Người lau phố

TP - Khi người ta tỉnh dậy, lao đi làm trên những con đường triều đã rút, ít ai biết suốt đêm hôm trước những nữ công nhân vớt rác đã tả xung hữu đột dọn dẹp những con đường ngập ngụa.
Đẩy xe rác giữa đường Huỳnh Tấn Phát, TPHCM

> "Nhảy dù" vào giảng đường dân lập

Đẩy xe rác giữa đường Huỳnh Tấn Phát, TPHCM.

Như loài cá theo thủy triều

Đêm 11 - 11, tôi đi xe máy vượt qua biển nước trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TPHCM, bỗng thấy hai người phụ nữ đang ra sức đẩy một xe rác. Nước triều ngập bánh xe sắt.

Hai người đàn bà trung niên, một người đã hơn 50 tuổi, đánh vật với chiếc xe trong dòng nước triều dâng từ các miệng cống, mùi hôi thối rợn người. Trên trời mưa dội xuống, dưới cống nước dâng lên. Tôi không hiểu hai chị em nhà kia đang làm gì giữa biển nước.

Hóa ra, họ vẫn kiên nhẫn len lỏi giữa những chiếc xe ầm ầm phóng qua sóng nước tung tóe, cố lượm những mảnh rác trôi dạt.

Người chị tên Gái 53 tuổi, làm việc 33 năm trong ngành vệ sinh gào lên với cô em ruột tên Hạnh (42 tuổi): "Không đẩy được! Thôi, bỏ xe đó, đi vớt rồi gom lại, triều xuống đẩy xe đi thu!". Họ kéo chiếc bao bì xi măng, vớt đủ thứ rác rưởi trôi lượn lờ trong làn nước đen ngòm, hôi nặc.

Chân hai người ngâm trong nước, có khi ngập hết đùi. Hạnh nói: "Đi ủng nước vô nặng lắm, chỉ đi dép thôi". Chồng chị ốm đau, công việc phập phù, chị phải làm việc năng nổ để nuôi con. Hai chị em Hạnh vô ca từ 9 giờ tối, làm tới 2-3 giờ sáng. Hạnh nói: "Chờ khi nào mới hết ngập? Phải lo đi làm. Không lẽ bỏ đường".

Chị Gái nói: "Rác hộ, rác bịch, các công ty tư nhân họ lấy. Cty nhà nước dọn rác đường, rác công. Triều cường thế này, không quét được, phải vớt, hốt". Tuyến đường nhiều xe lớn, xe chở bồn xăng, đánh tung sóng nước, làm vỡ các đống rác mà hộ gia đình để dưới gốc cây. Vừa dọn xong, mặt nước phong quang, quay lại đã thấy trăm thứ nổi lềnh phềnh! Nếu không thu hết, triều rút đi, con đường sẽ trở thành bến rác.

Rời đường Huỳnh Tấn Phát, tôi rẽ vào đường Gò Ô Môi. Chị Nguyễn Thị Thành Dân, sinh năm 1965, chưa lập gia đình, đẩy chiếc xe bánh sắt loay hoay trong làn nước. Chị than: "Xe cộ nhiều quá, phá hư hết đường. Ổ gà ổ voi nhiều quá". Chị không chỉ dọn rác mà còn phải lượm đá trên mặt đường. Dân nói: "Đẩy cả xe đá đây, nặng chịu hết nổi!".

Chị Dân quay lưng lại để làm, mặc kệ xe chạy ra sao. Trên con đường Gò Ô Môi này cách đây vài năm, xe chở bồn xăng đã lạng vào lề, húc tan một quán cà phê, một cháu bé tử vong dân tình kinh loạn.

Xuôi đường Huỳnh Tấn Phát chừng cây số, rẽ vào đường Phạm Hữu Lầu. Chị Tuyết Mai sinh năm 1972 có hai đứa con, chồng làm thợ hàn. Mẹ già nghỉ hưu, chị vào thế chỗ mẹ. Mai nói, trong đêm tối không biết đâu là mồ hôi đâu là nước mưa. Đoạn đường hơn cây số, toàn cây lớn. Mỗi đêm hốt 7-8 xe lá. Làm đến bốn giờ sáng chưa xong. Mưa, lá ướt, quét không đi.

Nước hố ga xì lên. Chị Mai phải túc trực nơi các hố ga, khơi thông cho nước rút sớm để dọn kịp trước khi trời sáng. Mỗi hố ga vớt đến vài kilôgam lá xà cừ.

Chiếc đèn bão là bạn trong đêm. Ảnh: T.N.A.

Chỉ thiếu khóc

Chị Mai đã mấy lần lên phường phản ánh việc người ta xây dựng đổ cát ra lung tung, đêm đêm phải hót. Chợ tạm mở lề đường, dọn xong đâu đấy, lại vứt bừa ra. Đêm đánh vật với lá cây, cỏ dại, cát. Ngày không được nghỉ, chiều chạy ra dọn rác chợ.

Chị Loan, làm cùng tuyến với Mai, nói: "Chúng tôi chỉ thiếu khóc ở trên phường, nhưng rồi hôm sau cát, rác vẫn đầy ra".

Chị Mai kể: "Bịt khẩu trang thì ngộp thở, nhưng phải cố đeo. Đeo rồi mà về nhà tháo ra lỗ mũi vẫn đen thùi lùi". Tôi thấy đầu chị quấn bao ni lông trắng lốp. Chị giải thích: "Không quấn vậy, nước mưa vô, nhức đầu lắm".

Chị Dân kể: "Lúc vô nhận đường Gò Ô Môi, kim chích dữ lắm, em nhìn sợ, òa lên khóc". Bây giờ làm việc 10 năm, kinh nghiệm nhiều. Góc nào lắm kim tiêm phải đi ủng để dọn. Nhưng chị cũng không dám chắc, vì triều lên, xe đánh sóng to, kim chích trôi vung vãi.

Những nữ công nhân này là của Công ty Dịch vụ công ích quận 7, TPHCM. Họ thuộc tổ 6.

Tổ 6 có mười bốn người, nhưng chỉ hai nam giới. Tổ phải lo dọn đường từ cầu Phú Mỹ, câu cầu lớn và đẹp nhất TPHCM, về đến sông Nhà Bè, nơi đi vào ca dao: Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.

Chị em lo đùm bọc nhau, chị Gái nói: "Buổi tối nhiều phần tử không tốt mò ra đường. Chúng tôi đi đâu cũng phải chị em theo nhau, người vớt rác, người đẩy xe. Đi một người không an toàn".

Chị Hạnh nói: "Ngứa không chịu nổi. Mua thuốc bôi hoài". Chị Loan kêu nhức, đi không nổi, lại lên bệnh viện xoành xoạch. Mọi người trưng ra chiếc xe rác. Họ nhận xe đến tháng 12 tới là tròn ba năm. Xe mục, sắt đá cũng hóa thành bùn. Khung xe phải thay, đem mấy thanh sắt khác hàn vào. Chị Loan kể: "Một tháng công ty cấp 50.000 đồng sửa xe, nhưng mỗi lần sửa mất mấy trăm bạc". Cái nắp đậy xe rác đã hư, họ phải buộc nó bằng dây thép. Xe không nắp, bị công ty phạt. Mấy lần các chị xin đổi xe, nhưng trên bảo phải đủ ba năm mới cấp xe khác.

Không ước mơ gì, chỉ mong...?

Mồ hôi trên trán chị Hạnh.
 

Người Sài Gòn sống trong văn hoa sông nước, thích nuôi cá cảnh. Trong trăm loài cá cảnh sặc sỡ, có loài cá sẫm màu, chuyên môn làm nhiệm vụ dọn sạch bể, thu lượm chất thải của các loài cá khác. Người ta gọi chúng là "cá lau bể". Chúng rất âm thầm, nom dáng vẻ hung dữ, nhưng thực tình lại hiền lành và hữu dụng.

12 người đàn bà tổ 6 làm vệ sinh trong vùng triều cường, họ sống chung với nước cống, rác dạt, mà nếu thiếu họ, sáng sáng người ta không thể thấy những con đường sạch sẽ, khi biển nước triều đen ngòm vừa mới rút đi.

12 người đàn bà tổ 6 làm vệ sinh trong vùng triều cường, họ sống chung với nước cống, rác dạt, mà nếu thiếu họ, sáng sáng người ta không thể thấy những con đường sạch sẽ, khi biển nước triều đen ngòm vừa mới rút đi.

Chị Gái nói: "Chúng tôi kiên trì bới rác, nhổ cỏ, nhặt đá, quét kỹ đến mức con đường cũng phải rộng ra". Tôi hỏi: "Mưa lớn, triều dâng, mình không làm thì ai biết!" Chị Gái nói: "Hai giờ sáng còn đội thanh tra đi sau lưng, bỏ đường sao được".

Chị Dân đã luống tuổi mà chưa lập gia đình, nhưng hỏi có ước mơ gì không, đáp: "Chỉ mong được làm nghề này đến lúc về hưu, để có tiền nuôi cha mẹ già". Lương tháng hơn năm triệu đồng, chị thấy thu nhập cao hơn đi làm công nhân trong khu chế xuất. Lương cao nhưng việc cũng nhiều hơn, phải lượm thêm đá, nhổ cỏ, hốt cát. Trước kia đường ít và nhỏ, giờ đường dài rộng và nhiều tuyến hơn.

Hôm tôi gặp các chị lăn lộn giữa làn nước, tại trạm Nhà Bè đo được mức triều 1,44m, 1,45m và 1,42m. Thời gian đỉnh triều xuất hiện vào chiều tối và sáng sớm. Tổ 6 phải hứng trọn hai đợt triều cường. Thêm trận mưa chiều 11-11 nữa, lượng mưa 60 mm.

Mười hai người đàn bà tổ 6 không thể mơ ước một ngày nào đó hết triều dâng. Giấc mơ ấy quá lớn với họ. Theo chị Gái, người đã 33 năm làm việc trong vùng triều cường, chị cần một hơi ấm của sự tôn trọng: "Chúng tôi đi quét đường, họ thấy bụi, đem nước ra tạt ướt hết".

"Vì chén cơm em ráng em làm- chị Mai nói - Đêm xin nước rưới lên đỡ bụi, mấy quán ăn họ không cho. Chửi lên đầu, mình vẫn phải quét, dù bụi mù mịt". Chị Mai cười: "Quét bụi một chút, người ta đã la ầm ĩ ! Còn chúng em chui trong bụi cả đời, thì sao?".

Chị Gái sắp về hưu. Nhưng không suy nghĩ gì khi đêm đêm quét dọn trước những tòa biệt thự mặt đường giá hàng triệu đô đẹp như trong phim. "Mình đâu có ăn cắp ăn trộm của ai", chị Gái nói - Nhiệm vụ của mình quét đường, mình làm, đúng thì thôi".

Nhưng chị rất buồn trước cử chỉ của không ít người nông nổi. "Mình đẩy xe qua, xe sạch sẽ không chút rác nào mà họ còn cố tình bịt mũi. Thà rằng trong xe có rác!". Chị Gái buồn bã cặm cụi trên con đường lầy lội, khuôn mặt đẫm mồ hôi, nói: "Họ khi dễ chúng tôi như vậy đó".

11- 2011

Theo Báo giấy