Tổng Bí thư căn dặn: Sách là văn bia để đời
Không chỉ là nhà lãnh đạo kiên trung, mẫu mực Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là nhà báo, tác giả nhiều cuốn sách có giá trị thực tiễn về mọi mặt như văn hóa, đối ngoại, quân sự...
Bà Phạm Thị Thinh - Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Chính trị quốc gia Sự thật - may mắn được biên tập sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ năm 2004. Niềm vinh dự đó cũng là cơ hội để bà học hỏi ở Tổng Bí thư cách làm báo, viết sách.
Lần đầu tham gia biên tập một cuốn sách của Tổng Bí thư, bà Phạm Thị Thinh vẫn là một biên tập viên trẻ, Tổng Bí thư khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Từ đó đến nay, bà Thinh trực tiếp tham gia biên tập hơn 20 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mỗi cuốn sách đều có những đặc thù riêng, yêu cầu riêng, để lại những kỷ niệm khó phai giữa tác giả cuốn sách và đội ngũ biên tập.
"Qua mỗi cuốn sách, tôi thường rút ra những kinh nghiệm và nhớ những lời căn dặn của Tổng Bí thư để những cuốn sau làm tốt hơn, trọn vẹn hơn. Biên tập sách của Tổng Bí thư không phải là áp lực, tôi coi đó là vinh dự và trách nhiệm. Tổng Bí thư luôn luôn dặn chúng tôi sách là văn bia để đời, do vậy, mọi thông tin trong sách phải chuẩn xác và phải bảo đảm tính khoa học, tính chính trị, bố cục phải chặt chẽ, rút tít cần ngắn gọn nhưng lại phải chứa đựng được nội dung cần chuyển tải…", bà Phạm Thị Thinh nhớ lời căn dặn.
Bà cho biết học được nhiều kiến thức trong cuốn sách của Tổng Bí thư và cả tư duy làm sách của nhà lãnh đạo mẫu mực. Quá trình biên tập các tác phẩm, bà Phạm Thị Thinh vỡ vạc từ cách thức sửa bài, đặt tiêu đề bài cho tới sự chỉn chu trong công việc, nhạy cảm chính trị trong việc làm sách và viết báo.
Bên cạnh tầm vóc văn hóa, tư duy văn hóa, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là con người văn hóa", Bà Phạm Thị Thinh - Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
Cuốn sách xuất bản gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tác phẩm Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ra mắt vào dịp 21/6. Tác phẩm do Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện trong hơn một năm, từ tháng 3/2023.
Để thực hiện cuốn sách này, đội ngũ biên tập rà soát tổng thể các bài viết, bài phát biểu, bài nói, trả lời phỏng vấn, bài lược ghi, thư, lời kêu gọi… của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa để có cái nhìn tổng thể những chỉ đạo của Tổng Bí thư.
Các bài viết được chọn lọc in đều mang dấu ấn và thể hiện quan điểm, tư tưởng, sự chỉ đạo sâu sắc của Tổng Bí thư trong các hoạt động văn hóa, hội nghị văn hóa, các buổi làm việc với cơ quan, đơn vị trong ngành văn hóa, các buổi gặp gỡ văn nghệ sĩ, trí thức,...
"Qua khảo sát tư liệu, chúng tôi thấy có rất nhiều hình ảnh quý, nói lên rất nhiều điều. Ví dụ trong các chuyến thăm, làm việc với cơ sở, bao giờ Tổng Bí thư cũng dành thời gian gặp gỡ nhân dân, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo.
Hoặc trong cuốn sách có hai bức thư Tổng Bí thư viết tay, gửi thăm thầy, cô giáo cũ khi đã ở cương vị cao nhất...", bà Phạm Thị Thinh kể.
Một bức ảnh mới được công bố trong sách khiến nhân dân cả nước thêm kính trọng những đức tính của nhà lãnh đạo là khoảnh khắc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng gia đình gói bánh chưng tại nhà riêng dịp Tết Nguyên đán năm 2019. Bà Thinh cũng kể thêm, Tết năm nào gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng gói bánh chưng.
"Các tư liệu nói lên rằng bên cạnh tầm văn hóa, tư duy văn hóa, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là con người văn hóa", lãnh đạo NXB Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh.
Kỷ niệm sâu sắc với Tổng Bí thư
Trong quá trình làm sách, bà Phạm Thị Thinh may mắn được gặp Tổng Bí thư nhiều lần, được nhận những lời căn dặn của Tổng Bí thư qua các thư ký, trợ lý. Ngoài những lời dặn về công tác biên tập, bà Phạm Thị Thinh xúc động nhớ lại những cuộc gặp thân tình, ấm áp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cán bộ NXB.
"Công việc biên tập của tôi từng gián đoạn một thời gian dài để ưu tiên thực hiện thiên chức của phụ nữ. Tháng 2/2010, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, bác đến thăm và chúc Tết NXB. Thật bất ngờ khi xuống phía dưới hội trường bắt tay từng người, bác vẫn nhận ra tôi và ân cần hỏi thăm chuyện gia đình, con cái.
Cuối năm 2004, khi được phân công biên tập bản thảo sách của bác, tôi vừa lấy chồng, đang mang bầu đứa con đầu lòng, vẫn còn đi thuê nhà. Tôi cảm động vô cùng bởi vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước vẫn quan tâm đến một biên tập viên hết sức bình thường - sau một thời gian không trực tiếp biên tập bản thảo sách của bác", bà Thinh kể.
Tháng 4/2023, khi đang thực hiện bản thảo sách Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới, bà Thinh lại được gặp Tổng Bí thư để báo cáo công việc.
"Trước khi nghe báo cáo, bác chia buồn với gia đình (vì khi đó mẹ chồng tôi mới mất). Vẫn là những lời hỏi thăm ân cần như bao lần khác, gần gũi, thân thương như một người cha căn dặn con gái", bà Phạm Thị Thinh bồi hồi.
Tổng Bí thư là nhà lãnh đạo mẫu mực về lối sống giản dị, thương dân, gần dân… Các cuốn sách của Tổng Bí thư nhiều lần trích những lời dặn dò phải quan tâm đến cuộc sống của nhân dân.
Lời dặn dò của Tổng Bí thư đối với cán bộ Mặt trận Tổ quốc trong cuốn sách Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc: “Cán bộ mặt trận là những người tiếp xúc trực tiếp với nhân dân, cho nên phải trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, "nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”...