Ngày 7/4 (mùng 3/3 âm lịch) là dịp Tết Hàn thực của nhiều người dân một số tỉnh Trung Quốc, cộng đồng người gốc Hoa trên thế giới và miền Bắc Việt Nam. Trong ngày Tết Hàn thực, người dân Hà Nội có tục cúng gia tiên bằng bánh trôi, bánh chay.
Người dân Hà Nội xếp hàng mua bánh trôi, bánh chay sáng 7/4.
Từ sớm chị Hương ở chợ Bắc Qua (Hà Nội) đã chuẩn bị sẵn bột và nhân làm bánh trôi, bánh chay để bán cho khách.
Theo truyền thống, để có loại bột ngon nhất, người thợ làm bánh thường ngâm gạo nếp cho nở, xóc với ít muối rồi đem đi xay mịn, đảm bảo mềm dẻo, dễ nặn, luộc không bị nứt. Bánh trôi nặn viên nhỏ, nhân phía trong là đường đỏ. Bánh chay nặn tròn dẹt, trong có nhân đỗ. Muốn nhân đậu xanh trong những chiếc bánh thơm bùi hơn, người thợ sẽ chọn loại đỗ tiêu, hạt nhỏ.
Bánh được làm tại chỗ, khi người mua có nhu cầu thì chị Hương nặn bột làm thêm.
Người thợ thả bánh trôi trong nồi nước sôi, luộc đến khi bánh từ từ nổi lên rồi dùng đũa khuấy nước nhẹ nhàng để bánh được chín đều; sau khi bánh nổi lên để thêm 30 giây nữa là bánh chín.
Theo lời kể trong dân gian, việc làm bánh trôi, chay gợi đến tích “bọc trăm trứng” của Âu Cơ. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.
Các cửa hàng ngày thường bán xôi, giò, bánh chưng ở chợ Hôm, hôm nay cũng bán thêm bánh trôi, bánh chay. Giá bánh năm nay cao hơn năm ngoái, ở mức 15.000 đồng một đĩa bánh trôi; 12.000-15.000 đồng một bát bánh chay, tùy theo số lượng bánh.
Một người dân Hà Nội thành kính trước bàn thờ gia tiên với mâm bánh trôi, bánh chay.