Người thầy tuyệt vời

TP - Đinh Văn K’Rể nổi tiếng là chú bé tí hon nhất Việt Nam với cân nặng chưa đến 5 kg và chiều cao không quá 62 cm. Còn người đàn ông tận tâm bên chú bé thì được gọi là “người thầy tuyệt vời nhất”. Và chúng ta có rất nhiều người thầy tuyệt vời.

Tuần trước, khi K’Rể ra đi ở tuổi 11, như bao người, tôi chăm chú xem từng đoạn phim về hai thầy trò. Cảnh thầy hiệu trưởng Cương cắp nách tí hon đi khắp nơi; cảnh trò lọt thỏm trong lòng thầy để được bón những đồ ăn thức uống ngon lành; cảnh tí hon vui đùa cùng trẻ em khác trong ngày 1/6 ở nhà thầy. Rồi tí hon quậy tưng bừng ở bờ biển, ở trường… Tôi đặc biệt hồi hộp khi cậu ngồi trên xe máy của thầy hoặc của bố mà di chuyển trên những cung đường gập ghềnh từ nhà ở thôn Gò Da đến trường tiểu học Sơn Ba, Sơn Hà, Quảng Ngãi. Người bình thường còn ốm xác, méo mặt, có khi phải đầu hàng. Thế mà tí hon cứ nẩy lên nẩy xuống trên chiếc xe lầm bụi và đất đá, chỉ chực đổ nhào. Còn người thầy thì đã bám trụ 21 năm nơi thâm sơn cùng cốc này.

Ra đi khi mới 11 tuổi nhưng tí hon được coi là chú bé hạnh phúc. Cuộc đời lẽ ra chỉ gắn bó với con lợn con gà, cái cây ngọn cỏ và sự ghẻ lạnh của mọi người nhưng rồi ánh sáng hiện ra khi gặp “cứu tinh”- thầy Cương. K’Rể  bốn năm học lớp 1, chỉ biết viết vài chữ cái, nói ậm ọe vài tiếng. Cái mà K’Rể được học chỉ là biết tự mặc quần áo, đi dép, tự vệ sinh cá nhân, biết biểu cảm, vui sống… Nhưng thế là nhiều rồi. Có phải vì thế mà tí hon có biểu cảm rất tuyệt. Khiến hàng triệu người yêu mến.

Những việc thầy Cương làm cho con người nhỏ bé này, trông thế thôi nhưng không đơn giản đâu. Bản thân ta tự phục vụ mình và phục vụ người thân có khi còn chưa tròn, huống hồ một sinh linh đặc biệt như thế (bị hội chứng Seckel- người lùn đầu chim). Và sự cao cả nằm ở chỗ: những việc thầy làm đã truyền cảm hứng mãnh liệt, lan tỏa đến hàng triệu người, dạy người ta biết yêu thương, sẻ chia, đùm bọc.

Trong đội hình hàng nghìn thầy cô giáo “cắm bản, gieo chữ trên non” khắp vùng sâu xa của đất nước, có các thầy giáo ở vùng núi Kỳ Sơn, Nghệ An mà báo Tiền Phong vừa phản ánh. Phóng viên tả: Cứ trời mưa là bốn giáo viên lại mang chiếc xích dài ra quấn lốp xe (để chống trơn.) Đường sá hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, mưa là chính nên khi tới trường thì quần áo, xe cộ như đi làm ruộng về. “Tôi cũng chả nhớ mình đã ngã bao nhiêu lần”. Miệt mài, bền bỉ hết ngày này tháng khác để dạy chữ và không chỉ dạy chữ. Họ đúng là “cùng xương cùng thịt với nhân dân tôi/cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu…” (Tố Hữu).

Họ, những người hùng thầm lặng, người thầy tuyệt vời, khiến lòng ta dịu lại khi đặt cạnh những bức xúc về sách giáo khoa, về chạy trường chạy điểm... Họ xứng đáng được cả xã hội tri ân, bởi đem đến niềm tin về lòng tốt luôn tồn tại, về nghĩa tình thầy trò sâu nặng thiêng liêng, về nghề giáo- một trong những nghề cao quí nhất, mà ta không chỉ nhớ ra khi 20/11 đến...