Tục lệ phụ nữ làng Bùi, xã Quảng Giao (huyện Quảng Xương- Thanh Hóa) hút thuốc lào như người ta ăn miếng trầu đã là chuyện không còn xa lạ gì đối với những người dân nơi đây. Ngay cả những người cao niên trong làng cũng không biết từ bao giờ phụ nữ làng Bùi lại có tục hút thuốc lào. Hầu hết phụ nữ hút thuốc lào có độ tuổi từ 40 trở lên.
13-14 tuổi đã biết hút thuốc
Khi hỏi về tục lệ hút thuốc lào, một người dân của làng Bùi cho hay: Chỉ cần buổi sáng đi qua các nhà hàng ăn sáng hay lượn một vòng quanh chợ Bùi là có thể “chiêm ngưỡng” cảnh phụ nữ tụ tập thành từng nhóm hút thuốc lào. Với những người phụ nữ trung niên ở làng này thì hút thuốc lào chính là “mở đầu cho câu chuyện” và cũng là thứ gắn kết những người hàng xóm lại với nhau.
Qủa đúng như người ta nói, về làng Bùi không khó để bắt gặp hình ảnh các chị, các mẹ ngồi hút thuốc lào. Thế nhưng, khi được hỏi về việc phụ nữ hút thuốc lào, dường như ai cũng e ngại. Rồi trong phút trò chuyện thành thật, các chị mới hồ hởi kể về “truyền thống” hút thuốc của phụ nữ làng.
Nhón một ít thuốc lào, vo viên lại rồi châm lửa. Tiếng kéo thuốc đều thể hiện sự điêu luyện của người hút. Từ từ phả làn khói thuốc vào không trung, chị Lê Thị Lài (51 tuổi, làng Bùi) bộc bạch: “Ngày xưa, phụ nữ cả làng hút, lớn lên thấy các bà các mẹ hút thì hút theo. Tôi cũng bắt đầu biết hút thuốc từ khi mới 15-16 tuổi. Bây giờ thế hệ trẻ của làng không còn hút nữa. Chỉ còn số người trung tuổi từ 40 trở lên mới hút”.
Với thâm niên gần 40 năm hút thuốc lào, chị kể: “Ngày xưa đói rét cứ ngồi trong bếp lửa là chị em thi nhau hút thuốc. Lúc đầu hút say, lâng lâng, sau thì quen. Thấy tôi bắt chước hút thuốc như người lớn thì bố tôi chửi rồi đánh nhưng lúc đó cũng không bỏ được. Thế là cứ đi hội họp thanh niên, đi cấy, đi gặt, đi kéo te tép là trai gái trong làng lại tụ tập mang theo điếu cày để hút, chẳng e ngại, giữ ý tứ gì”.
“Mà cũng lạ, gái làng này lớn lên hút thuốc lào không nói làm gì nhưng nhiều cô gái làng khác lấy chồng về đây cũng tập hút rồi nghiện lúc nào không biết” – chị Lài vui vẻ kể.
Chị Nguyễn Thị Mận (45 tuổi, làng Bùi) cũng cho biết: “Tôi bắt đầu hút thuốc từ năm 12 tuổi. Nhưng lúc đầu là hút thuốc lá, loại thuốc cuốn vào lá cây hút, sau này là các loại thuốc hoàn kiếm, Thăng Long… Mới 5-6 năm nay tôi mới chuyển sang hút thuốc lào. Đi làm thì khuây đi nhưng cứ rảnh rang công việc thì lại hút. Những khi rảnh rang chị em ngồi tụ tập nói chuyện hay buổi trưa ngồi hóng mát là thi nhau hút.
Hút thuốc nhiều đến nỗi, đám thanh niên như chị cũng rành thuốc nào ngon, thuốc nào dở, nặng hay nhẹ.
Với phụ nữ làng Bùi, hút thuốc là mở đầu cho mọi câu chuyện.
“Thà nhịn đói chứ không thể nhịn thuốc”
Đó là khẳng định chắc như đinh đóng cột của rất nhiều chị em làng Bùi. Bởi họ đã từng thử và đúc rút ra như vậy. Họ bảo có thể cả ngày không ăn cơm nhưng không thể nhịn hút thuốc lào. Mỗi người hút ít nhất cũng trên chục điếu, người hút nhiều thì cũng tầm vài chục điếu trong một ngày.
Có mặt tại khu chợ Bùi, chúng tôi khá bất ngờ khi tận mắt chứng kiến cảnh quán hàng nào cũng có một chiếc điếu cày để cạnh chủ. Các bà bán hàng ở đây cho biết, để đó khi nào thèm hay buồn buồn không có khách lại làm một điếu hoặc có khách đến mua hàng cũng muốn hút để thỏa cơn thèm nên hầu hết hàng nào cũng phải có một cái điếu cày. Sau mỗi lượt hút, họ lại bàn tán về độ “ngon” của thuốc hay ai mua được thứ thuốc ngon thì lại chia sẻ cho hàng xóm hút thử.
Ở cái phiên chợ này, đã thành thông lệ, những bà bán hàng ngay khi bày hàng ra bán là các bà lại tụ tập làm vài điếu. Họ cho đó là thú vui mỗi ngày, cũng là thói quen truyền thống không thể bỏ được
Chị Lài chia sẻ: “Lương tâm rất muốn bỏ nhưng không bỏ được, một ngày không hút là bứt rứt trong người. Biết là hôi, bẩn nhưng không làm sao mà bỏ được, nó ngấm vào máu mất rồi. Cũng đã 3-4 lần đập điếu đi rồi nhưng lại mua lại. Không nhịn được quá một ngày. Biết bỏ thuốc là béo khỏe lên nhưng không bỏ được. Ăn cơm xong cũng cứ phải làm một điếu”.
Chị bảo, mình còn hút ít chứ nhiều người họ hút cả vài chục điếu trong ngày là bình thường. Khi được hỏi các chị có thể bỏ thuốc được không, hầu hết đều lắc đầu cho rằng không thể. “Một tháng cả hai vợ chồng hút hết ít nhất một trăm nghìn tiền thuốc. Thứ tiền đó có thể dùng mua thức ăn cho con hay mua cái cày, cái cuốc, làm việc khác có lợi cho mình, biết là vậy nhưng không làm sao mà bỏ được. Đất có lề, quê có thói, cái gì đã thành nếp sinh hoạt, đã ăn sâu vào máu rồi thì khó bỏ lắm” – chị Mận thật thà.
Ông Hoàng Đình Tứ, Trưởng thôn 4 (còn gọi là làng Bùi) cho biết: “Có khoảng 40 % phụ nữ khoảng tầm 40 tuổi trở lên hút thuốc lào. Xã Quảng Giao thì chỉ riêng làng Bùi là hút nhiều nhất, còn các thôn khác thì lác đác vài người hút thôi. Ngày xưa, có một làng của xã Quảng Đại, chưa tách khỏi làng Bùi thì họ cũng hút và bây giờ tách ra rồi thì cái làng đó của xã Quảng Đại bây giờ cũng hút. Cũng lạ là đây không phải là đất trồng thuốc lào như các xã Quảng Định, Quảng Đông… nhưng phụ nữ lại có truyền thống hút thuốc lào”.
Cũng theo ông Tứ thì vẫn biết hút thuốc lào rất độc hại, mang nhiều bệnh tật nhưng vì là phong tục tập quá, nét văn hóa truyền thống bao đời nay nên cũng không thấy địa phương cấm hay kêu gọi chị em bỏ thuốc. “Cũng mừng là ngày xưa, chị em phụ nữ 12-13 tuổi đã tập tành hút thuốc lào, cả làng, cả tổng phụ nữ hút thuốc lào thì ngày nay chỉ còn lại thế hệ đã đi quá nửa cuộc đời mới giữ thói quen hút thuốc chứ thế hệ trẻ bây giờ, con gái bây giờ không còn bắt chước người lớn hút thuốc lào nữa”.