Người Sài Gòn nặng lòng với Trịnh Công Sơn

TP - Đã 19 năm nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn qua đời (1/4/2001- 1/4/2019), nhưng người Sài Gòn vẫn luôn nhớ về ông. Vào những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4 hằng năm, tại Sài Gòn luôn có nhiều hoạt động nhớ tới Trịnh.
Những ngày này mộ Trịnh luôn tràn ngập hoa và thư pháp

Đại nhạc hội hàng vạn người nghe

Có lẽ chưa nhạc sỹ nào có những đêm nhạc cho riêng mình lên tới hàng vạn người nghe như Trịnh Công Sơn. Những năm trước đây, khi các đêm nhạc được tổ chức tại khu du lịch Bình Quới (Bình Thạnh), dù đường đi lại khó khăn nhưng ban tổ chức (BTC) luôn phải dự trù số lượng khách lên tới cả vạn, thậm chí vài vạn. Không có ghế ngồi, khán giả chấp nhận ngồi trên thảm cỏ, đốt  những ngọn nến và cùng hát với ca sỹ những ca khúc quen thuộc. Là người đã tham gia nhiều đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại Bình Quới, ca sỹ Lan Ngọc cho biết: “Nhạc Trịnh dường như có sức thu hút đặc biệt với khán giả, người yêu nhạc Trịnh không chỉ lớn tuổi, không chỉ là trí thức mà còn là những bạn trẻ, những người lao động. Họ không chỉ yêu nhất thời mà có những người năm nào tôi cũng gặp trong các đêm nhạc Trịnh”.

Các ca sỹ tham gia đêm nhạc tại Sân vận động Hoa Lư 

Sau này, khi con đường vào khu du lịch Bình Quới được sửa chữa, điểm đến mới của những đêm nhạc Trịnh được tổ chức tại khu hồ Bán Nguyệt (Quận 7) nhưng sức hút vẫn không hề giảm. Kỳ lạ ở chỗ cũng những ca khúc đó, cũng những ca sỹ đó nhưng người nghe không chán. Họ vẫn theo chân từng đêm nhạc, vẫn tiếp tục thắp nến và hát theo ca sỹ những ca khúc quen thuộc của Trịnh. Dường như âm nhạc của Trịnh với những lời tự sự, đầy triết lý và suy ngẫm về cuộc đời khiến người nghe mãi say mê như để khám phá, tìm hiểu. Như ông Nguyễn Tuấn Phong (Tân Bình)- người mà tôi gặp trong nhiều đêm nhạc Trịnh chia sẻ: “Tôi mê nhạc Trịnh từ khi còn là thanh niên, đến nay tôi đã ngoài 60 nhưng vẫn say nhạc Trịnh, nó như có gì bí ẩn khiến tôi muốn tìm mãi. Giờ đây sự đam mê đó không chỉ truyền đến con tôi mà cả thế hệ cháu tôi. Tôi nghĩ nhiều người cũng đam mê Trịnh giống tôi nên những đêm nhạc mới thu hút khách nhiều như thế”.

Gần đây nhất, đêm nhạc Trịnh tại sân vận động Hoa Lư (Quận 1) vào tối 30/3 cũng thu hút hơn 2 vạn người tới xem. Chương trình diễn ra vào lúc 20 giờ nhưng mới 17 giờ đã có hàng ngàn khách tới sân. Chưa tới giờ diễn, những người yêu Trịnh tụ tập thành nhóm, cùng hát với nhau những ca khúc quen thuộc như Nối vòng tay lớn, Hãy yêu nhau đi, Mỗi ngày tôi chọn 1 niềm vui, Quỳnh hương… Vài người đem theo đàn, thế là các “Đại nhạc hội” mini về Trịnh diễn ra khắp sân vận động. Và khi sân khấu bừng sáng, hàng vạn người lại cùng hoà theo giọng ca sỹ với những Chiều một mình qua phố, Ru đời đi nhé, Ru em từng ngón xuân nồng, Sóng về đâu…. Và tất cả cùng ngưng lại, khi bản ghi giọng ca của chính nhạc sỹ vang lên với Em đi bỏ lại con đường. Hình như từ đâu đó, nhạc sỹ vẫn đang dõi theo, vẫn đang cùng hát với mọi người. Chương trình kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ nhưng khi kết thúc, nhiều khán giả vẫn nán lại sân khấu cùng câu hỏi: “Sao chương trình kết thúc nhanh thế.”

Và những đêm nhạc cho mọi người

Sau ngày Trịnh Công Sơn mất, ngôi nhà riêng của nhạc sỹ trên đường Phạm Ngọc Thạch (Quận 3) trở thành điểm đến của người yêu Trịnh. Ngày giỗ Trịnh Công Sơn ngay từ sáng sớm đã có hàng trăm người xếp hàng để vào đốt nén nhang tưởng nhớ người nhạc sỹ tài hoa. Trong đó, có người đã từng quen nhạc sỹ nhưng cũng có rất nhiều người chưa từng gặp mặt nhạc sỹ, thậm chí cả những người nước ngoài lần đầu đến Việt Nam. Họ thắp nén nhang, xem từng kỷ vật đã gắn liền với cuộc đời người nhạc sỹ tài hoa, nghe kể về cuộc sống sinh thời của nhạc sỹ. Ai cũng muốn hiểu thêm, muốn nghe thêm về “Cõi tạm” người nhạc sỹ. 

Nhưng không chỉ ghé thăm nơi “Cõi tạm” của nhạc sỹ tài hoa mà nơi yên nghỉ cuối cùng của ông trong ngày giỗ cũng có hàng ngàn người yêu Trịnh viếng thăm. Họ đem theo hoa quả bánh mứt, tranh thư pháp, cả rượu và đàn. Bên mộ Trịnh, những con người xa lạ, từ lòng yêu nhạc Trịnh mà quần tụ về đây cùng cất tiếng hát. Tình yêu nhạc Trịnh khiến cho mọi người gắn kết với nhau. Mọi bươn chải lo âu, mọi gió bụi phong trần như đã tạm quên đi, để cùng nhau sống trong từng ca khúc, chia sẻ với nhau nụ cười, câu hát. Đêm nhạc bên mộ Trịnh luôn kéo dài suốt đêm nhưng không ai mệt, những ca khúc của Trịnh đã cho mọi người thêm sức lực, thêm cảm hứng để cùng nhau sống trọn với sự đam mê. 

Đường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1) - Điểm đến văn hoá chỉ mới hình thành từ năm 2015 đã trở thành nơi ghé chân của những người yêu Trịnh trong dịp đầu tháng 4. Tại nơi đây, trong ngày giỗ Trịnh Công Sơn những người tổ chức đã biến Đường sách thành một tụ điểm hát, những ca sỹ nổi tiếng ngồi bên vỉa hè cùng cây đàn bập bùng  ca khúc của ông khiến người nghe cảm thấy được sống trong thời “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Ca sỹ Quang Dũng- Một học trò của Trịnh Công Sơn từng nói: “Tôi thích những đêm nhạc Trịnh trên Đường sách, nơi đó ca sỹ và khán giả không còn ranh giới, tất cả chỉ chung một niềm đam mê với nhạc Trịnh. Lúc sinh thời, nhạc sỹ cũng rất thích những đêm nhạc như thế này”. 

Năm nay, nhạc Trịnh còn hiện diện trong nhà hát khi Học viện Âm nhạc và trình diễn Soul trong Tuần lễ Trịnh Công Sơn với 9 đêm nhạc tại Học viện. Ngày 2/4 và 3/4, Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh TPHCM tổ chức đêm nhạc “19 năm nhớ Trịnh Công Sơn” tại Nhà hát TP. Đêm nhạc có sự góp mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng như: Thanh Lam, Hồng Nhung, Tùng Dương, Quang Dũng, Đức Tuấn và nữ ca sĩ nổi tiếng Nhật Bản Tokiko Kato, người biểu diễn thành công “Diễm xưa” bằng tiếng Nhật.