Nhạc kịch pha rượu ở Nhà hát Lớn

TP - Đều đặn hàng năm, một nhà tổ chức đem những nghệ sĩ quốc tế hàng đầu đến Việt Nam trong chương trình nghệ thuật chỉn chu. Tất nhiên họ không quên mục đích chính- giới thiệu sản phẩm, đôi khi ngay trên sân khấu như trong vở La bohème vừa diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nếu là rượu thật thì xong La bohème, các diễn viên hẳn phải say khướt. Ảnh: Đào Tuấn.

Đưa vở nhạc kịch với dàn nhạc lưu diễn là hết sức tốn kém. Do đó, để có thể chiêu đãi khán giả miễn phí, nhà tổ chức chỉ đưa sang 9 diễn viên hát và khoảng 1/4 dàn nhạc. Có hai diễn viên Việt được gấp rút tuyển chọn lên sân khấu đóng vai quần chúng, không hát. Nhiều cảnh của vở diễn như ông chủ nhà bước chân vào trong căn phòng của 4 chàng trai hay những người dân vẫy cờ đón chào đoàn quân... phải bỏ. Bối cảnh nghèo túng khu Bohemia cũng tạo điều kiện cho người phụ trách đạo cụ. Màu sắc 3D hơi lòe loẹt quá mức cần thiết nhưng cũng có chỗ tinh tế như khi nhân vật chính bắt đầu yêu nhau, một ngôi sao băng xẹt ngang phía tháp Eiffel và pháo hoa bắn liên tục.

Dàn dựng tối giản, vở diễn vẫn giữ được những đoạn thăng hoa đắt giá và xúc động nhất. Sự xuất hiện của Musetta với phong cách gợi cảm, nổi loạn công khai cắm sừng đại gia khiến khán giả phấn khích. Trong khi phút giây Mimì lìa đời làm không ít người sụt sùi. Ánh sáng và khói xuất hiện đúng lúc, từ trên cao, khiến có cảm giác như linh hồn cô gái trẻ đang bay lên.

Âm nhạc nói chung hoàn toàn thuyết phục người nghe bởi tài năng và cả sự trẻ trung của nghệ sĩ. Bên cạnh các thành viên dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Sydney hầu hết đang ở độ tuổi sinh viên, các nghệ sĩ hát phần lớn đều ở độ tuổi ba mươi- gần với tuổi của các nhân vật. Điều đáng nói là mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng kỹ thuật của họ đều đạt tới đỉnh cao, được ghi nhận bằng nhiều giải quốc tế. Qua vở diễn có thể thấy opera nước Úc đang độ phát triển đầy sức sống, thu hút nhân tài khắp nơi trên thế giới. Giọng nữ chính Natalie Aroyan gốc Armeni, nam chính Ji-min Park đến từ Hàn Quốc.

Một trong những lý do quan trọng khiến La bohème được chọn chính là bối cảnh vở diễn tạo điều kiện cho rượu nhiều lần xuất hiện trên sân khấu. Đều đặn cứ sau 15-20 phút, các nhân vật lại có dịp uống rượu, trong bữa ăn, ở nhà hàng, uống vì lạnh… Thậm chí Mimì trước khi qua đời vẫn kịp uống rượu thuốc. 

Cùng với tên nhãn hiệu rượu xuất hiện trên sân khấu trước khi mở màn hay trong giờ nghỉ thì rõ ràng hình ảnh những cốc/ly rượu đậm màu trong tay các diễn viên rất có tính định hướng. Chưa kể khi vở kết thúc, khán giả chưa dứt tràng pháo tay đã có hai nghệ sĩ trong vai bồi bàn mang ra hai khay đầy cốc rượu. Mỗi diễn viên cầm một cốc chúc tụng nhau, chúc tụng khán giả và hát trích đoạn vui nhộn trong Trà hoa nữ của Verdi.

Một khán giả khó tính bình luận, đáng ra đêm diễn opera quốc tế thì ngồi hàng ghế đầu không phải là các sao nhạc nhẹ mà phải là những nghệ sĩ opera hàng đầu Việt Nam. Biết sao được, ngoài việc opera nội kém phát triển thì xét về tác dụng quảng bá sản phẩm, ai hơn ai thì ai cũng biết.