> Cuộc gặp lại của những người một thời Sống Đẹp
Nhà xuất bản Tri thức phối hợp Cty Văn hóa Phương Nam tổ chức buổi giao lưu, ra mắt sách tại Trung tâm Văn hóa Pháp.
“BTC có hỏi tôi định mời ai. Tôi không mời vị quan chức, lãnh đạo nào, mà chỉ mời một số bạn bè và những người quan tâm đến cuốn sách”, bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ.
Ngay nhà văn Nguyên Ngọc- được mời lên sân khấu giao lưu- cũng kiệm lời: “Cầm cuốn sách mọi người có tâm lí tò mò chờ đợi chuyện ly kỳ ở hội nghị Paris- cuộc hội đàm dài nhất lịch sử ngoại giao. Nếu chờ đợi theo góc này chắc không được thỏa mãn hoàn toàn. Nhưng có một sự ly kỳ khác, có thể sâu sắc hơn về một con người, con đường và nguồn gốc tạo nên sức mạnh của người phụ nữ nhỏ nhắn và khiêm nhường này”.
Bản thảo xong từ năm 2009 nhưng bà quyết định xuất bản đúng sinh nhật 85 tuổi (26-5-2012).
“Khi bắt tay vào viết, tôi tự đặt câu hỏi mục đích hồi ký này là gì. Tôi viết trước hết vì cần để lại cho con cháu, bạn bè những trải nghiệm sống, kỷ niệm đẹp. Hơn 80 năm cuộc đời có quá nhiều điều xảy ra, nếu viết hết có lẽ phải vài cuốn. Nhưng tôi chỉ viết về những sự kiện đánh dấu sự thay đổi trong cuộc sống của tôi. Tôi cũng có mong muốn nói lên suy nghĩ, suy tư, cảm xúc mạnh mẽ của thế hệ thanh niên thời chúng tôi trong giai đoạn cách mạng- thời kỳ đẹp đẽ nhất”, tác giả nói.
Nhà văn Nguyên Ngọc, người trao đổi và đọc bản thảo từ đầu nhận thấy, qua hồi ký ta có thể nhận ra ở bà sự kết hợp đặc biệt giữa bình dân- tinh hoa, giản dị- sang trọng, mềm mại- kiên định. Người có sức trẻ tâm hồn và trí tuệ, do kết hợp kiên định và dám chấp nhận thay đổi, tiếp nhận cái mới.
Biên tập viên Nguyễn Phương Loan-NXB Tri Thức- kể: “Bà làm việc quá chuyên nghiệp theo cách của tác giả hiện đại”.
Hội trường tuy không kín ghế, nhưng khá đông độc giả các thế hệ tỏ ra tha thiết giao lưu với tác giả. Dù lo cho sức khỏe bà, BTC quyết định kéo dài thời gian giao lưu thay vì một tiếng như dự định. Độc giả Trần Đại Thanh hỏi tác giả liệu có điều gì nuối tiếc suốt thời trẻ.
“Nếu mình là người tự trọng, thì luôn phải biết tự phê bình. Có những điều đáng làm tốt hơn, nhưng trình độ hạn chế hoặc hoàn cảnh không thể làm tốt được. Cho nên nếu nói trong cuộc đời không có gì nuối tiếc thì không phải, nhưng chưa đến mức phải ân hận”, bà Nguyễn Thị Bình trả lời.
Văn phong ngắn gọn trong cuốn hồi ký cũng chính là cách nguyên phó Chủ tịch nước luôn đưa ra câu trả lời ngắn gọn.
Bà tự phê: “Giá mà trong thời kỳ đàm phán ở Paris, tiếng Anh của tôi cũng tốt như tiếng Pháp, thì với vị trí khi đó tôi có thể làm được nhiều điều hơn. Thời kỳ sau này làm Bộ trưởng giáo dục, tôi nghĩ có nhiều khuyết điểm hiện nay có từ thời chúng tôi. Khi ấy tôi chưa làm được tốt không phải vì không muốn, mà do trình độ có hạn, sự chỉ đạo chưa đầy đủ”.
Cử tọa hào hứng giơ tay, đôi khi chẳng phải để đặt câu hỏi, đơn giản muốn bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Cựu chiến binh Lê An Khánh từng tham gia chiến trường miền Nam khoe, vẫn giữ bài báo của bà Nguyễn Thị Bình, in cùng số với bài của ông, cùng chủ đề.
Hay nhà phê bình Nguyễn Khắc Mai tặng hoa tác giả ngay đầu buổi giao lưu có vẻ chưa đủ, tranh thủ chắp tay kính bái ngay khi micro đến tay.
Hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình gồm 300 trang tư liệu, cùng với hàng chục bức ảnh qua đủ thời kỳ, ấn tượng nhất là tư liệu hình ảnh tại hội nghị Paris. Không chỉ có những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời, hồi ký có những dòng suy tư của tác giả cả trong thời đương nhiệm và thời sau này khi về hưu, nhưng không kém bận rộn.