Nhà thơ, dịch giả Dương Tường rời cõi tạm lúc 20h08 ngày 24/2/2023, hưởng thọ 92 tuổi. Nhận tin buồn về dịch giả Dương Tường, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ với Tiền Phong về sự đóng góp đáng kể của dịch giả Dương Tường.
“Tôi biết ông vài chục năm sau này. Trước hết ông là người đóng góp lớn cho văn học dịch. Ông có công truyền bá các tác phẩm văn học lớn của thế giới vào Việt Nam. Ông là một người làm việc lặng lẽ, luôn hướng tới sự đổi mới, trong cả sự kiếm tìm những cuốn sách để dịch cũng như trong sự sáng tạo của thơ ca”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ với Tiền Phong.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đánh giá, tinh thần đổi mới, tinh thần kiếm tìm những giá trị mới của văn học trong sáng tác lẫn dịch thuật của dịch giả Dương Tường đã “đóng góp đáng kể trong tiến trình thúc đẩy sự phát triển văn học”.
Nhà thơ, dịch giả Dương Tường tên thật là Trần Dương Tường, sinh năm 1932. Ông học trung học tại Hà Nội, sau đó theo kháng chiến, vào bộ đội năm 1949. Năm 1955, ông giải ngũ rồi trở thành phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1967, ông làm biên dịch tại Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, sau đó về hưu năm 1979.
Ông bắt đầu công việc dịch thuật từ những năm 1960. Một số tác phẩm dịch của ông có thể kể đến tập truyện ngắn Cây tường vi, Cái tẩu (Yuri Nagibin) và tiểu thuyết Anna Karenina (Lev Tolstoy).
Dịch giả Dương Tường đã dịch khoảng 50 tác phẩm của Pháp, Nga, Anh, Mỹ, Đức, Hy Lạp... trong đó phải kể tới những Đồi gió hú, Cuốn theo chiều gió, Kafka bên bờ biển, Cái trống thiếc, Phố những cửa hiệu u tối, Đi tìm thời gian đã mất...
Ở tuổi 80, dịch giả Dương Tường vẫn miệt mài làm việc và cho ra đời bản dịch danh tác Lolita của Vladimir Nabokov. Ông còn là một nhà thơ với các tập thơ như 36 bài tình, Đàn...
Năm 85 tuổi, ông ra mắt tập thơ Dương Tường thơ tập hợp những tác phẩm sáng tác trong suốt mấy chục năm làm thơ. Hai năm trước khi mất, ông cho ra mắt bản chuyển ngữ tiếng Anh Truyện Kiều (Nguyễn Du) có tên Kiều in Dương Tường’s version.
Dịch giả Dương Tường là tấm gương về tinh thần học tập. Cả tiếng Anh, tiếng Pháp ông đều tự học, với động lực là ham mê văn học, muốn đọc văn học.