Người nghi vấn ý tưởng 'Bão qua làng' gửi đơn cầu cứu VTV

TP - Sau khi phản ánh với báo Tiền Phong về nghi vấn ý tưởng "Bão qua làng", tác giả kịch bản Nguyễn Thiên Vỹ gửi đơn cầu cứu tới một số địa chỉ. Phóng viên trao đổi với tác giả làm rõ hơn sự việc.

Trong bài phản ánh trên Tiền Phong số ra ngày 3/9, đại diện VFC cho rằng anh quá nóng vội, mới xem một vài tập đã nghĩ đó là kịch bản của anh. Anh thấy thế nào? 


Tôi nghĩ người nào đọc tinh thì nhận ra ngay. Mới xem vài tập đã biết đó là kịch bản của mình, vì nó quá quen thuộc, rõ ràng, giống những gì mình đã viết. Nó mang tính đặc trưng trong kịch bản mình.

Biên kịch “Bão qua làng”, Nguyễn Xuân Trường lập luận, nông thôn nơi nào cũng giống nhau. Điều này không hẳn vô lý?

Anh Xuân Trường nói điều đó đúng, đứng trên phương diện tổng quát. Nhưng xét về cá thể, kịch bản vừa là cái chung, mô típ chuyện chung của nông thôn Việt Nam, nó còn mang nét đặc trưng, cách kể chuyện riêng của tác giả, gắn với đời sống địa phương cụ thể. 

Đọc 25 tập kịch bản của anh, thấy dù là vùng nông thôn bán sơn địa, nhưng không thấy dấu ấn vùng miền rõ nét trong đó. 

Khi phát sóng trên đài truyền hình quốc gia, cái chung chính là để người xem của mọi miền đều có thể hiểu được vấn đề. Tính riêng của kịch bản ở đây là cá tính, cách nhìn nhận của người sáng tác. Ai đã xem phim Rừng chắn cát, Tu hú lạc bầy của tôi đều có thể thấy được cá tính của người viết trong đó.

Tác giả kịch bản “Xóm trưởng” (ảnh nhỏ) muốn VFC làm sáng tỏ nghi vấn ý tưởng phim “Bão qua làng” (ảnh lớn)

Cá tính anh nói ấy, cụ thể là gì?

Tôi thường phản ánh những vấn đề rất gần gũi, mộc mạc; tình tiết trong phim rất đời thường. Một số đạo diễn cũng nói: Nét riêng của Vỹ là ở chỗ gắn liền với dân gian. 

Biên tập Diệu Hương ở VFC trả lời Tiền Phong rằng, ngạc nhiên vì anh từ chối gặp để làm việc. Thực hư ra sao?

Không có lời mời chính thức, làm sao tôi ra được. Chỉ có thư của anh Xuân Trường - biên kịch trong diện nghi vấn mượn ý tưởng của mình, không hề có ai liên lạc chính thức, làm sao đủ cơ sở để đến đó. Anh Đỗ Thanh Hải, Giám đốc VFC trả lời tôi, tự tác giả làm việc với nhau. Tôi yêu cầu phải có bên đại diện thứ ba. VFC phải là trung gian, cho thẩm định kịch bản độc lập.

Anh từng nói công khai sự việc, lại e trầy vi tróc vẩy. Anh định đánh trống bỏ dùi?

Trong những thư trao đổi trước với anh Đỗ Thanh Hải, tôi thể hiện tinh thần thân thiện, người trong nghề. Kiện chính thức thì chưa phải, tôi có đơn cầu cứu gửi Tổng giám đốc Đài truyền hình VN ngày 12/8, khi xem xong tập 6 Bão qua làng. Hai lá đơn khác gửi Ban kiểm tra VTV và Ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam hôm 4/9.

Có lúc tôi định cho qua, xem như mình bị mất trộm - một năm viết kịch bản. Giờ tôi nghĩ, không chỉ là chuyện cá nhân, mà còn là vấn đề vi phạm bản quyền ở Việt Nam nói chung, trong lĩnh vực bản quyền kịch bản phim nói riêng. Dù có trầy vi tróc vảy cũng không sao cả. 

Phía VFC khuyên anh nên bình tĩnh, chờ xem hết phim. Anh thấy sao?

Vấn đề đạo kịch bản thì không hoàn toàn phải xem hết phim. Ở những tập đầu thể hiện đạo thì cũng là đạo rồi. Tôi sẵn sàng đối mặt. Dù chưa đăng ký bản quyền kịch bản Xóm trưởng - sự thật là năm 2008 chuyện này chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam - quan trọng nhất là bằng chứng tôi gửi kịch bản đến đó năm 2008.

Lùm xùm ý tưởng - chuyện cơm bữa

Nhiều người viết trẻ nói rằng, khi gửi kịch bản đến một số nơi “chào hàng” rất dễ bị đạo ý tưởng, hoặc nhẹ hơn là nhiễm ý tưởng. Biên kịch Dương Nữ Khánh Thương từng rơi vào trường hợp tương tự, khi một số kịch bản của chị bị “mượn” nguyên gốc. “Cách tốt nhất không phải run sợ hay né tránh. Hãy đăng ký bản quyền. Bạn nên đưa một cách sáng suốt cho nhà sản xuất tin tưởng, ký kết từng phần theo tiến độ hợp đồng. Nhưng đôi khi, giữ bo bo tác phẩm khiến biên kịch đánh mất cơ hội. Nếu bị ăn cắp cũng bình tĩnh giải quyết. Kết quả xấu nhất, hãy học cách mỉm cười. Bạn cứ tin, vàng mười vẫn là vàng mười”, Khánh Thương nói.

Nên làm sáng tỏ

Nhà báo Trần Bá Dung, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam nói biết tác giả Thiên Vỹ từ nhiều năm nay: Thiên Vỹ từng đoạt giải sáng tác kịch bản của VTV, có kịch bản được VTV dựng phim và phát sóng. “Tôi cũng biết kịch bản Xóm trưởng của tác giả Thiên Vỹ từ trước, nay thấy phim Bão qua làng có ý tưởng và mạch chuyện giống nhau. Trong sáng tạo nghệ thuật có thể có lúc tư tưởng lớn gặp nhau. Nhưng ở đây thì có vấn đề. Tôi nghĩ tác giả lên tiếng là có lý. Các cơ quan chức năng nên làm rõ theo pháp luật về bản quyền. Việc này cần giải quyết vì đạo đức nghề nghiệp nữa”, ông nói.