> Bệnh tay chân miệng tăng nhanh
Nguy cơ bùng phát cao
TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), nhận định: Nhiều dịch nóng có nguy cơ bùng phát trong năm 2012. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bổ sung, diễn biến dịch bệnh năm nay sẽ khó đoán trước được.
Ông dẫn chứng dịch tay chân miệng bất thường trỗi dậy khi tại Hải Phòng, số ca mắc tiếp tục tăng, trong khi ở phía Nam, số ca bệnh tăng ở một vài điểm nhưng tỷ lệ tử vong lại cao hơn. Bên cạnh đó, dịch cúm gia cầm H5N1 trên người tiềm ẩn nguy cơ bùng phát khi nhiều địa phương chưa qua 21 ngày hết dịch cúm gia cầm.
PGS-TS. Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư (VSDTTƯ), cho biết, ở Việt Nam, virus cúm mới A/H3N2v (tức S-OtrH3N2) được phát hiện trong chương trình giám sát cúm trọng điểm quốc gia ở một bệnh nhân 2 tuổi mắc hội chứng cúm mùa nhẹ ở một tỉnh phía Nam trong một gia đình có nuôi nhiều gà, vịt, ngỗng, lợn.
Theo kết quả phân tích của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, chủng A/H3N2v này có hai khác biệt với chủng A/H3N2v phát hiện trên người năm 2011 tại Hoa kỳ.
TS Nguyễn Văn Bình cho hay, còn không ít địa phương, chính quyền chưa chỉ đạo quyết liệt và chưa quan tâm dành ngân sách cho chống dịch. Ông Bình dẫn chứng, trong năm 2011, nhiều địa phương là điểm nóng của dịch nhưng ngân sách địa phương cấp cho phòng chống dịch chỉ 150 triệu đồng. “Như muối bỏ bể”, ông Bình nói.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, vẫn theo ông Bình, là do năng lực y tế địa phương còn hạn chế, tham mưu chưa đủ sức thuyết phục, khiến chính quyền không thấy rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh và chưa quan tâm đúng mực đến lĩnh vực này.
TS Hiển thừa nhận hệ thống giám sát, báo cáo dịch bệnh hiện cũng còn chậm trễ. Có địa phương từ khi ghi nhận ca bệnh tại xã đến khi báo cáo lên trung ương mất tới 3-4 tuần, khiến việc khống chế dịch khó khăn hơn, thậm chí vượt ngoài tầm kiểm soát.
Có thể đóng cửa trường học đối phó dịch
Trong hướng dẫn và giám sát phòng chống bệnh tay chân miệng được Bộ Y tế ban hành ngày 29-2. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị tùy tình hình và mức độ nghiêm trọng của dịch, cơ quan y tế địa phương tham mưu cho cấp có thẩm quyền tại địa phương quyết định việc đóng cửa lớp học/trường học/nhà trẻ, mẫu giáo. Thời gian đóng cửa lớp học/trường học/nhà trẻ, mẫu giáo là 10 ngày kể từ ngày khởi phát của ca bệnh cuối cùng.
Đối với dịch bệnh cúm, để phát hiện các chủng virus cúm mới A/H3N2v, Bộ Y tế tăng cường giám sát phát hiện ca bệnh, nhất là ở những người chăn nuôi lợn hay tiếp xúc với lợn; nếu có nghi ngờ, bệnh nhân sẽ được điều trị sớm bằng thuốc oseltamivir. Theo TS Hiển, điều này đòi hỏi phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, y tế thú y. Đó là một phần của việc phát hiện sớm và đáp ứng nhanh đối với các bệnh mới xuất hiện và đại dịch.
TS. Nguyễn Trần Hiển cho biết thêm, Viện VSDTT.Ư đang triển khai giám sát đồng thời việc nhiễm virus cúm ở người và động vật như lợn, gà, vịt ở một số điểm nhằm xác định tương tác giữa các virus này để có thể phát hiện sớm virus cúm mới.