Người thầy '2 trong 1' nơi tâm dịch

TP - Suốt hai năm qua, hàng chục nghìn giảng viên, sinh viên đến từ các trường ĐH Y dược trên cả nước tình nguyện vào tuyến đầu chống dịch COVID-19. Các giảng viên đảm nhiệm cùng lúc hai nhiệm vụ: thầy thuốc và thầy giáo.
Giảng viên, sinh viên Trường Đại học Y dược, ĐH Quốc gia Hà Nội tại khu điều trị F0

Những ngày TPHCM “đổ bệnh”, các giảng viên đến từ các trường y dược của thành phố đều tình nguyện tham gia chống dịch. Bác sĩ, giảng viên Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, Trường ĐH Y Dược Phạm Ngọc Thạch, tham gia chống dịch từ tháng 6. Trong tháng đầu, bác sĩ Thanh phụ trách lấy mẫu, truy vết tại Quận 8.

Tháng 7, dịch COVID-19 tại TPHCM lên đến đỉnh điểm, bác sĩ Thanh được phân công về trực tại Trung tâm Cấp cứu 115 cùng 150 sinh viên của mình. Suốt 3 tháng, bác sĩ Thanh và sinh viên làm việc liên tục với phương châm “3 tại chỗ” để tiếp nhận các cuộc gọi cấp cứu, điều phối xe cứu thương, bệnh viện cho bệnh nhân. Khó khăn nhất là dựa vào mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân để điều phối đến bệnh viện.

“Trực cấp cứu đúng lúc thời điểm dịch COVID-19 của TPHCM lên đến đỉnh điểm, nhóm hằng ngày quá tải các cuộc gọi của bệnh nhân nặng, cả hệ thống y tế gần như đóng băng vì không thể chuyển bệnh nhân đi đâu được. Lúc đó, nhóm phải chấp nhận những ca tử vong, những ca không thể cứu được, phải lựa chọn bệnh nhân để cấp cứu. Cũng có lúc phải chấp nhận người thân, người quen của bạn bè không chuyển tuyến kịp nên qua đời. Đây là những nốt trầm buồn không không mong muốn. Nhưng bù lại, được gắn bó với sinh viên trong 3 tháng”, bác sĩ Thanh nói.

Thời gian đó, chị nhận thấy tinh thần ham học hỏi, khả năng thích ứng mọi hoàn cảnh của sinh viên. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, cuộc sống xa nhà, khó khăn nhưng các em đã vượt qua để đồng hành với người bệnh, hỗ trợ, tìm mọi cơ hội để mang lại sự sống cho họ.“Bản thân là một giảng viên trẻ, là đàn chị đi trước động viên, tìm mọi cách để tạo môi trường để sinh viên tham gia tình nguyện, nhưng vẫn có thể học hỏi từ môi trường thực tế mà ở trên trường lớp không bao giờ có được”, bác sĩ Thanh nói.

Chị cho hay, nhiều sinh viên năm nhất, năm hai không chịu nổi áp lực khi nhận 60--70 cuộc gọi/ca trực. Những tiếng than khóc, la hét, thậm chí mắng chửi qua điện thoại đối với những sinh viên chưa từng trải nghiệm thực tế tại bệnh viện khiến nhiều em phải điều chuyển sang công việc khác, thậm chí có em xin nghỉ.

“Sau đợt tình nguyện, quả thật các thầy ai cũng có thêm tóc bạc vì không chỉ lo hỗ trợ phòng chống dịch mà còn lo mọi vấn đề cho sinh viên”.

Bác sĩ, giảng viên Nguyễn Quốc Phương - Trường ĐH Y Hà Nội

Tinh thần vì cộng đồng

Suốt 2 năm qua, thạc sĩ Trương Văn Đạt, Trưởng Phòng Công tác sinh viên, Bí thư Đoàn Trường ĐH Y dược TPHCM, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM, cùng đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường không ngần ngại đi vào những vùng tâm dịch lớn của cả nước, từ Bắc Giang tới TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu…

Nhớ lại hồi tháng 5, anh Đạt dẫn đoàn cán bộ, sinh viên Trường Đại học Y dược TPHCM đến tâm dịch Bắc Giang. Thời điểm đó, những chiến sĩ áo trắng từ miền Nam ra Bắc Giang với nhiều bỡ ngỡ, không hình dung hết những khó khăn, áp lực. Và rồi họ lại gặp nhau tại TPHCM; có những người đã tham gia cả 4 đợt dịch, giáp mặt nhau trên các “chiến tuyến”.

Bác sĩ, giảng viên Nguyễn Quốc Phương, Khoa Truyền nhiễm, Trường ĐH Y Hà Nội là một trong 10 cán bộ, giảng viên của trường dẫn đoàn sinh viên vào TPHCM tình nguyện chống dịch. Đoàn của bác sĩ Phương phụ trách 16 phường của Quận 8. Khi mới vào, đoàn có 13 sinh viên bị sốt do chưa quen thời tiết khiến anh và mọi người lo lắng không yên, chỉ đến khi xét nghiệm âm tính mới thở phào nhẹ nhõm. Không những thế, lúc đó TPHCM lại có cả dịch sốt xuất huyết, 5 em trong đoàn cũng mắc, các anh lại mất ăn mất ngủ.

“Đưa sinh viên vào vùng dịch tình nguyện, không phải chỉ lo chuyện ăn, chuyện ngủ mà quan trọng nhất là đảm bảo an toàn sức khỏe cho các em”, Bác sĩ Phương nói. Nhưng nhờ được tập huấn kỹ trước khi vào vùng dịch nên suốt thời gian tham gia tình nguyện, không ai mắc COVID-19.