Ngừng đêm thơ vì không thiết thực

TP - Nguyên Tiêu 2014, tỉnh Đồng Tháp là địa phương duy nhất ở ĐBSCL không tổ chức đêm thơ. PV Tiền Phong trò chuyện với các vị ở Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Đồng Tháp.

Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Đồng Tháp, nhạc sỹ Phạm Khiêm: Vì chưa chọn được địa điểm thích hợp và cách tổ chức sao cho thiết thực nên ngừng đêm thơ. Những năm trước, chúng tôi thường phối hợp với trường đại học hay địa phương nào đó để huy động người đến dự. Chương trình bày ra cũng công phu nhưng khán giả đến ít, có lần ban đầu thấy hơi đông, về sau bỏ đi đâu hết, chỉ còn loe ngoe mấy người. Tổ chức như thế chủ yếu để đưa lên đài báo chứ không có hiệu quả thiết thực gì cả, hơi lãng phí.

Theo ông, để đêm thơ thiết thực, cần những yếu tố gì?

Theo tôi cần hai yếu tố, thứ nhất là chương trình, thứ hai là người nghe. Chương trình phải tôn vinh được thơ và người làm thơ; còn khán giả phải biết nghe thơ, thưởng thức thơ. Chứ chương trình chỉ hào nhoáng hình thức bên ngoài và khán giả phải mời mới đến thì không hiệu quả.

Trước khi quyết định ngừng tổ chức đêm thơ, Hội có phải báo cáo xin ý kiến của ai không? Sau khi không tổ chức đêm thơ, dư luận thế nào?

Chúng tôi quyết định chứ không hỏi ý kiến của ai cả. Ban chấp hành Hội có 23 người, trong đó 14 người ở cơ quan Hội, chúng tôi bàn bạc dân chủ thấy tổ chức đêm thơ chỉ gây tốn kém nên quyết định ngừng. Cho đến nay, cũng chưa thấy ai phiền trách gì, còn dư luận mà tôi nghe được đều ủng hộ. Tôi thấy, đêm thơ không nên tổ chức thường niên, làm hình thức cho có, mà năm nào chuẩn bị được thiết thực thì mới tổ chức.

Chủ tịch Phân hội Văn học tỉnh Đồng Tháp, nhà văn Nguyễn Hữu Nhân: Mấy năm trước tổ chức đêm thơ chỉ nhà thơ đọc thơ cho khách mời hoặc cho nhau nghe, thậm chí cũng không ai nghe ai, không có giá trị gì. Mỗi lần tốn 60 - 100 triệu đồng, tuỳ theo đơn vị phối hợp. Không đúng ý nghĩa đêm thơ thì càng thấy tốn kém.

Đêm thơ toàn thơ mấy ai nghe

Đêm thơ Nguyên Tiêu 2014 ở TP Cần Thơ giống một đêm tạp kỹ. Trong 13 tiết mục được trình diễn, có ngâm và đọc 6 bài thơ, còn lại 4 tiết mục là ca múa, ca cổ; 3 tiết mục múa thơ, hoạt cảnh thơ, kịch thơ. Nhiều hội viên Hội Nhà văn TP Cần Thơ bày tỏ nỗi buồn. Hội viên Nhật Hồng nói: “Đêm thơ thành đêm nhạc ca múa đầu năm. Bây giờ thi phú lại xuống rồi/Nhường cho ca múa thẳng lên ngôi”.

Chủ tịch Hội Nhà văn TP Cần Thơ, nhà thơ Trúc Linh Lan, giải thích: “Đêm thơ trong chương trình Lễ Hội Xuân Hồng do Sở VHTT&DL tổ chức, Hội Nhà văn được chỉ đạo mời mấy nhà thơ góp thêm tiết mục mà thôi. Nhưng nếu đêm thơ mà toàn thơ thì mấy ai nghe, chắc được dăm bài người ta đã bỏ về hết trơn”.

Thanh Hải