Được biết khi “xé rào” thực hiện tích tụ đất đai, trong nội bộ tỉnh cũng “mặt nặng mày nhẹ với nhau”. Vậy tỉnh đã làm thế nào để tạo ra được một sự đồng thuận trong nội bộ?
Khi bàn về vấn đề này, nội bộ lãnh đạo tỉnh cũng có nhiều băn khoăn, bởi tính pháp lý chưa có. Nhưng nếu không thực hiện thì ruộng đồng vẫn manh mún, nhỏ lẻ, bỏ hoang, đời sống của người nông dân vẫn khốn khó. Tinh thần của tỉnh là mạnh dạn thí điểm thực hiện. Việc này không gây tổn hại đến ai, thậm chí còn đem lại lợi ích tốt hơn cho người nông dân thì có cớ gì mà không thực hiện. Tại các cuộc họp tôi cũng nói thẳng với các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy là, khi thông qua Nghị quyết, chủ trương thí điểm này, tôi là người đứng đầu, có vấn đề gì tôi chịu trách nhiệm, chứ không đổ cho bất cứ ai. Nếu chúng ta né tránh, ngại va đập, ngại đổi mới thì có khi chẳng chết ai nhưng sẽ là rào cản, kéo lùi sự phát triển. Cuối cùng sau rất nhiều cuộc thảo luận việc thí điểm mới được đồng thuận thông qua.
Tuy nhiên khi thông qua, cũng có Bộ trưởng nói với tôi là, sao ông liều thế, ông muốn làm ông Kim Ngọc thứ 2 hay sao? Tôi giải thích rằng, thực tế quy định chưa có nhưng chúng ta phải chứng minh bằng thực tiễn mới cho ra kết quả. Hơn nữa, tỉnh làm điều này, không phải mang lợi ích về cho ông A, ông B mà mang về cho người dân thì cần mạnh dạn thực hiện. Nếu không thực hiện thì làm sao tạo ra sự phát triển được.
Nhưng với người nông dân thì sao, khi cái mà mọi người luôn lo ngại là, tích tụ ruộng đất rồi sẽ mất đất?
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.
Không chỉ tôi mà rất nhiều lãnh đạo tỉnh, các cơ quan của tỉnh phải rất nhiều lần xuống trực tiếp thảo luận với người dân. Khi thảo luận cũng có người nói thẳng với tôi rằng: Ông là người đứng đầu tỉnh, ông xuống đây làm nghèo chúng tôi. Tại sao đất này gắn bó với tôi bao năm, nuôi sống bao thành viên trong gia đình, con cái ăn học, trưởng thành, nay lấy đất đi thì sau này chúng tôi biết sống bằng gì? Có người thì thẳng thắn tuyên bố, vẫn có nguyện vọng được canh tác trên mảnh đất của mình…
Tất cả những vấn đề nhân dân đặt ra đều được chúng tôi thảo luận, trả lời một cách công khai, minh bạch, rõ ràng. Tức là quyền sở hữu đất của người dân vẫn được đảm bảo, chính quyền chỉ thuê lại. Người dân có đất cho thuê sẽ được trả mức phí cao hơn so với trực tiếp lao động; đồng thời, nếu đủ điều kiện sẽ được doanh nghiệp tuyển dụng, làm việc với thu nhập 4- 6 triệu đồng/ tháng.
Để tăng niềm tin, chúng tôi còn tổ chức cho người dân đi tham quan những mô hình tích tụ ruộng đất, sản xuất công nghệ cao đã được thực hiện. Tổ chức cho họ gặp gỡ, trao đổi với những người đã tham gia tích tụ ruộng đất. Từ đó họ nhận thức và hiểu đúng đắn hơn về quyền lợi của mình. Nhiều gia đình từ chỗ không đồng ý đã chuyển sang đồng ý. Đến bây giờ thì thì người dân đồng thuận rất nhiều, cho thuê bao nhiêu đất dân cũng thông ngay.
Từ thực tiễn kinh nghiệm đã trải qua, nay ở vị trí mới, ông có thấy rằng đã đến lúc cần phải sửa đổi các quy định của pháp luật về đất đai để “mở đường” cho việc tích tụ ruộng đất?
GS Đặng Hùng Võ
Tôi nghĩ rằng, đến thời điểm này chúng ta cần phải tổng kết thực tiễn, tổng kết lý luận để sửa đổi các quy định về đất đai cho phù hợp. Hiện Thủ tướng đã giao cho Bộ TN&MT chủ trì nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai theo hướng mở rộng hạn điền, cũng như các quy định về tích tụ ruộng đất, cho thuê đất. Có sửa đổi các quy định mới đảm bảo pháp lý đầy đủ hơn để người dân, doanh nghiệp và chính quyền an tâm hơn trong việc đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Nếu không sửa đổi thì doanh nghiệp vẫn sẽ lo lắng, băn khoăn về câu chuyện pháp lý, dẫn đến chưa mạnh dạn đầu tư, dù nhìn thấy lợi ích.
Đến lúc “mở đường” để nông nghiệp làm ăn lớn
Việc một số địa phương dám “xé rào” để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp cao là đáng khen ngợi. Bởi phải có những đơn vị mạnh dạn đi đầu mới chứng minh được tính hiệu quả của mô hình sản xuất mới - đó cũng là cơ sở để Nhà nước mạnh dạn giao cho các Bộ, ngành liên quan xem xét điều chỉnh. Cũng giống như việc Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc từng mạnh dạn khoán “chui”, để rồi tạo ra “đòn bẩy” sau Đại hội VI - 1986.
Tuy nhiên, việc các địa phương “xé rào” chỉ là giải pháp tạm thời trong tình thế rào cản chưa được dỡ bỏ. Muốn phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững theo hướng hiện đại thì Nhà nước phải sớm xem xét điều chỉnh Luật Đất đai, tạo bước đột phá trong nông nghiệp. Đây là thời điểm rất thuận lợi để Nhà nước và các Bộ, ngành xem xét nghiêm túc việc xóa bỏ hạn điền, thời hạn giao đất và các vấn đề có liên quan cho phù hợp với nhu cầu phát triển.
Nhà nước cần giao cho Bộ NN&PTNN xem xét lại quy hoạch sử dụng đất theo hướng giảm diện tích đất trồng lúa để chuyển sang hình thức sử dụng khác đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân. Những diện tích còn lại ta cần lập quy hoạch, xây dựng những vùng chuyên canh rau, củ, quả đặc sản như một số mô hình đã triển khai tại Lâm Đồng và các tỉnh ĐBSCL.
Đến thời điểm này, sứ mệnh lịch sử giao khoán đất về hộ gia đình đã hoàn thành. Kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam giờ đây cần một động lực mới để phát triển theo kịp trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại. Kinh tế nông nghiệp sẽ không thể phát triển theo quy mô lớn và hiện đại nếu những rào cản hạn điền và thời gian đầu tư không được dỡ bỏ kịp thời.
GS Đặng Hùng Võ