'Người làm báo phải nghiêm túc, chuẩn mực trên mạng xã hội'

TPO - Trong dự thảo Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam sửa đổi, bổ sung có quy định người làm báo không được lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi, phải nghiêm túc, chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

Sáng 16/11, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Theo ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Ban soạn thảo đã cân nhắc, chắt lọc và đưa ra dự thảo gồm 9 điều. Cụ thể, trong 9 điều này, có một số nội dung mới, đặc biệt là việc yêu cầu người làm báo nghiêm túc, chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

Góp ý về vấn đề này, nhà báo lão thành Hồng Vinh cho rằng, thời điểm bây giờ mạng xã hội đóng vai trò quan trọng, nhưng nếu viết như thế sẽ sa đà vào một lĩnh vực cụ thể. “Không phải chỉ nghiêm túc và chuẩn mực trên mạng xã hội, mà phải là nghiêm túc, chuẩn mực trong thao tác nghề nghiệp, trong hành nghề”, ông Vinh nói.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam cho rằng, người làm báo phải nghiêm túc, chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác. Ảnh minh họa

Ông Vũ Đình Thường, Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản (Ban Tuyên giáo T.Ư) cho rằng rất đồng tình với việc đưa vấn đề nghiêm túc, chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội vì vấn đề mạng xã hội đang là thực tiễn nhức nhối. 

“Thực ra, báo chí là một bộ phận của truyền thông, mạng xã hội là nét mới của hệ thống truyền thông, cho nên trong Quy định về đạo đức người làm báo cũng phải có cách tính toán làm sao đề cập chuyện ứng xử của nhà báo. Một mặt là người làm báo với tư cách là một cán bộ chính trị, nhưng mặt khác khi tham gia các mạng xã hội, là công dân mạng thì phải có cách xử lý hài hòa. Tôi nghĩ phải tính làm sao để đưa vào cho hợp lý. Nhà báo khi tham gia mạng xã hội thì phải có trách nhiệm vì đây là trách nhiệm xã hội và cũng là trách nhiệm công dân, nên tìm cách diễn đạt phù hợp”, ông Thường nói.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục phát thanh truyền hình (Bộ Thông tin và Truyền thông), việc quy định người làm báo phải chuẩn mực, nghiêm túc trên mạng xã hội là một sáng tạo. “Tôi rất hoan nghênh, tán thành việc này. Ngày nay, không gian biểu đạt ý kiến của nhà báo và công dân lớn hơn trang báo rất nhiều. Tác động của nhà báo trên các diễn đàn có những tác động tích cực hoặc tiêu cực. Thậm chí nhiều người nghĩ đến chuyện hành nghề luôn trên không gian mạng xã hội. Rất nhiều nhà báo lên viết trên đó xong tự nhiên có người đến trả tiền và kiếm được nhiều tiền hơn nhuận bút của báo”, ông Lâm nói.

Ông Lâm cho rằng, việc đưa ra quy định này là cần thiết để hỗ trợ tòa soạn kiểm soát hành vi của nhà báo. “Chúng tôi đề xuất diễn đạt rõ điều này. Đầu tiên là bổ sung thêm quy định người làm báo phải thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, vì trong cơ quan báo chí có nội quy nhà báo phải chấp hành, quy định không được có quan điểm trái với quan điểm của tòa soạn. Hiện nay rất nhiều nhà báo viết trạng thái, bình luận trên mạng xã hội hoàn toàn trái quan điểm của tòa soạn, tạo hiệu ứng tiêu cực. Hiện nay vi phạm rất nhiều”, ông Lâm nói.

Cũng theo ông Lâm, cách diễn đạt về điều này nên là “tuân thủ nghiêm túc các giới hạn và nghĩa vụ nghề nghiệp khi cung cấp, chia sẻ thông tin và thể hiện quan điểm trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác”. 

"Tôi nghĩ rằng, đối với nhà báo thì cần tuân thủ nghiêm túc các giới hạn và nghĩa vụ nghề nghiệp. Giới hạn có nghĩa là anh không thể nói trái với quan điểm của tòa soạn. Trên mạng xã hội anh không chỉ là công dân mà còn mang danh nhà báo. Khi anh tác nghiệp như một nhà báo thì anh không thể có 2 nhân cách, 2 quan điểm trái với nhau. Anh lên diễn đàn nói khác thì có thể ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của tờ báo, của cá nhân thì cơ quan báo chí, tòa soạn có thể điều chỉnh hành vi này”, ông Lâm đề xuất.

Góp ý thêm, đại tá Nguyễn Hồng Hải, Liên chi hội báo Quân đội nhân dân cho rằng, nên có quy định nhà báo phải nhất ngôn. “Anh phát biểu, anh viết hay nói về bất kỳ vấn đề gì, ở bất kỳ một phương tiện truyền tải gì, trong nước hay nước ngoài thì đều phải nhất ngôn”, ông Hải nói. 

Theo ông Hải, từ “nhất ngôn” sẽ thay thế được từ mạng xã hội. “Hôm nay có thể mạng xã hội thịnh hành, biết đâu 10 năm nữa không còn mạng xã hội nữa mà là mạng khác, kênh thông tin khác. Không nên cụ thể hóa đến mức ghi là mạng xã hội mà nên quy định là nhà báo phải nhất ngôn. Hiện nay có nhà báo viết tin cho báo của mình thì khác mà viết cho BBC thì lại khác. Chúng ta nói nguyên tắc nhất ngôn của nhà báo thì sẽ bảo đảm được tất cả mà không cần phải để ý đến sự phát triển của khoa học công nghệ", ông Hải cho biết.

Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam

(Dự thảo sửa đổi, bổ sung)

  1. 1, Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hết lòng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

  2. 2, Chấp hành nghiêm Luật Báo chí và các quy định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí.

  3. 3, Hành nghề trung thực, khách quan, công bằng và cân bằng. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không bóp méo, làm sai lệch, xuyên tạc sự thật.

  4. 4, Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích chính đáng của tập thể và công dân.

  5. 5, Không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi. Nghiêm túc, chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.

  6. 6, Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin.

  7. 7, Tôn trọng bản quyền. Đoàn kết, tương trợ đồng nghiệp.

  8. 8, Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, phấn đấu vì một nền báo chí đạo đức, chuyên nghiệp và hiện đại.

  9. 9, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới.