Người Hà Nội sống trong giá rét

Cuộc sống của nhiều người dân Hà Nội mấy ngày qua đảo lộn vì giá rét; trong khi không ít dịch vụ lại hốt bạc.

 >> Nhiều người nhập viện vì tăng huyết áp

Hà Nội rét 10 độ C . Ảnh: Ngọc Thắng

Đối với những người lao động bình thường, trời rét đậm, nhiệt độ xuống thấp đột ngột cũng đồng nghĩa với việc cuộc sống bị quay 180 độ.

Chị Nguyễn Thị Tuyết ở Nam Sách (Hải Dương), bán ngô trên cầu Long Biên, cho hay từ hai hôm nay hôm nào đi bán hàng cũng phải mặc cả chục cân áo trên người. “Nào áo len, áo nỉ, lại áo khoác, áo mưa, rồi thì mũ len, găng tay, ủng... mà vẫn run lên vì rét”, chị Tuyết nhăn nhó nói.

Trên nhiều tuyến phố xuất hiện những hình ảnh thường thấy ở vùng cao: một vài người quây cụm, ngồi tụm lại quanh đống lửa đỏ rực. Đây là cách chống rét phổ biến của những người lao động, người bán hàng nước, người làm nghề xe ôm và lao động tự do...

Nhiều học sinh nghỉ học

Thời tiết giá rét tác động rõ nhất lên người già và trẻ nhỏ. Nhiều phụ huynh khi thấy nhiệt độ xuống thấp đã chủ động cho con nghỉ học. Nhưng việc trẻ, nhất là trẻ mẫu giáo, nghỉ học là bài toán khó với những gia đình không có người trông trẻ, khi đó hoặc vợ hoặc chồng phải xin nghỉ việc để trông con.

Tại Lạng Sơn, lãnh đạo Sở GD-ĐT cho biết trong ba ngày vừa qua, Phòng GD-ĐT của các huyện có nhiệt độ xuống tới 4 độ C như Mẫu Sơn, Cao Lộc, Lộc Bình đã chủ động cho HS bậc mầm non và tiểu học được nghỉ. Trong khi đó, Sở GD-ĐT Lào Cai lại chú trọng đến việc giữ ấm cho HS ở trường hơn là giải pháp cho HS nghỉ học. Ông Đặng Văn Bình, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh này lý giải: “Thực tế thì ở các huyện vùng cao, nhà ở của người dân còn rất tạm bợ nên không đủ ấm bằng các phòng học kiên cố ở trường. Vì thế, việc cho các cháu đi học và tổ chức bán trú tại trường lại là giải pháp tốt hơn cả để chống rét”.

Tại trường Mầm non Thực hành Linh Đàm (Q.Hoàng Mai), theo bà Trương Thị Mỹ Dung, Hiệu trưởng, ngày hôm qua cả trường có gần 300 trong tổng số hơn 800 học sinh (HS) nghỉ học vì trời rét đậm.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Sở GD-ĐT thống nhất với Đài truyền hình Hà Nội về việc thông báo nhiệt độ ngoài trời khu vực Hà Nội trong những ngày trời rét đậm, rét hại. Phụ huynh HS cần theo dõi thông tin này ở bản tin dự báo thời tiết vào khoảng 6 giờ 30 phút hằng ngày.

Căn cứ vào đó, Phòng GD-ĐT và các trường được phép quyết định cho HS nghỉ học. Cụ thể, HS mầm non, tiểu học nghỉ học khi nhiệt độ trong ngày từ 10 độ C trở xuống; HS THCS nghỉ học khi nhiệt độ trong ngày từ 7 độ C trở xuống.

Bệnh viện quá tải

Sáng 6.1, trong vòng chưa đến một giờ có mặt tại khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Bạch Mai, chúng tôi chứng kiến có đến 4 ca cấp cứu được chuyển đến. Chị Hằng, người nhà một bệnh nhân cho biết, bố chị phải nhập viện vì khó thở do bệnh phế quản mạn tính.

Theo TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu BV Bạch Mai, trời rét khiến bệnh hô hấp, bệnh mạn tính (viêm phế quản, hen phế quản, đặc biệt là bệnh nhân tim mạch, tăng huyết áp...) tăng cao. Đáng lưu ý, số bệnh nhân nhập viện do tai biến mạch máu não tăng rõ rệt, gấp khoảng 2 lần so với những ngày ấm, điều kiện thời tiết ít biến động.

Còn TS-BS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết những ngày gần đây, mỗi đêm khoa tiếp nhận 40-50 bệnh nhi vào cấp cứu. Các bệnh nhi nhập viện chủ yếu do bệnh viêm đường hô hấp: viêm phế quản, viêm tiểu phế quản và đặc biệt là viêm phổi, viêm mũi họng.

"Chúng tôi vừa đưa vào sử dụng các xe vận chuyển thức ăn có sưởi để đảm bảo bệnh nhân được sử dụng đồ ăn nóng", ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc BV Bạch Mai cho biết về giải pháp đối phó giá rét. Ngay cả khu nhà trọ cho người nhà bệnh nhân nghèo với mức phí 15.000 đồng/ngày, chăn, đệm cũng đã được bổ sung đủ nhu cầu...

Hốt bạc vì giá rét

Trong khi người dân đang khổ sở vì rét đậm kéo dài, thì nhiều dịch vụ phục vụ nhu cầu chống rét được dịp hốt bạc. Mấy ngày này, tại hầu hết các tuyến phố ở Hà Nội, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đổ xô sắm quần áo ấm.

Trong mùa rét năm nay, những loại áo ấm bán ở vỉa hè đang khá hút khách vì mức giá bán ra rẻ và chất lượng cũng khá. Tại các hàng quần áo rét đổ đống vỉa hè trên phố Cầu Giấy, Chùa Bộc, Khuất Duy Tiến..., giá áo phao ấm chỉ từ 150.000 - 250.000 đồng/chiếc.

Ngoài áo ấm, chăn đệm cũng là một trong những mặt hàng hút khách trong những ngày rét đậm. Tại các cửa hàng bán chăn, đệm trên phố Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, hàng loạt các loại chăn, đệm đang được treo biển khuyến mãi, giảm giá.

Khu Hàng Ngang, Hàng Đào, những cửa hàng bán khăn, mũ và găng tay len cũng tấp nập khách mua. Giá mặt hàng này cũng đã bị đẩy cao hơn so với thời điểm cách đây 1 tháng. Một đôi găng tay len kiểu có dây quàng qua cổ trước giá chỉ 45.000 đồng thì nay bị đẩy lên 55.000 đồng, găng tay da, dạ và các loại mũ len giá đều tăng thêm 10-15% so với trước.

Theo Liên Châu - Trần Đan - Tuệ Nguyễn
Thanh Niên

Miền Bắc còn nhiều ngày giá rét

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn cho biết chiều qua 6.1, không khí lạnh đã lan tới trung Trung Bộ, gây mưa vừa, trời chuyển lạnh. 2 - 3 ngày tới, các tỉnh miền Bắc trời rét đậm, rét hại, cần đề phòng băng giá và sương muối xuất hiện ở vùng núi cao. Nhiệt độ ở phía đông Bắc Bộ xuống rất thấp, trong đó Hà Nội và các tỉnh lân cận phổ biến từ 8 - 13 độ C, vùng núi cao từ 5 - 9 độ C.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, khoảng ngày 9 - 10.1 và ngày 12 - 13.1 liên tiếp 2 đợt không khí lạnh nữa sẽ tràn xuống nước ta. Do vậy, từ hôm nay 7.1 đến 15.1, các tỉnh miền Bắc sẽ có nhiều ngày rét đậm, rét hại, vùng núi cao tiếp tục có khả năng xuất hiện băng giá, sương muối.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có công điện khẩn yêu cầu UBND các tỉnh Bắc Bộ và bắc Trung Bộ triển khai quyết liệt các biện pháp chống rét cho đàn gia súc.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết Cục đã cử các đoàn kiểm tra công tác phòng chống rét cho đàn gia súc tại các tỉnh. Hiện chưa có hiện tượng trâu bò chết đói, chết rét.

Theo Tổng hợp