Nhà máy gỗ dăm trái phép “bủa vây” Khu kinh tế Nghi Sơn

TPO - Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho biết, có đến 29 cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép trên địa bàn, riêng Khu kinh tế Nghi Sơn "đóng góp" đến 6 nhà máy.
Xưởng sản xuất gỗ dăm trái phép của Công ty Tân Phú đang được xây dựng.

Ghi nhận của phóng viên trong những ngày cuối tháng 4/2016 cho thấy, có thêm nhà máy sản xuất gỗ dăm được xây dựng trái phép ngay Khu kinh tế Nghi Sơn (KKT). Theo đó, tại địa bản xã Trường Lâm, nhà máy sản xuất gỗ dăm của Công ty cổ phần Tân Phú đang được xây dựng. Cả khu đất hàng nghìn m2 được doanh nghiệp cho san phẳng, bàn cân vật liệu dăm gỗ đã dựng lên, nguyên liệu cho băm dăm cũng đang được tập kết. Người dân bản địa cho biết, bất kể ngày đêm, công trình này luôn có nhân công hoạt động rầm rộ.

Ông Cao Văn Sự, Phó chủ tịch UBND xã Trường Lâm thừa nhận, nhà  xưởng sản xuất gỗ dăm ở địa bàn Trường Lâm là của Công ty cổ phần Tân Phú, thuộc sự quản lý của KKT Nghi Sơn. “Nhà máy này đang xây dựng trái phép. Sau khi phát hiện doanh nghiệp này xây dựng nhà máy gỗ dăm thì xã đã xuống làm việc, lập biên bản yêu cầu ngừng thi công và xử lý hành chính đồng thời báo cáo lên huyện”, ông Sự nói.

Ông Sự cho biết, mặc dù bị đình chỉ thi công nhưng Công ty Tân Phú vẫn lén lút thi công.  “Xã đã cử công an ngăn chặn bảo vệ nguyên hiện trường. Đồng thời xã cũng biết thông tin công ty Tân Phú đã chở bàn cân về và xin mua điện từ bên thị xã Hoàng Mai huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An. Trước sự việc này, xã Trường Lâm đã có tờ trình gửi chi nhánh điện huyện Quỳnh Lưu đề nghị phối hợp không bán điện cho doanh nghiệp Tân Phú” – ông Sự cho biết.

Tại KKT Nghi Sơn – theo ông Sự - những xưởng đang trong quá trình xây dựng như của công ty Tân Phú thì xã còn có thể ngăn chặn đình chỉ thi công giữ nguyên hiện trạng. Còn các xưởng đã đi vào sản xuất như xưởng Minh Long và Việt Trung thì xã gần như bất lực.

Theo đó, “danh sách” đen các doanh nghiệp sản xuất gỗ dăm trái phép ở xã Trường Lâm còn có tên Công ty TNHH Minh Long và Công ty TNHH Việt Trung. “Doanh nghiệp Minh Long hiện nay vẫn đang sản xuất gỗ dăm trái phép. Xã cũng đã vào lập biên bản, xử lý. Nhưng thực tế, vẫn chưa thể giải quyết vì liên quan đến nhiều vấn đề. Bởi xưởng đã đi vào hoạt động, nên việc đình chỉ, cưỡng chế phải có phương án cụ thể và phải do huyện phê duyệt”, ông Sự nói trong bất lực.

“Để xóa bỏ các xưởng sản xuất gỗ dăm trái phép này thì cần có sự phối hợp xã, huyện, tỉnh cùng các sở, ban, ngành. Nhưng sự phối hợp ở đây chưa được tốt nên việc xử lý vẫn chưa được triệt để.” – ông Sự nói.

Mặc dù bị đình chỉ, nhưng dây chuyền sản xuất gỗ dăm của Công ty Minh Long vẫn ngày đêm hoạt động ngay trong KKT Nghi Sơn.

Theo Phó trưởng ban KKT Nghi Sơn Lê Thanh Hà, tại KKT Nghi Sơn hiện có 5 cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép của các công ty: Công ty TNHH đầu tư Nghi Sơn (xã Nghi Sơn), Cty cổ phần Sinh Lộc Phát (xã Nghi Sơn), Cty TNHH Thành Tiến ( xã Hải Thượng), Cty TNHH Minh Long, Cty TNHHH Việt Trung (xã Trường Lâm).

Yêu cầu tháo dỡ nhà máy trái phép

Ngày 15/4, Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa có báo cáo về tình hình hoạt động sản xuất của các cơ sở băm dăm gỗ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trên địa bàn Thanh Hóa hiện có 39 cơ sở sản xuất, chế biến dăm gỗ xuất khẩu tại 10 huyện, trong đó có 11 cơ sở sản xuất dăm gỗ được UBND tỉnh chấp thuận, 28 cơ sở sản xuất không hợp pháp.

Báo cáo của Sở thừa nhận, phần lớn các cơ sở sản xuất dăm gỗ đều chưa có phương án đầu tư dài hạn từ khâu trồng, thu mua nguyên liệu đến khâu chế biến để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, đáp ứng yêu cầu cho sản xuất; tình trạng thiếu nguyên liệu đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, tranh mua, tranh bán gây mất trật tự xã hội.

Có 28/39 cơ sở sản xuất, chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh không được cấp có thẩm quyền chấp thuận nội dung sản xuất dăm gỗ; 5/11 cơ sở được chấp thuận có nội dung sản xuất dăm gỗ hoạt động vượt công suất đăng ký. Nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến đầu tư xây dựng dây truyền băm dăm gỗ để xuất khẩu, không tập trung đầu tư chế biến sâu các loại sản phẩm có giá trị cao nên gây lãng phí nguồn tài nguyên rừng của tỉnh.

Với thực trạng bất chấp pháp luật này, Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh  Đối với các cơ sở băm dăm gỗ chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận thì yêu cầu “dừng mọi hoạt động liên quan đến việc thu mua nguyên liệu và sản xuất dăm gỗ” và “chủ động tháo dỡ nhà xưởng và các loại máy móc thiết bị đối với các cơ sở băm dăm gỗ chưa có cấp thẩm quyền chấp thuận”.  

“Giao Sở KH&ĐT thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện các dự án đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư; kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi các dự án triển khai thực hiện không đúng nội dung đã được chấp thuận, dự án chậm tiến độ theo quy định. Yêu cầu giám đốc các Sở, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo nêu trên; đồng thời, trước mắt chưa xem xét, cấp mới cho các cơ sở băm dăm gỗ và tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh theo các nội dung đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư”, văn bản số của Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa đề xuất.

Trong một diễn biến khác, dù có nhiều nhà máy trái phép được xây dựng trên địa bàn, nhưng lãnh đạo Ban quản lý KKT Nghi Sơn dường như vẫn “án binh bất động”, không có giải pháp cụ thể, khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi.