> Thực hư clip 'người rừng' lang thang
Giấc mơ kỳ lạ của người cháu
Căn nhà nhỏ của anh Hồ Minh Lâm ở làng Trà Nga (xã Trà Phong, Tây Trà) chộn rộn người hiếu kỳ đến xem mặt hai cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh – Hồ Văn Lang. Khi tôi bước vào, anh Lâm, cháu ruột gọi “người rừng” Hồ Văn Thanh bằng chú đang làm lễ cúng Giàng.
Người con Hồ Văn Lang năm nay đã 41 tuổi. Theo lời kể của người nhà, anh được cha mình bồng vào rừng khi mới 2 tuổi, sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Lang đang được cậu bé con anh Lâm bày cho cách bắn súng cao su. Bề ngoài, sau khi được cắt đám tóc dày cợp, Lang không khác người thường là mấy. Nhưng đôi mắt có sự hoang dã. “Nó đã biết đi vệ sinh, biết cầm đũa ăn, biết nói bằng tiếng Cor “ăn no rồi” khi được hỏi” – chị Hồ Thị Mai, vợ anh Lâm kể.
Lúc chúng tôi lên, ông Thanh đang đau rất nặng, một chân bị liệt. Tôi ghé tai, ông đã rất yếu ớt, chỉ nói được rằng đã đau gần nửa năm nay. Người con 41 tuổi ngồi bó gối bên cạnh cha, ú ớ thất thần.
Anh Lâm kể lại.
“Vì sao sau 39 năm, bây giờ anh đưa hai cha con ông trở về?”. Anh Lâm chậm rãi kể: “Thật ra, cả xã này biết hai cha con ông sống trong đó, cách làng Trà Nga khoảng 5 tiếng đi bộ đường rừng. Dù ông sống 39 năm biệt lập, nhưng mãi đến năm 2004 mới phát hiện. Tôi mấy lần nói cha con ông trở về làng mà sống nhưng ông không chịu. Nhắc đến là ông lắc đầu”. Anh Lâm cùng họ hàng biết thế, rồi cuộc sống nương rẫy đời thường kéo mỗi người đi mỗi hướng, trong tiềm thức làng Trà Nga dường như không còn tồn tại hai cha con sống trong rừng thẳm. Cho đến một đêm cách đây mấy hôm, anh Lâm gặp phải một giấc mơ kỳ lạ.
Một giấc mơ mà đối với người Cor là điềm báo không lành. “Lúc đó khoảng 2 giờ sáng, tôi mới chợp mắt thì mơ thấy hai cha con ông Thanh và Lang trở về làng. Họ làm nhà giữa làng, ngôi nhà 6 gian, với những cột gỗ to đùng. Kỳ lạ hơn là hai cha con cùng béo tốt khỏe mạnh nói cười”.
Ngay sáng hôm sau, anh đi khắp làng, nói với bà con họ hàng về câu chuyện hai cha con “người rừng” và lên xã báo cáo. Lãnh đạo xã Trà Phong triệu tập cuộc họp khẩn và cử cán bộ, công an, huyện đội… cùng với gia đình anh Lâm tiến vào rừng, bắt đầu một cuộc “giải cứu” ly kỳ hai cha con Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang. “Lúc chúng tôi lên, ông Thanh đang đau rất nặng, một chân bị liệt. Tôi ghé tai, ông đã rất yếu ớt, chỉ nói được rằng đã đau gần nửa năm nay. Người con 41 tuổi ngồi bó gối bên cạnh cha, ú ớ thất thần”, anh Lâm kể lại.
Chuyện khó tin từ gần nửa thế kỷ trước
Câu chuyện dưới đây được kể lại qua lời của người cháu Hồ Minh Lâm và Chủ tịch UBND xã Trà Phong, ông Trương Ngọc Đông.
Theo đó, năm 1959, gia đình vợ chồng Hồ Văn Thanh – Hồ Thị Phương mang theo 2 đứa con sơ tán từ Trà Lãnh lên Trà Xinh, sau đó chuyển qua Trà Khê rồi tham gia bộ đội Quân khu V. Năm 1972, ông Hồ Văn Thanh về thăm vợ con ở xã Trà Khê. Khi vừa gần đến nhà, một quả bom địch ném xuống đúng căn hầm có 26 người trú ẩn, trong đó có 2 đứa con trai và bà mẹ già của ông. Gia đình mọi người chết hết, chỉ riêng vợ ông còn sống. Cả hai dắt díu nhau trở lại Trà Xinh bắt đầu cuộc đời mới. Hai đứa con trai Hồ Văn Lang, Hồ Văn Tri sau đó lần lượt ra đời.
Nỗi đau mất mẹ già cùng 2 con trai đầu quá lớn khiến ông Thanh thỉnh thoảng nổi cơn điên, ghen tuông lồng lộn. Với ông lúc đó, chỉ có đứa con trai Hồ Văn Lang 2 tuổi là con ruột, còn Hồ Văn Tri là “con hoang”. Năm 1974, một ngày, cơn điên bất chợt bùng phát, ông Thanh bồng đứa con Hồ Văn Tri mới 6 tháng ném xuống đất, rồi ẵm đứa con đầu Hồ Văn Lang mới 2 tuổi chạy một mạch vào rừng Apon. Từ đó hai cha con sống giữa rừng.
Người cha dùng mảnh bom chế búa, làm rìu, chặt cây cối làm nhà treo trên những cây lớn. Thức ăn những ngày ban đầu là côn trùng, cây cỏ. Sau đó ông Thanh dùng búa đánh lửa, săn bắt thú rừng, trồng bắp, rau cỏ để sống.
Anh Hồ Minh Lâm kể, ông Thanh cẩn thận làm đến 3 “nhà treo” trên cây, đề phòng mưa bão. Bộ quần áo quân nhân ngày ông ôm con bỏ lên rừng được gói kỹ bằng lá dong, còn thơm mùi vải. Chiếc áo len ngày Hồ Văn Lang 2 tuổi cũng được cất kỹ. 39 năm qua, trang phục chủ yếu của cha con “người rừng” là vỏ cây hoặc… không có gì che đậy. Chủ tịch xã Trà Phong Trương Ngọc Đông kể, năm 2004, anh Lâm là cháu ruột đi làm rẫy, phát hiện hai cha con người chú sống trên cây nên mấy lần khuyên về, nhưng “người rừng” lắc đầu sợ hãi. “Ông bảo, ông muốn được sống trong rừng và chết cũng ở trong rừng”, anh Lâm bùi ngùi.
Nhập khẩu, cắt đất làm nhà cho hai cha con
Buổi chiều, chúng tôi lên Trung tâm Y tế huyện Tây Trà, “người rừng” Hồ Văn Thanh co ro trên giường bệnh. Mái tóc xác xơ, thân hình khẳng khiu, đen trũi, da bọc xương nhỏ thó. Đầu ông luôn cúi xuống, thi thoảng ngước lên với ánh mắt đờ đẫn. BS Trần Thanh Long – Trưởng khoa cấp cứu, ý nhị: “Hôm qua tới giờ ông rất sợ sệt khi phải đối diện với hàng chục ống kính chớp lia lịa. Ông bị suy kiệt rất nặng, chúng tôi đang phải theo dõi thêm”.
Người con Hồ Văn Lang lên thăm, cả hai cha con ngồi bên nhau, giữa các y bác sĩ và những người hiếu kỳ. Họ lặng lẽ, rúm ró đối diện với cuộc sống mới. Người cháu Hồ Minh Lâm kể: “Từ khi trở về tới nay, ông chỉ nói đúng một câu bằng tiếng Cor, rằng ông không muốn về đây. Ông rất nhớ rừng, nhớ cuộc sống trên cây”. Ánh mắt “người rừng” đờ đẫn nhìn đứa con trai. Anh Lâm kể, từ khi phát hiện cha con ông sống trong rừng Apon vào năm 2004, chưa bao giờ ông thừa nhận còn có một người con trai khác là Hồ Văn Tri. Chiều qua, Hồ Văn Tri, đứa bé 6 tháng tuổi bị bố ném đi năm nào nhưng vẫn không chết ngồi bần thần nhìn người cha. Hỏi gì, Tri cũng lắc đầu.
Chủ tịch UBND huyện Tây Trà, ông Hồ Anh Ngọc cho hay, huyện cho nhập hộ khẩu hai cha con ông Thanh vào nhà anh Hồ Minh Lâm. Cấp đất, làm nhà cho hai cha con, đồng thời cắt cử một người bà con đến sống cùng. “Trước mắt, chúng tôi hỗ trợ 2 triệu đồng, gạo để ổn định cuộc sống cha con họ” – ông Ngọc nói.
Cha con “người rừng” từng lên báo
Anh Hồ Minh Lâm kể, năm 1999, hai cha con ông Thanh đến rẫy của một người dân ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) trộm dưa về làm giống. Chủ rẫy phát hiện, báo công an huyện lên bắt. Có tờ báo đã đưa tin hai người ăn trộm dưa, cha con Hồ Văn Thanh sau đó được thả vì sự việc không nghiêm trọng. Chính tôi cũng không ngờ, đó là cha con người chú mình.