Ngộp thở, chạy đua theo lịch ôn thi tốt nghiệp

Mỗi ngày HS phải có mặt lúc 6h15 phút để làm bài kiểm tra nhanh. Nếu dưới 6 điểm sẽ phải kiểm tra lại lúc 13 giờ; nếu chưa đạt, HS phải ở lại buổi chiều, học ca 3 để được giáo viên hướng dẫn, củng cố.
Học sinh khối 12 tại các nhiều trường THPT ở TPHCM đang "chạy nước rút" ôn thi tốt nghiệp THPT.

Học sinh không mấy lo lắng về kỳ thi tốt nghiệp THPT với nhiều thay đổi được cho là thuận lợi như năm nay. Nhưng các em vẫn phải “chạy đua” theo lịch ôn thi không mấy "dễ thở" xuất phát từ sự lo lắng của nhà trường, giáo viên.

Luyện thi tốt nghiệp cấp tốc

Từ ngày 12 đến ngày 14/5, học sinh (HS) khối 12 của Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM đang bước cuộc “tập duyệt” cho kỳ thi thi tốt nghiệp THPT bằng kỳ thi thử.

Trước đó, một số HS và phụ huynh của trường phản ánh, từ ngày 14/4, các em liên tục “quay” với lịch ôn thi và giờ kiểm tra nhanh kéo dài đến hết ngày 24/5. Theo đó, mỗi ngày HS phải có mặt lúc 6h15 phút mỗi ngày (sớm hơn bình thường 30 phút) để làm bài kiểm tra nhanh. Nếu dưới 6 điểm sẽ phải kiểm tra lại vào lúc 13 giờ cùng. Nếu vẫn chưa đạt, HS phải ở lại buổi chiều, học ca 3 để được giáo viên (GV) hướng dẫn, củng cố.

“Nhiều hôm, chỉ đạt dưới 6 điểm thì trưa bọn em không kịp về nhà, chỉ ăn uống qua loa để đầu giờ làm bài kiểm tra và ôn tập tiếp. Lịch kiểm tra nhanh và ôn luyện như thế này làm cho chúng em mệt mỏi, học đối phó để không bị “cấm túc” ở trường”, một HS lớp 12 của trường cho hay.

Nhiều phụ huynh còn cho rằng đây là ngôi trường áp dụng mô hình tiên tiến nhưng cách ôn thi, luyện thi như trên là còn theo lối mòn và nặng thành tích.

Từ giữa tháng 4, nhiều trường THPT đã bước vào hành trình ôn thi tốt nghiệp cấp tốc cho HS khối 12. Có thể thấy rõ mặt bằng chung, việc ôn thi năm nay không quá “căng” như mọi năm. Nhưng một số trường vẫn còn tình trạng HS vẫn phải ôn thi nhiều ca, bị “cấm túc” dò bài không khác gì các năm trước đó. Việc thi thử cũng được nhiều trường tổ chức để "rà soát" khả năng của HS.

Một HS lớp 12 ở quận Bình Thạnh, TPHCM cho biết, các em liên tục trải qua những bài kiểm tra. Ai chưa đạt thì ôn luyện, thi lại đến khi đạt thì thôi. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cho rất nhiều bài tập về nhà để hoàn thành.

“Năm nay chỉ thi 4 môn, lại được chọn môn thi nên số đông bọn em không mấy lo lắng. Nhưng lịch học, lịch kiểm tra dày đặc của nhà trường lại làm HS căng thẳng”, HS này bảy tỏ.

Nhà trường không thể không lo

Bà Đỗ Thị Bích Duyên, hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho hay kỳ thi năm nay, HS có rất nhiều lợi thế. Chỉ thi 4 môn, các em lại có thể chọn môn thi theo khối thi vào đại học, chưa kể đến việc được tính điểm trung bình lớp 12.

Vì thực tế như vậy nên theo bà Duyên, lịch luyện thi rất thoải mái so với các năm trước. HS chỉ phải ôn vào buổi sáng, không phải học buổi chiều. Việc ôn thi này đồng thời giúp các em ôn thi đại học luôn. Còn đối với những HS còn yếu, chưa vượt được các bài kiểm tra thì nhà trường phải có trách nhiệm củng cố cho các em, xem các em kém chỗ nào thì bổ sung chỗ đó.

“Biết là việc thi cử đã giảm nhẹ nhưng ở góc độ nhà trường, giáo viên thì chúng tôi vẫn rất sốt ruột lắm. Giáo viên làm việc với tinh thần rất cao, lo lắng cho HS mà các em còn kêu ca này nọ thì tôi cũng không hiểu”, bà Duyên nói.

Nhiều trường vẫn phải "cấm túc" dò bài học sinh. (Ảnh minh họa)

Nói về kỳ thi năm nay, thầy Cao Xuân Hùng, hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa, TPHCM cũng cho rằng, việc thi tốt nghiệp năm nay bớt áp lực nhiều. Các em cũng chủ động hơn với việc ôn thi hơn khi được học những môn do mình lựa chọn.

      

Tuy vậy, theo thầy Hùng, nói không căng thẳng là không đúng. Trước một kỳ thi quan trọng, HS, giáo viên vẫn lo lắng với tâm lý không biết kết quả có như ý hay không. HS có thể được giảm tải nhưng GV vẫn phải đảm bảo việc ôn thi hiệu quả bởi chỉ cần một HS còn yếu, nhỡ không đỗ, họ đã tự trách mình rồi thì hỏi không lo sao được.

Đặc biệt, theo lãnh đạo của một số trường, việc giảm áp lực thi cử của kỳ thi tốt nghiệp năm nay thấy rõ. Nhưng giảm thế nào đi nữa cũng chỉ đúng với những HS Khá, Giỏi chứ không thể cào bằng với HS yếu. HS yếu muốn thi đỗ việc phải ôn thi vất vả vào thời điểm này là điều phải chấp nhận.

Việc tổ chức ôn thi, kiểm tra là thiện chí xuất phát từ sự lo lắng của các trường giúp các em ôn luyện nhanh, làm quen với nhiều dạng bài tập nhưng quan trọng là các trường cần có cách ôn thi hiệu quả mà không tạo áp lực nặng nề cho HS và cả giáo viên đúng với tinh thần giảm tải của Bộ GD-ĐT trong kỳ thi này.

Theo hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp của Sở GD-ĐT TPHCM, các trường cần hướng dẫn HS vận dụng, lựa chọn các phương pháp ôn tập phù hợp với nội dung của môn học, kết hợp giữa tự kiểm tra đánh giá của HS với kiểm tra, đánh giá trong nhóm học tập và của giáo viên bộ môn; chú trọng thu nhận thông tin phản hồi về kết quả ôn tập của HS để có sự điều chỉnh hợp lý và kịp thời.

Để không xảy ra tình trạng quá tải, áp lực cho HS; các trường THPT, giáo viên chủ nhiệm cùng giáo viên bộ môn phải thống nhất HS và cha mẹ các em để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe để đạt kết quả cao nhất.

Theo Hoài Nam


Theo Dân Trí