Anh Nông Văn Tân (sinh 1987) sinh ra ở Cao Bằng, quê hương của những điệu then ngọt ngào. Anh bảo từ nhỏ được nghe các nghệ nhân biểu diễn, tiếng đàn tính và những làn điệu then trữ tình.
Cuộc sống khó khăn, anh theo gia đình vào lập nghiệp tại xã Dliê Ya, huyện Krông Năng, Đắk Lắk. Bà con trong thôn đa số là người Tày, Nùng nhưng làn điệu then vẫn dần mai một, thôi thúc anh tìm mọi cách giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Tháng 9/2015, anh Tân cùng anh Nông Văn Phúc vận động bà con thôn Ea Kanh, xã Dliê Ya thành lập câu lạc bộ (CLB) hát then để mọi người có thể giao lưu, học hỏi và lưu giữ làn điệu then truyền thống. Sau thời gian vất vả vận động, hiện CLB hát then xã Dliê Ya có 17 thành viên từ 18-65 tuổi, tự tập luyện và sinh hoạt đều đặn vào tối thứ 3 và thứ 7 hằng tuần. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã tham gia biểu diễn tại nhiều hội thi và lễ hội, thường xuyên sưu tầm, tìm kiếm các điệu hát then cổ của dân tộc.
Từng tham gia một lớp học nhạc ở thành phố Buôn Ma Thuột, có kiến thức về âm nhạc dân tộc nên anh Tân đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy cách đánh đàn tính, hát then cho các thành viên trong CLB. Hiện tại anh Tân đang là Phó Bí thư Đoàn xã kiêm Chủ nhiệm CLB hát then. Ngoài ra, anh còn có năng khiếu chế tác đàn tính, anh chia sẻ: “Làm đàn tính không khó, với cấu tạo gồm cần đàn, bầu đàn, mặt đàn, thủ đàn và dây đàn. Quan trọng nhất là âm thanh đàn hay dở tùy thuộc vào số lỗ, và khoảng cách giữa các lỗ được đục trên quả bầu một cách chính xác. Thông thường, để làm một cây đàn hoàn chỉnh, mất gần 3 ngày. Quả bầu dùng làm đàn phải già và có đường kính từ 40-60 cm, phơi khô ngâm vào nước vôi sau đó cất vài tháng. Cần đàn có chiều dài khoảng 110 cm bằng gỗ dổi khô và thẳng. Khi đẽo thủ đàn hình lưỡi liềm hoặc con chim phải hết sức cẩn thận, tỉ mỉ, mặt đàn làm bằng một tấm ván gỗ gạo mỏng và 3 sợi cước làm dây đàn.
Năm 2012, anh bắt đầu chế tác những cây đàn tính đầu tiên, đến nay anh đã làm được gần 40 cây đàn. Trước đây, anh dùng gỗ cây gạo để làm bầu đàn. Hai năm trở lại đây, anh tự mình trồng giống bầu nậm quả tròn để giảm bớt chi phí mua nguyên vật liệu. Đàn của anh được nhiều người dân trong huyện và các huyện khác như Ea H’leo, Krông Pắk đặt mua.