Trong ngày 18/10, 15 chuyên viên của Trung tâm ứng phó sự cố môi trường quốc gia tiến hành căng 18 tấm màng ngăn dầu, mỗi tấm dài khoảng 15 m, rộng hơn 2 m được căng ngang lòng kênh. Vị trí của từng tấm cách nhau khoảng 100 m đến 150 m, có phao nổi trên mặt nước và toàn bộ tấm màng chìm trong lòng nước. Trong tối nay, đơn vị sẽ tiến hành lắp thêm ba tấm màng ngăn nữa.
Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cho biết, màng ngăn chuyên dụng đang được lắp ở khu vực nhà máy nước sông Đà là sản phẩm do đơn vị trực tiếp nghiên cứu, sản xuất. "Màng này có thể ngăn được toàn bộ dầu, những chất hóa học có tính chất tương tự như dầu để đảm bảo chất lượng đầu vào của nước", ông Sơn nói.
Chuyên viên lắp màng ngăn dầu. Ảnh: G.C
Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cũng đã phối hợp với Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà tiến hành thu gom toàn bộ dầu dính ở đất, cây cỏ dọc lòng suối.
Theo ông Sơn, việc ứng phó với sự cố về dầu không quá phức tạp nếu như nắm được quy trình.
Đêm 8/10, dầu thải từ xe tải đổ trộm xuống khe núi xã Phú Minh gặp cơn mưa đã chảy xuống suối Trâm. Dòng nước ô nhiễm từ suối lan xuống kênh dẫn nước, chảy về hồ Đầm Bài, nơi lấy nước nguồn của nhà máy nước sạch sông Đà.
Từ ngày 10/10, người dân một số quận, huyện Hà Nội phát hiện nước sinh hoạt có mùi lạ, không thể sử dụng được. Sự cố này làm đảo lộn cuộc sống của khoảng 250.000 hộ dân Tây Nam Hà Nội.
Ngày 16/10, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) khởi tố vụ án hình sự về tội Gây ô nhiễm môi trường theo Điều 235, Bộ luật hình sự 2015. Ngày 18/10, hai trong ba nghi can đã bị Công an tỉnh Hòa Bình tiến hành bắt giữ.