Thời điểm cận Tết âm lịch, nhiều doanh nghiệp thiếu lao động trầm trọng nhất là trong các lĩnh vực bán hàng, ăn uống, cà phê… do người lao động về quê nghỉ lễ. Nhiều sinh viên xem đây là cơ hội làm thêm gia tăng thu nhập nên chọn ở lại thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo việc làm, chiếm đoạt tiền của sinh viên nếu không may gặp phải doanh nghiệp “ma”, đối tượng xấu.
Bị lừa vì làm thêm
Từng rơi vào trường hợp lừa đảo khi tham gia tuyển dụng làm thêm, Ánh Tuyết - sinh viên năm 3 ngành Công nghệ thực phẩm Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho hay, cách đây không lâu, Tuyết được một người không quen biết gửi kết bạn qua facebook rồi sau đó nhắn tin giới thiệu đang cần tuyển sinh viên làm thêm quán ăn với mức lương hấp dẫn.
Tin lời, Tuyết đến địa điểm, thời gian như giao hẹn thì được biết đây là một hội thảo đa cấp hoành tráng, giới thiệu sản phẩm. “Vào hội trường, em bị người ta giữ giấy CMND rồi sau đó được các anh chị tư vấn rất nhiệt tình. Quá trình tư vấn, những người tuyển dụng luôn có những hoạt động sôi nổi, khích lệ tinh thần nên nhiều người rất hào hứng” - Tuyết nhớ lại và cho biết, lúc này em bắt đầu lo sợ và cảm giác bị lừa đảo.
Ngay khi có cảm giác lừa đảo, Tuyết bắt đầu lấy nhiều lý do như xin ra ngoài đi vệ sinh, mượn cớ về để thi qua môn hay người nhà gọi có việc gấp… để “chuồn” về nhưng đều bị người tư vấn từ chối. “Họ bắt em phải đóng 200 ngàn đồng phí tham gia. Không còn cách nào khác, em buộc phải đóng tiền rồi sau đó đợi mọi người giải lao, lợi dụng lúc đông người náo nhiệt để trốn về, chấp nhận mất tiền và CMND”, Tuyết kể.
Cũng theo Tuyết, tại buổi hôm đó, nữ sinh này còn gặp nhiều bạn học ở các trường khác nhưng đa phần các bạn này đều ở lại đến cuối, khen chương trình hay và đóng tiền để đi làm nhưng hầu hết đều thất bại, có bạn ôm cục nợ vì mua hàng.
Trong khi đó, một sinh viên khác cũng bị lừa đảo việc làm khi tìm việc qua mạng. Theo nam sinh này, công việc được giới thiệu là viết bài quảng cáo, việc nhẹ, lương cao (500 ngàn đồng/ ngày) nhưng phải tham gia khóa học đào tạo 500 ngàn đồng. “Tin lời, em đóng tiền và đăng ký học rồi sau đó viết mấy chục bài gửi cho họ. Tầm 1 tháng sau, họ trả cho em 50 ngàn đồng với lý do bài viết của em không đạt yêu cầu. Quá bức xúc và nản chí, em đành bỏ việc, chấp nhận mất 450 ngàn đồng”, nam sinh này kể.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Thảo - Phó phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho hay, năm nào trường cũng tiếp nhận một số phản ánh của sinh viên bị lừa đảo việc làm. “Hầu hết, các đối tượng đều thực hiện hành vi lừa đảo với số tiền không nhiều nhưng lại rất nhiều sinh viên bị lừa. Vào mỗi đầu năm học, rồi những dịp lễ Tết, nhà trường thường tuyên truyền các phương thức lừa đảo việc làm để sinh viên có biện pháp phòng tránh nhưng ít nhiều vẫn có em bị lừa”, chị Thảo nói.
Thủ đoạn tinh vi, nhiều biến tấu
Theo Thượng úy Vũ Mạnh Tuấn, Phó bí thư Đoàn thanh niên - Trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân 2, hình thức lừa đảo việc làm thêm với sinh viên đang ngày càng tinh vi, khó nhận biết, sinh viên khi sập bẫy không chỉ thiệt hại tiền bạc, thời gian mà thậm chí còn mất giấy tờ tùy thân…
Bẫy lừa đảo thường đăng quảng cáo trên internet hoặc nhắn trực tiếp số điện thoại với các nội dung “việc nhẹ lương cao”, “cần gấp”, “đi làm ngay”, “không cần trình độ, bằng cấp”…
“Sau khi sinh viên đồng ý tham gia, các đối tượng sẽ dẫn dắt vào công việc. Ban đầu sinh viên sẽ có thu nhập ngay, dần dần đến mức cao hơn, khi đóng một số tiền lớn thì lập tức các đối tượng cắt đứt liên lạc. Sinh viên vừa mất tiền, vừa không nhận được hàng…”, Thượng úy Tuấn chia sẻ về một hình thức lừa đảo cộng tác bán hàng online.
Dẫn chứng về trường hợp một sinh viên cao đẳng ở Thủ Đức được bạn bè dẫn đến một hội thảo tổ chức tại một hội trường có quy mô. Ngay khi vào cửa, sinh viên được yêu cầu khai báo thông tin và nộp CMND, sau khi ra về sẽ trả lại. Tuy nhiên, khi ra về sinh viên bị yêu cầu phải đóng 200 ngàn đồng mới được trả lại CMND, quá bức xúc, nhiều sinh viên đã gọi điện báo về trường nhờ can thiệp. Sau đó, công an phường vào làm việc, sinh viên mới được trả CMND và ra về.
“Nếu sinh viên có nhu cầu làm thêm, các bạn hãy tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp thật kỹ, khi đi phỏng vấn, hay làm việc ở đâu hãy báo cho bạn bè, người thân biết để tránh các trường hợp xấu xảy ra. Trong trường hợp bị lừa, các bạn hãy báo về trường hoặc công an phường nơi xảy ra sự việc để sớm được can thiệp”, Thượng úy Tuấn khuyên.
Anh Lê Xuân Dũng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên (thuộc Thành Đoàn TPHCM) cũng cho hay, Trung tâm thường xuyên tiếp nhận các đầu việc cho sinh viên và việc thẩm định các đầu việc này được thực hiện rất kỹ trước khi giới thiệu. Thời điểm Tết các công việc thời vụ như bán hàng siêu thị, phục vụ cà phê, khu vui chơi giải trí thiếu rất nhiều nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ lừa đảo nếu không tìm hiểu kỹ trước khi làm. “Những công việc thời vụ thường có mức lương từ 25 - 30 ngàn đồng/ giờ, với dịp Tết có thể tăng gấp 2- 3 lần nên sinh viên nhìn vào đó để ước tính tiền lương mỗi ngày là bao nhiêu. Ở những nơi quảng cáo mức thu nhập 500 - 1 triệu/ ngày và đặc biệt là sinh viên muốn làm phải đóng tiền cọc hay nộp CMND thì hầu hết là có dấu hiệu lừa đảo, sinh viên cần tránh xa”, anh Dũng khuyên.
Cũng theo anh Dũng, có một thực trạng là rất nhiều sinh viên bị lừa nhưng đa phần lại không dám lên tiếng. “Có một số tình huống, sinh viên bị đe dọa, áp lực tâm lý nên không dám nói, cũng có trường hợp sinh viên xấu hổ, sợ người khác biết mình bị lừa nên chấp nhận im lặng và cũng có nhiều trường hợp, số tiền bị lừa ít nên tâm lý thường “của đi thay người” nên chấp nhận mất tiền…”, anh Dũng nói và đề xuất các trường nên có các góc chia sẻ để sinh viên (có thể ẩn danh) mạnh dạn chia sẻ các trường hợp bị lừa để cảnh báo đến những sinh viên khác.