Người dân TPHCM ý thức phóng sinh đúng cách để tránh làm chết cá

TPO - Trưa 12/8, lễ Vu Lan báo hiếu, Phật tử nhiều nơi tại TPHCM tham gia thả cá, phóng sinh, cầu bình an. Năm nay, người dân ý thức trong việc bảo vệ cá trước khi thả về tự nhiên, đưa cá nhẹ nhàng xuống dòng nước nên ít thấy cảnh cá bị chết sau khi được phóng sinh.
Sau 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Lễ Vu Lan báo hiếu năm nay có đông người đến chùa cầu nguyện cho người thân và thả phóng sinh cá, chim nhiều hơn.
Ngày Vu Lan báo hiếu hôm nay được trọn vẹn hơn khi các con vật được phóng sinh không bị bắt lại. Những con cá được phóng sinh dưới sông không còn bị chích điện nhiều như vài năm trước.
Một người nước ngoài sinh sống tại TPHCM tham gia lễ phóng sanh.
Anh Đinh Quang Duy (ngụ quận Gò Vấp) cho biết: "Phóng sinh phải nhẹ nhàng, phải dìm xô nước xuống sông để cá từ từ bơi ra. Mình mà đổ nhanh xuống, cá dễ ngửa bụng và chết lắm".
Người dân ý thức việc cá sau phóng sinh phải khoẻ mạnh nên thả rất nhẹ nhàng.
Một chú cá chép vùng vẫy hoà vào dòng nước.
Người dân tập trung trước tượng Mẹ Quán thế âm ở chùa Diệu Pháp để cầu an, cầu siêu trước khi phóng sanh.
Theo quan niệm của người Việt, ngày Rằm tháng 7 là ngày Vu Lan báo hiếu để những người con có dịp nhớ tới cha mẹ, nhắc nhở chúng ta không được quên ơn dưỡng dục sinh thành. Đây là nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, trong ngày Rằm tháng 7 các chùa ở TP Hồ Chí Minh đều có nhiều chương trình đại lễ Vu Lan báo hiếu để người dân bày tỏ lòng thành kính, sự biết ơn với các đấng sinh thành. Mỗi chùa sẽ chọn một ngày để cử hành lễ Vu Lan khác nhau, tùy từng chương trình, Phật tử, người dân có thể đến tham gia.
Phật tử nhí đang chuẩn bị thả một chú rùa.
Một cách phóng sinh không đúng và được những người khác nhắc nhở.
Tại chùa Diệu Pháp (quận Bình Thạnh) cũng có nhiều người dân đến đây cầu nguyện, thả đèn hoa đăng và phóng sinh nhân ngày Lễ Vu Lan báo hiếu. Theo phong tục của người Việt, ngày Vu Lan thường đi kèm với nghi thức phóng sinh. Phóng sinh đã trở thành việc hành thiện phổ biến diễn ra không chỉ Rằm tháng 7 âm lịch, mà còn trong dịp Tết, Lễ cúng ông Táo. Lễ vật phóng sinh có nhiều loài như ốc, cua, cá, lươn, chim… Vì vậy, tại chùa Diệu Pháp, sau khi thắp hương cầu nguyện, nhiều người mang cá, ốc, cua, chim,… ra khu vực bờ sông phóng sinh.
Một sinh linh được tung cánh tự do bay vào bầu trời.
Ghi nhận tại chùa Vĩnh Nghiêm (Quận 3) năm nay nhà chùa có làm đại lễ trai đàn chẩn tế - kỳ siêu bạt độ chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn; y bác sĩ, chiến sĩ, đồng bào tử nạn trong đại dịch COVID; nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông; các trẻ em bất hạnh, thai nhi sản nạn và chư vị hương linh cửu huyền thất tổ bách gia bách tộc; tụng kinh dâng hương hoa Vu Lan báo hiếu… Vì vậy, đây cũng là ngôi chùa có đông người dân đến thắp hương, cầu nguyện và thả chim phóng sinh nhiều tại TPHCM.
Sau 2 năm bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Lễ Vu Lan báo hiếu năm nay có đông người đến chùa hơn. Trong đó có nhiều bậc cha mẹ dẫn con đến chùa, cài hoa trên áo để dâng hương, răn dạy con dù cuộc sống có thay đổi và hiện đại thế nào đi nữa thì chữ “Hiếu” vẫn luôn vẹn nguyên ý nghĩa.
Rằm tháng bảy, người dân đến chùa cầu mong nhiều sự tốt lành.

Chùa Vĩnh Nghiêm khá đông Phật tử vào giữa trưa.

Một Phật tử đến đây thỉnh một tiếng chuông cầu an cho gia đình. Trong ngày rằm, ai cũng mong dâng hương hoa cúng Phật, cầu mong bình an cho người sống và siêu thoát cho người đã khuất.

Chùa Phổ Quang treo bảng thông báo về việc đốt nhang tiết kiệm và an toàn.
Nhiều Phật tử chọn dâng hoa dưới cội tha la.
Bên trong khuôn viên Việt Nam Quốc Tự.
Phía trước Việt Nam Quốc Tự, nhiều Phật tử đến vào các khung giờ khác nhau nên không có cảnh chen chúc.
Việt Nam Quốc Tự bình yên sáng ngày rằm tháng bảy.
Một góc an lạc, bình yên của ngôi chùa nổi tiếng ở quận 10.
Chùa Xá Lợi (quận 3) sáng Rằm tháng bảy.