3 cao tăng là Kim Cương Tử, Thích Thiện Siêu, Thích Tâm Thông tới trụ xứ mời lên Hà Nội đảm trách các chức vụ của Giáo hội và chủ trì hiệu đính Đại Tạng Kinh Điển.
Năm 2012, Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VII đã thống nhất tái suy tôn Hòa thượng Thích Phổ Tuệ giữ ngôi vị Thiền gia Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Sư Thích Đàm Vân chia sẻ những lần được nghe hòa thượng giảng giải mà như tâm sự.
“Chùa to, cảnh lớn, giảng đường đẹp, phòng ốc sang dù sao cũng chỉ là phương tiện.
...Sống ở trên đời này được bao nhiêu năm, theo tôi, không phải là thước đo giá trị của đời người. Con rùa nó sống hàng ngàn năm thì đã sao? Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho Đời, cho Đạo. Ngài Trần Nhân Tông chỉ ở đời có 51 năm, Ngài Pháp Loa có 47 năm mà công nghiệm thì bất khả tư nghì. Tôi trụ thế đến nay đã 91 năm, ở chùa 85 năm, thụ Đại giới được 71 năm, nghiệp là tu hành, nuôi thân thể chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương”.
Lần ấy Hà Tây đón Hòa thượng, tổ chức đại lễ Cung nghinh Đức Đệ Tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ. Trong lời bạch, ngài đã nhũn nhặn khiêm nhường:
“Tôi không ngờ chư vị lại tổ chức lễ đón rước quá lớn. Chúng tôi đã làm được những gì trong cuộc đời tu hành của mình mà dám nhận cái phúc lớn đó? Phúc là phải do tu mà có. Phúc không tích thêm mà cứ lạm hưởng thì rồi cũng hết. Khi đó phúc trở thành họa. Nay được hưởng như thế này là cái họa cho chúng tôi”.
Gạn thêm anh đồ Thanh, được biết Hòa thượng Thích Phổ Tuệ có nhiều công trình nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật về Phật học: Đại từ điển Phật học, Đại Luật, Đại tạng kinh Việt Nam, Đề cương Kinh Pháp Hoa, Kinh Bách Dụ, Phật Tổ Tam Kinh, Phật học là
tuệ học…
Một chút hoang mang nghe sư Đàm Vân bộc bạch rằng hòa thượng nghiêm cẩn và hơi… khó tính, liệu chút nữa, ngài có tiếp những loại khách không mời mà đến như mình?
Nhớ thêm chuyện nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ lần ấy đã bộc bạch với tôi. Cách nay hơn hai mươi năm, Hùng Vĩ có cái duyên được làm quen và hầu chuyện đại lão hòa thượng. Chùa Viên Minh khi ấy cũng ở thèo đảnh bên sông Hồng nhưng chưa được sầm uất như bây giờ. Nhóm nghiên cứu của thày Vĩ khi đó đang có nhiệm vụ khảo sát sưu tầm hiện trạng trữ lượng các bản ván khắc. Phải mất khá nhiều thời gian mới được ra mắt Hòa thượng Thích Phổ Tuệ và tiếp cận với bản ván khắc một bản kinh. Câu chuyện tưởng như khó dứt với một vị đại lão mẫn tiệp thông tuệ và có cảm giác hơi khó tính. Có lẽ cụ chả phải khó tính vặt vãnh mà là kén khách, lựa chọn người hầu chuyện, thù tạc? Cụ muốn tránh, lánh đi dạng khách tạp, tục? Ấn tượng với cả bọn thời điểm ấy chứng kiến cụ trữ sách, cất sách trong những cái… chum sành! Lựa không khí hòa đồng, mặn chuyện, một anh tự tiện bắt chước chủ nhân thò tay vào chum lấy sách. Hình như thứ nhỡn lực từ ánh mắt vị cao tăng phát lộ sự không bằng lòng sao đó khiến nhà nghiên cứu trẻ đã phải rụt phắt tay lại?
Nhớ thêm chi tiết khi nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Hùng Vĩ hỏi về những trước tác của cụ trong đó có cuốn Khóa Hư Lục của đức vua Trần Thái Tông mà hòa thượng Thích Phổ Tuệ từng chú giải bên cạnh bằng thứ chữ ngay ngắn chuẩn mực với văn phong hàm súc tận những năm bốn mươi của thế kỷ trước khiến vị cao tăng xúc động? Vậy nên cuộc gặp xôm tụ, ấm áp lên bội phần. Vị đại lão hòa thượng thoắt mềm tính và như hào phóng bộc bạch thêm nhiều về học thuật.
Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đệ tam Pháp chủ (pháp chủ đời thứ ba) Giáo hội Phật giáo Việt Nam sinh năm 1917, quê gốc ở xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình đang an tọa kia…
Dẫu đã mường tượng này khác về bậc cao tăng này, nếu không tướng mạo phi phàm mày bạc, da dẻ hồng hào thì cũng tiên phong đạo cốt nhưng nói như thế nào nhỉ, vị Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ dáng xương xương, dong dỏng chiếc mũ len chĩnh chiện, cùng những sải bước chầm chậm khoan thai như một ông già nông thôn tuổi trọng nào đó? Khác với lứa tu mới để răng trắng (bạch xỉ), cỡ cao tăng hầu hết đều nhuộm răng (thoạt tiên cứ ngỡ ngài ăn giầu?) nên hình thức càng mộc mạc dung dị.
… Bộ kinh Bồ Đề chĩnh chiện trên bàn. Bàn tay răn reo của đại lão hòa thượng đang vuốt nhẹ lên sách. Chốc chốc ngài lại thử lật vài tờ. Ánh sáng trong căn nhà Tổ khó đủ để đọc được chữ nhưng khuôn mặt có những nét buông chùng do tuổi tác thoắt thanh thoát nhẹ nhàng khi ngài thốt lên vẻ hoan hỷ hướng về phía anh đồ Thanh rằng, trong bộ kinh có cả phần kinh Dược sư.
Lần đầu tôi được nghe ông đồ Thanh hầu chuyện vị Đại lão Hòa thượng và dường như được tỏ thêm sự toát yếu dễ nghe của thứ kinh bổn vốn phức tạp này? Mang máng có biết trong thế giới mười phương đều có vô số các Đức Phật. Và Đức Thích Ca Mầu Ni tiến cử cho chúng ta hai vị Phật đặc biệt có duyên với chúng sinh ở cõi Ta bà. Đó là Đức Phật Di Đà ở thế giới phương Tây và Đức Phật Dược Sư ở thế giới phương Đông.
Thỉnh thoảng viếng chùa, đâu đó chốn thiền môn từng nghe âm thanh trầm bổng của Kinh Dược sư từ các bà các chị. Nhưng nghe chuyện hai thày trò như ngộ thêm trong Kinh Dược sư, mô-típ “cầu gì được nấy” chỉ mang ý nghĩa biểu tượng và thứ yếu mà thôi. Bởi các ý tưởng sâu xa được nằm trong từng lời Kinh phản ánh tinh thần “tự trị liệu” cho các chúng sinh đang khổ đau, do nhân quả của hành vi bản thân gây ra trong chuỗi kiếp sống.
Âm hưởng chủ đạo Dược Sư là chất liệu để thăng hoa sự giác ngộ (Phật) tiềm ẩn trong từng con người, theo đó, mỗi đức tính cao cả, mỗi sự chuyển hoá tâm là một “dược chất” (Dược) - (Thuốc) cho sự sống của bản thân, và nhờ tinh thần tự cứu độ này, mỗi người là một “vị thầy” (Sư) cho chính mình!
Đọc tụng và hành trì Kinh Dược Sư là nhằm phát triển các đức tính cao đẹp trong mỗi người để trị liệu tâm bệnh của bản thân và tha nhân. Chất trị liệu, thứ thuốc đó luôn có sẵn trong mỗi con người. Tu hạnh Dược Sư để mỗi chúng ta “sống với dược chất tâm linh” nhằm chữa lành các chứng bệnh vô minh, phiền não, nghiệp chướng cá nhân từ nhiều đời.
Chiêm bái dung nhan cùng cung cách nhẩn nha, rủ rỉ thư thái của bậc cao tăng, không hiểu sao tôi có cảm giác liên tưởng na ná vị hòa thượng đây với một bậc chân tu có tên là Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha?
Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ
Đã đành chớ nên so sánh. Cư sĩ Thiều Chửu chưa ngày nào được đi học, chỉ được bà nội dạy chữ Hán và Quốc ngữ. Sau đó nhờ công phu tự học mà ông sớm tinh thông Tứ Thư Ngũ Kinh, đến tuổi “tam thập nhi lập” đã thạo dùng tiếng Pháp, tiếng Anh, và đặc biệt am hiểu Hán học, Phật học. Suốt đời học, lao động chân tay và trí óc, miệng nói tay làm, nên việc gì ông cũng giỏi, từ cày cấy đến viết lách. Lại thạo cả việc chữa bệnh bằng thuốc Nam và đỡ đẻ rất mát tay. Nhân vật Thiều Chửu ấy đã đi xa hơn nửa thế kỷ nhưng tên tuổi, tư tưởng, sự nghiệp cùng di sản vô giá ngót một trăm tác phẩm của ông vẫn sống mãi với dân tộc mà hậu thế từng không tiếc lời gọi ông là nho sĩ, đại sĩ, chí sĩ, rạng danh tiết sĩ!
Và nữa, bậc chân tu ấy chỉ là cư sĩ không đạt tới thang trật của các pháp danh này khác như Đại lão Hòa thượng đây. Nhưng dường như có cái chung na ná tích cực nhập thế không lánh đời? Cũng tự tay làm lụng cấy cày để nuôi thân. Cũng tích cực siêng năng hoằng dương Phật pháp, bài trừ mê tín dị đoan. Cũng thâm sâu trình độ Phật Pháp. Cũng có nhiều trước tác nghiên cứu trong đó cùng chuyên sâu tác phẩm Khóa Hư Lục của Đức vua Trần Thái Tông vv… Tên Thiều Chửu cũng lạ? Chửu là cái chổi lau, tựa như cái phất trần để quét để lau chùi bụi bặm.
Thật bất ngờ. Nghe tôi mạo muội nhắc đến cư sĩ Thiều Chửu, khuôn mặt Đại lão Hòa thượng như chợt nhuốm thứ ánh sáng gì đó khang khác? Hóa ra không những biết mà hai vị thuở ấy còn có mối thân gần. Thiều Chửu hơn nhà sư Thích Phổ Tuệ 16 tuổi. Một nụ cười hom hóm làm sáng bừng khuôn mặt khô gầy của vị cao tăng: Ông ấy có nhiều cái tài vượt trội. Nhớ mãi ông ấy luôn đeo đôi guốc mộc tự đẽo lấy…
Câu chuyện dừng lại hồi lâu khi Đại lão nhắc đến cụm từ mạc tu hữu rồi lặng phắc đi. Tôi hiểu ngài đang nhắc đến cái án oan, đến cái chết bất đắc kỳ tử (chết mà chưa đến cái chết) của cư sĩ Thiều Chửu.
Mạc tu hữu (không có, nhưng cũng không cần có). Là chứng cứ ngụy tạo của gian thần Tần Cối quàng cái chết lên cổ Nhạc Phi đời Tống Cao Tông). Thiều Chửu trước khi tự tử năm 1954 đã viết ba từ ấy (bằng chữ Hán) trong lá thư tuyệt mệnh gửi Hồ Chủ Tịch để nói lên cái oan của mình bởi bị Đội cải cách ruộng đất vu oan giá họa…
Kính cẩn nắm nhẹ bàn tay của bậc cao tăng, thoáng nhanh một ý nghĩ lần đầu biết đâu là lần cuối? Bàn tay từng những văn phòng tứ bảo, kinh kệ bút mực và những nốt chai sần của việc nông tang cày cuốc của những sắc sắc không không?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thanh với Đại lão hòa thượng
Lối về thả giữa hai hàng cau dẫn ra cổng chùa. Vế đối bên trụ cổng nét chữ rất bắt mắt bằng chữ Nôm do chính Đại lão Hòa thượng viết Đường chính sáng thông tiến bước tránh xa tội lỗi/Ao chùa thuận tiện chuyên dùng gột rửa bùn nhơ. Chợt nhớ ngài vốn học vấn sâu, dày thông kim bác cổ, chả thiếu những ngôn từ câu chữ ăm ắp điển tích Phật học. Lại nữa ngài thông tuệ Hán tự từ thời trẻ nhưng đã dùng thứ chữ Nôm để thể hiện một vế đối Nôm dung dị bình dân kia ai ai cũng hiểu cũng thấm?
Nhớ thêm chuyện của sư Thích Đàm Vân về chuyện giấc trưa vào mùa lạnh, cao niên thế nhưng ngài chỉ dám để hờ một làn chăn mỏng thay vì dùng chăn bông dày nặng ấm quá sợ ngủ quên.
Giấc đêm, giấc trưa ngài cứ vội vàng như thế để làm gì? Việc phật sự, nghiên cứu kinh bổn đã đành. Nhưng cái ông lão, nhà tu hành đến tận năm 82 tuổi còn trực tiếp dong trâu ra ruộng chùa bên cạnh ấy cũng là một sự lạ. Thôi thì cày bừa cấy hái gặt xay thóc giã gạo giần sàng… ngài làm tất. Việc quen nếp nông tang (chùa thiếu mỗi chăn tằm) ngài lam làm quen tay từ thuở trẻ đến cao niên như thế!
Hồi nãy thả bộ trong khuôn viên chùa ngó vườn rau mơn mởn dừng lâu hơn bên mấy vạt rau cần cạn ngùn ngụt xanh. Thứ cần cạn lâu lắm mới lại được gặp chỉ mấy nhánh trên tay mà dậy lên bao nhiêu là hương vị của quê kiểng thuần phác. Cũng biết thêm đám cần này lưu cữu có từ thuở vị đại lão còn chưa bỏ việc cày bừa cấy hái. Cứ thấy lạ lẫn quen và kinh nữa khi nhớ lại những bộc bạch của vị cao tăng mươi năm trước Tôi trụ thế đến nay đã 91 năm, ở chùa 85 năm, thụ Đại giới được 71 năm, nghiệp là tu hành, nuôi thân thể chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương …
Viên Minh đã lui lại phía sau. Cái duyên gặp với vị cao tăng như giúp thêm việc phát lộ rằng, trong mỗi chúng ta dường như có một đức Phật ngự? Ngài như nhân duyên của những sự xui khiến chả riêng với những người có căn, có cơ ngộ? Đó là việc tự răn tự tránh làm điều xấu làm việc thiện cứ như một thứ phản xạ có điều kiện? Là quá trình Tự cứu rỗi đời sống chính mình qua những hành động, suy nghĩ. Mà quá trình ấy như lộ trình tiệm cận đến bờ Giác vượt thoát những bến Lú, sông Mê?
Lần ấy Hà Tây đón Hòa thượng, tổ chức đại lễ Cung nghinh Đức Đệ Tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ. Trong lời bạch, ngài đã nhũn nhặn khiêm nhường:
“Tôi không ngờ chư vị lại tổ chức lễ đón rước quá lớn. Chúng tôi đã làm được những gì trong cuộc đời tu hành của mình mà dám nhận cái phúc lớn đó?”