Ukraine:

Người nổi dậy phớt lờ tối hậu thư

TP - Hôm qua, những tay súng nổi dậy ở miền đông Ukraine đánh chiếm thêm một đồn cảnh sát ở thành phố Horlivka gần vùng Donetsk, tiếp tục chiếm giữ các tòa nhà chính quyền, phớt lờ thời hạn chót mà chính phủ Ukraine đưa ra.
Lính biên phòng Ukraine. Ảnh: Itar-Tass

Tổng thống lâm thời của Ukraine, ông Oleksandr Turchynov, tuyên bố sẽ triển khai một “chiến dịch chống khủng bố toàn diện”, nếu các tòa nhà chính quyền ở Slavyansk cùng nhiều thị trấn và thành phố khác không được trả lại vào lúc 6h GMT ngày 14/4. Nhưng thời hạn này đã qua đi mà cờ của Nga vẫn bay trên nóc đồn cảnh sát ở Slavyansk và không có dấu hiệu gì cho thấy những người nổi dậy tuân thủ tối hậu thư của chính quyền, BBC đưa tin ngày 14/4.

Một số người lo ngại sẽ xảy ra bạo lực lớn sau hạn chót, nhưng đến nay vẫn chưa có biến cố lớn nào xảy ra. Slavyansk (thuộc vùng Donetsk) đã hoàn toàn bị vây quanh bởi rào chắn và các tay súng nổi dậy đang đứng gác tại các trạm kiểm soát nằm trên những tuyến đường chính dẫn vào thành phố. Ít nhất 100 người nổi dậy đã tấn công đồn cảnh sát ở thành phố Horlivka hôm 14/4. Đoạn video chiếu trên truyền hình Ukraine ghi lại cảnh một xe cứu thương đang chuyển những người bị thương sau vụ tấn công, Reuters đưa tin.

Ngày 14/4, Mỹ ký bảo đảm khoản vay 1 tỷ USD cho Ukraine, một phần trong gói viện trợ nhằm hỗ trợ nước này hồi phục kinh tế. Cùng ngày, EU thông qua gói hỗ trợ trị giá 1 tỷ euro (1,4 tỷ USD) để giúp chính quyền lâm thời của Ukraine khắc phục khó khăn tài chính. Giá cổ phiếu và đồng ruble của Nga giảm mạnh hôm 14/4, phản ánh lo ngại trước tình hình ở đông Ukraine và nguy cơ phương Tây áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt, Reuters đưa tin.

Dù Kiev tuyên bố sẽ giành lại quyền kiểm soát Slavyansk, các nhà quan sát cho rằng, một cuộc tấn công tổng lực sẽ gây rủi ro lớn và có thể châm ngòi cho một phản ứng không có lợi từ phía Nga. Ông Turchynov tuyên bố sẽ không cho phép lặp lại sự việc giống như Crimea ở miền đông đất nước, nơi phần lớn dân số nói tiếng Nga.

Giám đốc CIA bí mật tới Kiev

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 14/4 nói Nga vẫn chưa nhận được giải thích đầy đủ về chuyến thăm gần đây của Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan tới Ukraine, hãng tin Nga Ria Novosti đưa tin.

Một số bài báo hôm 13/4 nói rằng, ông Brennan có chuyến thăm bí mật tới Kiev và gặp gỡ nhiều quan chức thực thi pháp luật cấp cao của Ukraine, đề xuất Ukraine thực hiện một chiến dịch đặc biệt chống lại người biểu tình ủng hộ liên bang hóa ở Slavyansk. Tổng thống Ukraine bị lật đổ Viktor Yanukovych hôm 13/4 nói rằng, các lực lượng đặc biệt của Ukraine đã triển khai chiến dịch sau cuộc gặp với ông Brennan.

Phát ngôn viên CIA Todd Ebitz bác bỏ những thông tin này và từ chối bình luận về chuyến đi bí mật của ông Brennan. Chiến dịch của lực lượng an ninh Ukraine triển khai ở Slavyansk khiến ít nhất 1 người thiệt mạng và 9 người bị thương. Các nhà hoạt động nói rằng, ít nhất 3 người thiệt mạng.

Tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói rằng, việc chính quyền Kiev cấm các nhà báo vào Ukraine là điều “rõ ràng bất thường”. Trong cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 13/4, Nga thúc giục Kiev không dùng vũ lực chống lại người biểu tình ở miền đông. Đại sứ Nga tại LHQ Vitaliy Churkin kêu gọi chính quyền Kiev “khởi động một cuộc đối thoại thực sự”. Ông Churkin cảnh báo cuộc gặp bốn bên diễn ra vào thứ Năm tuần này sẽ thất bại, nếu chính quyền Kiev truy quét người biểu tình ở miền đông.

Bộ Ngoại giao Ukraine hôm 14/4 tuyên bố có bằng chứng cho thấy lực lượng Nga đứng sau “chiến dịch ly khai” và họ sẽ đưa bằng chứng trong cuộc gặp tại Geneva vào giữa tuần này.

“Chúng tôi biết ai đứng sau những việc này”, bà Samantha Power, đại diện thường trực của Mỹ tại LHQ, nói. Bà Power khẳng định Mỹ sẽ vẫn tham gia các cuộc đối thoại tại Geneva vào thứ Năm tới. Bà còn yêu cầu Nga giải thích về việc 40.000 binh lính đang đóng tại biên giới phía đông Ukraine.

Mỹ cũng cảnh báo có khả năng sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với những người Nga gần gũi với Kremlin, nếu tình hình miền đông Ukraine tiếp tục căng thẳng. Các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu nhóm họp tại Luxembourg hôm 14/4 để thảo luận cuộc khủng hoảng và áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Nga.

Ngày 14/4, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Anh David Cameron lên án tình trạng bạo lực ở Ukraine, kêu gọi các bên kiềm chế. Cùng ngày, Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan tiếp tục đàm phán, tham vấn và đẩy nhanh tiến trình tiến tới giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine, Xinhua đưa tin.