47 năm sinh sống trong căn biệt thự cổ ở phố Hội Vũ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Loan (72 tuổi) cho biết, tại con phố Hội Vũ, căn biệt thự số 24 là một trong số những căn biệt thự được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Sau những năm 50 của thế kỷ trước, căn biệt thự được chia nhỏ thành nhiều phòng và phân cho các hộ dân sinh sống. Chồng bà Loan cũng là một trong những người được diện phân nhà ở đây.
“Năm 1970, tôi kết hôn và dọn về sống với chồng trong ngôi biệt thự này. Căn biệt thự có 2 tầng, được xây từ thời Pháp thuộc nhưng tôi không nắm rõ đó là năm nào. Chỉ biết, khi quen chồng tôi, căn nhà vẫn còn bề thế sang trọng. Cả dãy phố chỉ có mấy căn biệt thự này là đẹp nhất. Còn lại, xung quanh đều là nhà cấp 4” - bà Loan nói.
Chính vì chỉ được ngắm cảnh bề thế, sang trọng phía bên ngoài của ngôi biệt thự nên khi về sinh sống ở đây, bà không khỏi bất ngờ.
Bà Loan cho biết: “Lúc tôi về, căn nhà có tới 12 hộ dân sinh sống. Riêng tầng 2 có 7 hộ dân. Phòng của vợ chồng tôi được xem là căn phòng lý tưởng nhất, riêng tư nhất vì được quây kín bằng bìa các-tông. Còn lại, mọi người chỉ kê giường để giữ độ thông thoáng”.
“Tuy nhiên, nói là lý tưởng nhưng căn phòng của hai vợ chồng tôi cũng chỉ vỏn vẹn 6m2. Mùa mưa, trần nhà thấm dột, tôi phải mang chậu đặt giữa nhà hứng nước. Vào mùa hè, căn phòng này là nơi nóng nhất vì diện tích bé, xung quanh bịt kín không hề có một ô cửa thoáng nào. Nhiều lần mất điện, chúng tôi phải đi dạo bên ngoài, đến khi có điện mới dám về nhà”, bà Loan nói.
Cũng vì căn phòng quá chật nên mỗi khi nhà có khách đến chơi, ngủ lại vào buổi tối, bà Loan lại phải sắp xếp thật khéo léo mới đủ chỗ nằm. “Lúc đó, cả nhà phải nằm như xếp cá mới đủ chỗ. Nhưng nằm qua một đêm, người ngợm đau nhức hết vì cả đêm không dám cựa quậy”, bà Loan nói.
Người phụ nữ này cũng cho hay, trong ngôi biệt thự cổ, một nỗi sợ khác ám ảnh tất cả các hộ dân ở đây là vấn đề nhà vệ sinh.
“Tất cả mọi người đều phải dùng chung một nhà vệ sinh. Hệ thống nhà vệ sinh ở đây phải dội nước. Có người ý thức kém, dội bẩn hoặc không thèm dội khiến mỗi lần tôi vào nơi này đều ám ảnh.
Có một thời, chúng tôi cũng vận động nhau để xây thêm một nhà vệ sinh nữa nhưng do tranh cãi nên cuối cùng dù đã mua hết nguyên vật liệu, vẫn phải dừng lại. Vì vậy, tôi phải tìm phương án tạm thời, mua một chiếc bô để sử dụng trong nhà”, bà Loan nói tiếp.
Hình ảnh phòng vệ sinh cũ kỹ, tạm bợ của ngôi biệt thự. Ảnh: Thanh Hải
Thêm vào đó, trong căn biệt thự này, việc tắm gội cũng là một vấn đề nan giải. Bà Loan cho biết: “Trước năm 2.000, cả căn biệt thự không hề được cung cấp nước máy. Để có nước dùng, chúng tôi phải đi gánh nước ở bể công cộng của khu phố. Sau này, có nước máy lên tận nhà, chúng tôi mới hết cảnh gánh nước mỗi ngày. Tuy vậy, việc tắm rửa cũng vẫn chưa được cải thiện nhiều”.
Cả căn biệt thự chỉ có một nhà tắm chung. Vào giờ cao điểm, mỗi lần đi tắm mọi người đều phải xếp hàng. Có người đợi lâu quá nên bỏ vào nhà, lúc ra đã bị người khác xí mất chỗ. Thế là hàng xóm láng giềng cãi cọ”, bà Loan trải lòng.
Theo bà Loan, bên cạnh việc tắm rửa, mỗi ngày, ngán ngẩm nhất ở đây là thời gian các gia đình nấu nướng. Bà Loan cho biết, mỗi tầng của căn biệt thự chỉ có một khoảng trống nhỏ. Tất cả các gia đình phải tận dụng khoảng trống này để đặt bếp nấu cơm.
“Thời xưa, các gia đình đều nấu bằng bếp lò. Vì thế, vào giờ cao điểm, cả chục bếp lò cùng nổi nửa khiến khói bui bốc lên mù mịt. Cả tầng như bị hun khói khiến người ngồi trong phòng phải bổ nhào ra ngoài” – bà Loan nói.
Phía hành lang tầng 2 của ngôi biệt thự được gia đình ba Loan tận dụng làm nơi nấu nướng và tắm giặt tạm thời. Ảnh: Thanh Hải
Vẫn lời bà Loan, ngày nay, tuy không còn cảnh nhóm bếp lò như trước, nhưng các hộ dân ở đây cũng chỉ dám mua bếp từ đơn để đặt trong phòng của mình. Một vài hộ gia đình nhanh tay nhận được khoảng trống ở hành lang của biệt thự thì đặt được bàn bếp ga và quây lại thành nhà tắm riêng.
Chồng bà Loan vừa nấu nướng và vệ sinh cá nhân ngay trong chiếc nhà tắm tạm ở ban công.
Tuy nhiên, riêng chuyện học hành của các con em thì vẫn vô cùng nan giải. Hầu hết các hộ trong biệt thự đều không có điều kiện đặt bàn học cho các con. Ở nhà bà Loan, các con của bà thường phải mang sách vở ra thư viện gần đó để học.
“Sau 15 năm sống trong căn hộ 6 m2, gia đình tôi cũng đã mua thêm được 2 suất do hàng xóm bán lại nên diện tích căn hộ hiện tại là hơn 20 m2. Số người sống trong căn biệt thự cũng ít dần đi. Người thì qua đời, người bán nhà đi mua nơi khác nên căn biệt thự hiện tại chỉ còn 5, 6 hộ dân với khoảng 10 nhân khẩu. Tuy nhiên, sự xuống cấp ngày càng trầm trọng của căn nhà khiến cuộc sống của chúng tôi vẫn vô cùng khổ cực vì chẳng khác gì những khu ổ chuột” - bà Loan nói.