Người mẫu đi chân trần trình diễn trang phục dân tộc

TPO - Nhà thiết kế Minh Hạnh đã mang hàng trăm bộ trang phục dân tộc từ nhiều bộ sưu tập thời trang do cô thiết kế đến trình diễn tại Lễ hội Đăk Hà ngày mùa.

Chiều 8/3, UBND huyện Đăk Hà (Kon Tum) khai mạc Lễ hội Đăk Hà ngày mùa tại rừng đặc dụng Đăk Uy (xã Đăk Mar). Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và hàng trăm bộ trang phục dân tộc.

Lễ hội Đăk Hà ngày mùa là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng tỉnh Kon Tum (16/3/1975-16/3/2024) và kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện Đăk Hà (24/3/1994-24/3/2024).

Bà Nguyễn Thị Liên - Bí thư Huyện ủy Đăk Hà cho biết: “Lễ hội Đăk Hà ngày mùa là sự kiện văn hóa đầu tiên của huyện tái hiện lại không gian, bản sắc văn hóa làng của người đồng bào dân tộc thiểu số. Sự kiện nhằm tôn vinh, quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của khu vực".

"Thông qua lễ hội góp phần tăng cường công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, ngành nghề truyền thống, tạo không gian để các nghệ nhân, nghệ sĩ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm", bà Liên cho hay.

Chương trình có sự tham gia của NSND Thanh Lam cùng nhiều ca sĩ và người mẫu.

Hàng nghìn khán giả được chiêm ngưỡng nhiều bộ sưu tập thời trang nổi tiếng của nhà thiết kế Minh Hạnh.

Phong phú, đa dạng trang phục dân tộc tại chương trình.
Các thiếu nữ tự tin trình diễn trang phục được lấy ý tưởng từ nông nghiệp.
Đông đảo người dân và du khách đến thưởng thức văn nghệ cũng như chiêm ngưỡng hàng trăm bộ trạng phục dân tộc.

Trang phục dân tộc bay trong gió cuốn hút người xem.

Người mẫu đi chân trần trình diễn trang phục dân tộc để tạo sự chân chất, gần gũi.

Chị Y Niên (trú thôn 3, xã Đăk Mar) chia sẻ đây là lần đầu chị được chiêm ngưỡng một chương trình có quy mô lớn và hoành tráng thế này. Đặc biệt là những bộ trang phục dân tộc trình diễn và tái hiện không gian phiên chợ ngày mùa.

Tận dụng lợi thế vốn có, nhiều năm nay, huyện Đăk Hà đã đạt thành tựu trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa và nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.

Trong khuôn khổ lễ hội, người dân và du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động đặc sắc, như phiên chợ ngày mùa, giới thiệu các ngành nghề truyền thống, hội thi ẩm thực truyền thống, giao lưu cồng chiêng - xoang. Lễ hội kết thúc vào ngày 10/3.