Những ngày này, người dân các xã Tam Lộc, Tam Thành, thị trấn Phú Thịnh (huyện Phú Ninh, Quảng Nam)... túc trực ở ruộng diện tích trồng dưa hấu, nhưng không phải để thu hoạch mà nhổ bỏ dưa do bị héo chết.
Cả cánh đồng dưa rũ héo, lá khô, quả còn non không thể thu hoạch. Nhìn trái dưa non nằm ngổn ngang trên mảnh ruộng, bà Đặng Thị Thạch (ở thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) rầu rĩ: “Mới hôm trước đi thăm ruộng thấy dưa sai trái, tưởng được mùa, vậy mà trời cho thấy mà không cho ăn”. Sau cơn mưa lớn bất thường kéo dài 3 ngày, cả ruộng dưa ngập trong nước. Dù cố nhưng người dân cũng đành bất lực. Nước rút hết thì gốc bị úng, nắng lên thì héo rũ rồi chết dần.
Nhà bà Thạch trồng 3 sào dưa hấu. Bà nhẩm tính, số tiền đầu tư giống, phân bón, chi phí khác hết hơn 6 triệu đồng, và hơn hai tháng trời chăm sóc nhưng giờ thì thất thu. Đôi chân nứt nẻ, bà Thạch lội khắp 3 sào dưa chọn được ít trái gần già để bán mong gỡ gạc chút tiền đã bỏ ra mua phân bón. “Phân bón thì tăng giá, chi phí gì cũng tăng, trông vào mấy sào dưa mà giờ công cốc”, bà Thạch nói.
Cạnh đó, toàn bộ ruộng dưa hấu 4 sào của nhà ông Nguyễn Tấn Lực (trú ở Phú Thịnh) xem như trắng tay sau 2 tháng chăm sóc. “Dưa còn non hái bán cũng không được, trâu bò cũng không ăn, giờ chỉ nhổ bỏ chứ biết làm chi”, ông Lực nói.
Huyện Phú Ninh được xem là thủ phủ dưa hấu của tỉnh Quảng Nam. Hàng nghìn hộ dân các xã Tam Phước, Tam Lộc, Tam Thành, thị trấn Phú Thịnh… trồng dưa hấu. Hộ trồng ít là vài sào, hộ nhiều 15 sào. Dưa hấu Phú Ninh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Dưa hấu Kỳ Lý” năm 2009. Năng suất dưa hấu đạt khoảng 27 tấn/héc ta.
Ông Trịnh Ngọc An, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh, cho biết, vụ dưa này địa phương trồng khoảng 387 ha. Tuy nhiên, đợt mưa lớn bất thường khiến 259 ha dưa hấu hư hỏng. Cùng với dưa hấu, hàng chục nghìn héc ta lúa và rau mùa cũng bị hư hại. Đơn vị đã báo cáo và đề xuất tỉnh hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất.