Phát biểu tại phiên thảo luận ngày 2/6, nhất trí với báo cáo của Chính phủ, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, để có được kết quả đã nêu trong báo cáo, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp các ngành, các địa phương đã thực sự nỗ lực, cố gắng, cộng với sự đồng lòng nhất trí của nhân dân trong việc vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh những “điểm sáng” đã nêu, đại biểu đoàn Nam Định cũng đặc biệt ấn tượng khi 7/12 chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch năm 2021. Trong đó một số chỉ tiêu cao hơn con số đã báo cáo Quốc hội như chỉ số giá tiêu dùng CPI, bội chi ngân sách nhà nước, thu ngân sách nhà nước tăng, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng.
“Kết quả này rất đáng trân trọng, nhất là trong bối cảnh chúng ta vừa trải qua đợt bùng phát dịch lớn chưa từng có trong thời gian qua”, đại biểu Phương Hoa đánh giá.
Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong sáu quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắc xin cao nhất thế giới, được quốc tế đánh giá cao. Nhờ đó, đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, giúp cho người dân trở lại cuộc sống bình thường, học sinh được đến đến trường, doanh nghiệp được tạo điều kiện đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. SEA Games 31 được tổ chức thành công với những khán đài chật kín người xem.
Về du lịch, đại biểu Phương Hoa dẫn chứng số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 5/2022, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia tăng cao nhất trên thế giới. Việt Nam cũng lọt vào top 10 điểm đến lý tưởng trên thế giới cho người trẻ yêu thích xê dịch, do tạp chí du lịch The Travel bình chọn.
Cũng theo đại biểu Phương Hoa, nhiều công trình trọng điểm quốc gia được triển khai một cách tích cực và quyết liệt. Đặc biệt tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội chủ trương đầu tư một số tuyến cao tốc mới, đường vành đai 3 TP.HCM, đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.
“Tôi cho rằng những công trình này nếu được phê duyệt thì sẽ là những cú hích mạnh mẽ trong phát triển kinh tế vùng và đất nước trong thời gian tới”, đại biểu Phương Hoa nhận định.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng viện dẫn tài liệu do Thư viện Quốc hội cung cấp, có hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 như mất việc làm, tạm ngừng công việc, cắt giảm giờ làm, giảm thu nhập…. Đặc biệt, giá xăng tăng cao, kéo theo nhiều mặt hàng tăng giá, trong khi đó thu nhập của người dân, nhất là bộ phận người dân nghèo không tăng, khiến cuộc sống của họ vất vả hơn rất nhiều.
Đại biểu Hoa đề nghị Chính phủ đặc biệt quan tâm vấn đề này, nghiên cứu để ban hành các giải pháp như: giảm giá xăng dầu; tăng cường tiết kiệm chống lãng phí, bỏ ra ngoài danh mục đầu tư công những dự án chưa thực sự cần thiết, chậm tiến độ quá lâu, để dành những khoản tiền này hỗ trợ cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội; đẩy nhanh hơn nữa và có tiến độ cụ thể việc triển khai gói phục hồi kinh tế theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.
"Làm việc gì cũng sợ sai"
Trong thực thi công vụ, đại biểu lưu ý về “căn bệnh" sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay.
“Tôi không nói đến những người cố tình làm sai, những người tham ô, tham nhũng, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, mà muốn nói đến những người ngay thẳng, trung thực cũng có dấu hiệu bị nhiễm căn bệnh này. Đây không phải là vấn đề mới, nhiều đại biểu Quốc hội và báo chí cũng đã nêu”, đại biểu cho hay.
“Có người cho rằng giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai không, nếu sai thì không biết sai ở chỗ nào; thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm. Có nơi còn chủ động mời cơ quan thanh tra, kiểm toán, thậm chí công an vào tham gia ngay từ giai đoạn đầu thực hiện dự án”, bà Hoa nêu.
“Tôi không nói đến những người cố tình làm sai, những người tham ô, tham nhũng, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, mà muốn nói đến những người ngay thẳng, trung thực cũng có dấu hiệu bị nhiễm căn bệnh này. Đây không phải là vấn đề mới, nhiều đại biểu Quốc hội và báo chí cũng đã nêu”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa.
Theo đại biểu, thực trạng này có nhiều nguyên nhân, ngoài nguyên nhân khách quan là quy định pháp luật có những điểm chưa cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng; chưa có quy định của pháp luật về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; còn có nguyên nhân chủ quan như: năng lực trình độ của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, không kịp thời cập nhật quy định của pháp luật có liên quan để tránh làm sai; có trường hợp người có thẩm quyền quyết định thì thiếu chuyên môn lại không dám tin cấp dưới; hoặc cấp dưới trình độ còn hạn chế, tinh thần làm việc thụ động, sợ trách nhiệm, lại thụ động chờ ý kiến cấp trên.
Bà Hoa cho rằng tình trạng này không phải là phổ biến, nhưng rất đáng lưu ý trong giai đoạn hiện nay, cần phải có những giải pháp cụ thể hơn để xử lý tình trạng này. Đó là sửa đổi những quy định của pháp luật có liên quan theo hướng rõ ràng, minh bạch hơn, cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân; luật hóa chủ trương của Đảng tại Kết luận số 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ người dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; lựa chọn đúng cán bộ vào từng vị trí công tác; có chính sách thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao trình độ cho cán bộ, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trong phòng ngừa, cảnh báo”, đại biểu Hoa nêu.