“Theo tôi, nhạc sỹ Phú Quang có tài phổ thơ, không hề thua kém những nhạc sỹ tài danh khác như Phạm Duy, Phan Huỳnh Điểu hoặc Hoàng Hiệp. Phú Quang có hơn 100 ca khúc phổ thơ. Đặc biệt hơn, có nhiều bài thơ rất khiêm nhường trên trang giấy, nhưng đã được giai điệu của ông chắp cánh mà lan tỏa rộn ràng khắp nơi. Trong di sản âm nhạc Phú Quang, chúng ta có thể thấy thơ của bao nhiêu nhà thơ như Phan Vũ, Hữu Thỉnh, Thảo Phương, Thái Thăng Long, Trần Mạnh Hảo, Hoàng Hưng, Nguyễn Trọng Tạo, Chu Hoạch, Phan Đan, Ý Nhi, Giáng Vân, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Phan Ngọc Thường Đoan... trở thành những nhạc phẩm âm nhạc nổi tiếng” - Lê Thiếu Nhơn cho biết.
Theo Lê Thiếu Nhơn kể, nhà thơ cũng may mắn có được tác phẩm được nhạc sỹ Phú Quang để ý. Đó là khi Lê Thiếu Nhơn đi học rồi ra làm báo tại Sài Gòn, nhà thơ trẻ đã có cơ duyên gặp gỡ Phú Quang. Vì biết Lê Thiếu Nhơn làm thơ nên Phú Quang rất quý mến, nhạc sỹ thường hay rủ nhà thơ trẻ la cà nơi quán cà phê. Lê Thiếu Nhơn kể: “Trò chuyện với Phú Quang rất thú vị, vì ông thông minh và hoạt ngôn. Năm 2003, khi in tập thơ Phố tình riêng, tôi đã tặng Phú Quang 1 cuốn.
Ông nhận tập thơ hôm trước thì trưa hôm sau đã thấy ông gọi điện thoại nói là đã đọc hết tập thơ và chọn phổ nhạc bài thơ Dịu dàng ơi của tôi. Tôi chạy đến và may mắn là người đầu tiên được nghe chính ông trình bày Dịu dàng ơi, giọng ông rất phiêu diêu. Ít lâu sau, ông đã đưa Dịu dàng ơi lên sân khấu do NSND Quang Lý thể hiện.
Ca khúc được dàn dựng rất hoành tráng với dàn nhạc thính phòng cùng dàn ca sỹ hát phụ hoạ đông đảo. Tôi không ngờ qua tài năng Phú Quang, Dịu dàng ơi lại hay tới thế. Và sau đó, Dịu dàng ơi còn được Phú Quang đưa vào nhiều album do nhiều ca sỹ khác thể hiện”.
Cũng liên quan đến Dịu dàng ơi, sau khi phổ nhạc bài thơ, Phú Quang đã hỏi Lê Thiếu Nhơn in tập thơ Phố tình riêng hết bao nhiêu? Khi nhà thơ trẻ trả lời hết 4,5 triệu, Phú Quang đã đưa cho Lê Thiếu Nhơn 5 triệu và nói: “Đây là tác quyền của bài thơ Dịu dàng ơi nhé!”.
Lê Thiếu Nhơn sững sờ trước hành động của Phú Quang bởi “…tác quyền phổ nhạc một bài thơ mà dư in cả một tập thơ. Và có lẽ chỉ có Phú Quang mới trân trọng thơ như vậy” - Lê Thiếu Nhơn nói thêm.
“Từ ngày Phú Quang chuyển ra Hà Nội, do bận bịu nên tôi chỉ thăm ông được 1 lần. Cuối năm 2019, Phú Quang vào Sài Gòn, ông đề nghị tôi đưa đi nghĩa trang Bình Dương để thắp hương cho nhà thơ Thanh Tùng. Ít lâu sau, về lại thủ đô thì Phú Quang chìm vào hôn mê. Do dịch bệnh, tôi không thể đi thăm ông. Xin vĩnh biệt nhạc sĩ đắm đuối nhất với thơ Việt. Dịch COVID-19 vẫn hoành hành, đành bái vọng ông từ xa”- Lê Thiếu Nhơn nghẹn ngào.
Nghe "Dịu dàng ơi" do NSND Quang Lý thể hiện (Nguồn YouTube)