Ngôi chùa có kiến trúc kiểu Nhật Bản độc đáo ở Tây Nguyên

TPO - Ngoài những triền cà phê ngút tầm mắt, với biển hồ nên thơ, những đồi chè xanh ngút ngàn… mảnh đất Gia Lai còn có một ngôi chùa có lối kiến trúc vô cùng độc đáo mang tên Minh Thành. 

Tọa lạc trên đường Nguyễn Viết Xuân, cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 2 km, ngôi chùa chịu ảnh hưởng từ phong cách kiến trúc Trung Quốc và Nhật Bản nên có một vẻ đẹp độc đáo. Chùa được xây dựng từ năm 1964 bởi Hòa thượng Thích Giác Đạo và trở thành nơi thờ cúng, dâng hương của phật tử trong vùng.

Đến Gia Lai vào một ngày mù sương, chùa Minh Thành hiện ra giữa cây cối xanh tươi như thể một ngôi đền cổ của xứ Phù Tang.

 

Ngay khi bước vào chùa bạn sẽ thấy ngay tượng Phật bà Quan Âm được đặt ở chính giữa cửa ra vào và được trang trí cây xanh, cột đá, tượng kỳ lân một cách đối xứng trông rất hài hòa.

Bức tượng phật bằng đá xanh rêu phong cổ kính.

 

Sân chùa khá rộng và được trang trí bằng những tiểu cảnh, tượng đá. Mái chùa đươc lợp ngói ống cùng vật liệu gỗ được chạm khắc một cách rất tinh xảo.

 

Kiến trúc của chùa được xây dựng theo một hình thức đơn giản của mạn - đà - la. Vòng tròn tượng trưng cho một đóa sen nở trọn – là căn bản trong vũ trụ luận Mật giáo.

Những hoa văn hoạ tiết được chạm khắc ở đây cũng đều dựa trên nền tảng của triết học Mật giáo.

Phía bên trái chánh điện là tòa Tháp Từ Ân thờ tổ khai sơn, tháp có ba tầng mái, lợp ngói vảy rồng, trang trí rồng và hoa sen cách điệu, được xây dựng rất giống với lối kiến trúc đèn chùa của Nhật Bản nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.

Đường đến đại sảnh bạn sẽ được bắt gặp những bức tranh lớn viết về những điều răn dạy của Phật pháp dành cho các phật tử, chúng sinh.

 

Được xây dựng vào vào 1964, trải qua bao biến động thăng trầm của lịch sử khiến nhiều phần bị hư hại, đến năm 1997 chùa được trùng tu và xây mới.

 

Sau quá trình trùng tu và tôn tạo kéo dài hơn 10 năm, chùa Minh Thành như được khoác trên một chiếc áo hoàn toàn mới với vẻ đẹp phương Đông đặc trưng độc đáo.