'Người rừng' Hồ Văn Lang lâm trọng bệnh

TP - Hơn 8 năm rời rừng sâu về lại làng hòa nhập cộng đồng, “người rừng” Hồ Văn Lang luôn thường trực nụ cười trên môi. Đây cũng là cách anh giao tiếp với mọi người. Ấy nhưng, nụ cười trong trẻo ấy đang dần tắt lịm bởi căn bệnh ung thư gan quái ác giày vò.
Anh Hồ Văn Lang tháng 10/2020 khi còn khỏe mạnh. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Vào năm 1972, hoảng sợ sau một trận bom dội xuống làng ông, Hồ Văn Thanh (sinh năm 1932) dẫn theo con trai lớn là Hồ Văn Lang khi đó chưa tròn 3 tuổi rời khỏi làng quê ở xã Trà Phong, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi bỏ vào rừng sâu trú ẩn, sống tách biệt với cộng đồng.

Hơn 40 năm sống tách biệt trong rừng sâu, hai cha con “người rừng” chỉ biết bầu bạn với chim muông, cỏ cây và thú rừng. Họ ở trong một ngôi nhà giống như tổ chim trên thân cây cổ lớn, dùng vỏ cây khô, lá cây để làm vật che thân, ăn trái cây, củ mì, bắp, rau rừng để sống. Năm 2013 người dân địa phương phát hiện hai cha con “người rừng” nên báo với chính quyền địa phương tổ chức tìm kiếm và đưa họ về sống hòa nhập với cộng đồng. Những tháng ngày về làng, ông Thanh thu mình và ôm nỗi nhớ rừng cho đến khi qua đời. Còn Hồ Văn Lang đang sống cùng với gia đình em trai của mình là anh Hồ Văn Tri trong căn nhà được các nhà hảo tâm xây tặng.

“Người rừng” xa rừng

Sau 8 năm rời rừng sâu về lại làng cũ, “người rừng” Hồ Văn Lang dần quen thuộc với mọi thứ. Người đàn ông 50 tuổi ấy đã biết làm ăn kiếm tiền sinh sống, biết tự chăm sóc cho bản thân, tự nấu ăn cho mình mỗi ngày. Hằng ngày, khi mặt trời còn chưa ló dạng, Lang đã mang gùi lên rẫy như một thói quen. Xế trưa, anh trở về nhà và không quên đem theo những nải chuối do chính tay mình vun trồng ở thôn Trà Nga, xã Trà Phong để bán cho thương lái. Dù rằng, quãng đường đi và về phải mất hơn 3 giờ đồng hồ đi bộ.

“Người rừng” Hồ Văn Lang được đưa từ rừng sâu về với cộng đồng vào năm 2013. Ảnh: TL

Gặp ai, anh cũng cười. Anh Lang rất thích trò chuyện, vui đùa cùng lũ con nít và xem mọi người trong làng như một gia đình. Khác với nhiều đàn ông trong làng, anh Lang không uống rượu, không hút thuốc mà chỉ ‘nghiện’ trầu. Tháng 10/2020, trong một lần đi công tác ở miền núi, chúng tôi vô tình gặp lại “người rừng” Hồ Văn Lang. Lúc đó, anh Lang vẫn còn rất khỏe mạnh. Công việc phát rẫy trồng nông sản tạo niềm vui mỗi ngày cho anh mỗi ngày. Vậy mà sau hơn 7 tháng quay lại, xót xa thay, “người rừng” chẳng còn đi rừng nữa, mà chỉ quẩn quanh trong xó bếp. Đôi mắt anh vẫn hướng về phía núi, nhưng đôi chân chẳng còn đủ sức để trèo đèo, lội suối.

Xế chiều, anh Hồ Văn Tri, em trai anh Lang ngồi cạnh bên bếp lửa, nấu thuốc cho anh trai mình uống. Ánh sáng đan qua tấm liếp tre tràn vào căn bếp, làm đường gân xanh chằng chịt lộ rõ trên đôi tay yếu ớt của “người rừng”.

Tay vẫn cầm bịch trầu cau, sở thích làm răng anh đen láy. Có điều, nụ cười vô tư của “người rừng” giờ đã tắt, thay vào đó là tiếng thở dài khi cơn đau ập đến. Anh Hồ Văn Tri kể rằng, sau Tết Nguyên đán, anh Lang cảm thấy đau ở vùng bụng. Cơn đau tăng dần với tần suất dày hơn. Cả ngày, anh ôm bụng nằm dài, người anh sút đến gần 10 kg, sức khỏe ngày càng kém.

Cảm thấy lo lắng, anh Tri gom hết số tiền ít ỏi tích góp đưa anh Lang xuống TP. Quảng Ngãi khám bệnh. Bác sĩ chẩn đoán anh Lang bị ung thư gan. Với anh Lang, ung thư gan chỉ đơn giản là đau ở bụng. Nhưng đối với anh Tri, anh biết đó là căn bệnh quái ác, khiến con người đối diện với tử thần. Tuy nhiên, để chắc chắn hơn về bệnh tình của anh Lang, anh Tri đã lặn lội đưa anh mình ra Đà Nẵng thăm khám. Tại đây, các bác sĩ cũng có cùng chẩn đoán như ở Quảng Ngãi. Anh Tri lặng lẽ đưa anh Lang về nhà để chăm sóc.

Kể từ đó, anh Lang chỉ biết quanh quẩn trong nhà, đôi mắt nhìn về phía núi, chẳng ai biết trong đáy lòng “người rừng” đang nghĩ gì. Nơi góc bếp, “người rừng” Hồ Văn Lang khẽ thở dài khi cơn đau ập đến. Anh Lang biết đau, nhưng anh không biết ung thư là gì? Tất cả nỗi lo toan bây giờ đè nặng lên vai người em trai Hồ Văn Tri.

Lạy tứ phương

Rời khỏi rừng già, tưởng chừng cuộc đời đã rẽ sang bước ngoặt mới, nhưng số phận vẫn cứ đẩy đưa “người rừng” vào những khúc quanh co như đã từng đẩy anh vào lối mòn giữa núi rừng và sống cùng cha suốt 40 năm ròng rã. Năm 2017, ông Hồ Văn Thanh, cha anh Lang qua đời, anh đón nhận niềm đau bằng đôi mắt đượm buồn. Cố gắng lắm mới có thể quên đi, vậy mà giờ đây anh lại gánh căn bệnh ung thư gan quái ác đang giày xé thể xác từng ngày.

Anh Hồ Văn Lang giờ vẫn nén đau đan nông cụ để kiếm sống. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Thôn Trà Nga mùa này nắng lắm. Đến chiều lại nhạt mờ bóng nắng, những cơn mưa giông chực đổ ào. Thời tiết miền sơn cước thay đổi nhanh chóng và khác xa với đồng bằng. Cách chữa trị bệnh cho anh Lang cũng vậy. Căn bệnh ung thư của anh trai đang được anh Tri chữa bệnh bằng cách “lạy tứ phương”.

Không đủ tiền điều trị bằng tây y, anh Tri từng đưa anh Lang vượt 90 cây số tìm đến thầy thuốc Đông y ở huyện Bình Sơn. Ấy nhưng, những thang thuốc nào có đủ ngăn lại bệnh tật. Thậm chí các cơn đau đến nhiều hơn. “Người rừng” ôm bụng, co ro… Anh Tri chỉ còn biết dựa theo tổ tiên vào rừng tìm những thảo dược, chủ yếu là mơ gan để nấu cho anh trai uống giảm đau. “Từ ngày Lang bị đau, tôi đã cúng gần 10 lần, mỗi lần 8 con gà. Chi phí lên đến gần 20 triệu đồng. Nhà không có tiền, tôi mượn các chủ quán trong xóm rồi bán chuối, cây mây...để trừ nợ”, anh Tri cho biết.

Nhiều lúc nhìn anh trai đau quằn quại, anh Tri xót ruột nhưng không biết làm cách nào. Anh cũng cảm thấy khó hiểu bởi anh Lang gần nửa đời sống trong rừng, sao lại mắc bệnh hiểm nghèo lúc này. “Cũng may, anh Lang khá lạc quan khi không thể hiểu được căn bệnh ung thư mà mình đang phải gánh chịu. Mỗi khi cơn đau nhẹ đi, anh Lang lại ngồi đan thúng, nia bằng sợi rừng bán cho người trong làng. Dù tôi có bảo nghỉ ngơi thì anh Lang vẫn không thôi làm việc”, anh Tri nói.

Bây giờ, anh Tri chỉ mong có thêm tiền, cho anh trai ăn những bữa ngon, tận hưởng an vui với đời nốt những tháng ngày ít ỏi còn lại. Mong ước bình dị ấy xem chừng cũng khó khi nhìn vào xó bếp, chẳng có gì ngoài các loại cây được đun nấu cho “người rừng” uống mỗi ngày.

Anh Lang bị ung thư, anh Tri chỉ biết bám rẫy rừng kiếm tiền chăm anh và những người thân trong nhà. Vậy mà giờ, anh Tri cũng đang mắc bệnh dạ dày nặng, bao khó khăn cứ bám lấy căn nhà nghĩa tình mà nhiều người góp sức xây cho anh Lang khi anh từ rừng trở về. Giờ đây, chỉ có phép màu mới có thể giúp anh Lang hết bệnh. “Người rừng” đã thôi đi rừng, một tương lai mịt mờ đang chờ anh, dù con đường làng vẫn rộng mở và thẳng thớn hơn rất nhiều so với những lối mòn núi rừng đã gắn bó với anh Lang hơn nửa cuộc đời.

Ông Đặng Minh Thảo, Bí thư Huyện ủy Trà Bồng, cho biết, Huyện ủy vừa phối hợp cùng các hội đoàn thể tổ chức thăm hỏi, trao 3,7 triệu đồng hỗ trợ cho ông Hồ Văn Lang. Gia đình ông Hồ Văn Lang thuộc diện đặc biệt khó khăn, sức khỏe lại rất suy yếu. Huyện ủy đang kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ gia đình ông Lang. Ngoài ra cũng chỉ đạo chính quyền địa phương theo dõi diễn biến sức khỏe và hỗ trợ cho ông Lang tối đa.