Giám sát 12 chuyên đề; tổ chức 7 phiên giải trình
Chiều 9/2, tại Nhà Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm việc với Tổng Thư ký Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội về Chương trình giám sát năm 2023.
Trong thời gian qua, Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp kế hoạch giám sát chuyên đề của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2023, hoạt động giải trình. Theo đó, có 7 Ủy ban của Quốc hội tiến hành giám sát 12 chuyên đề; 5 cơ quan của Quốc hội tổ chức 7 phiên giải trình. Về tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, đến thời điểm này, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự kiến đề xuất nhóm vấn đề chất vấn báo cáo lãnh đạo Quốc hội.
Điểm đáng chú ý tại phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã mời Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo thêm về trách nhiệm của thành phố trong thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến cuối giờ, ông Trần Sỹ Thanh lại vắng mặt vì “công tác đột xuất”.
PGS, TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá, việc mời Chủ tịch UBND thành phố cùng “chia lửa” chất vấn, làm rõ vấn đề là một sự đổi mới trong hoạt động của Quốc hội. Theo ông, nếu cách làm này phát huy được hiệu quả, thì nên tiếp tục duy trì, để có thể giải quyết và đi đến tận cùng của sự việc.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá hoạt động giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2022 đã đổi mới về cách thức tiến hành. Đặc biệt, việc thành lập tổ công tác làm việc trước tại các nơi đến giám sát đã cho thấy kết quả khả quan.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất về cách thức tiến hành giám sát giữa các đoàn. Do vậy, cần có sự thống nhất về cách thức tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề, đảm bảo có chiều sâu, phát hiện kịp thời những vướng mắc, bất cập về thực thi chính sách, pháp luật.
Về hoạt động giải trình, Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho rằng, cần thống nhất cách làm, đối tượng, nội dung, kết quả giải trình, hoạt động truyền thông; nghiên cứu mở rộng các đối tượng tham gia giải trình…
Kết luận buổi làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, hoạt động giám sát năm 2022 có nhiều đổi mới, thực chất, hiệu quả hơn. Kế thừa kết quả đó, trong hoạt động giám sát năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp thu các ý kiến, để công tác tham mưu phục vụ hoạt động giám sát hiệu quả hơn.
Đối với việc triển khai giám sát chuyên đề, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, vẫn chưa có sự thống nhất trong cách thức triển khai.
Hiện 4 đoàn giám sát đã ban hành Kế hoạch giám sát, trong đó 2 đoàn giám sát tiếp tục áp dụng đổi mới trong phương pháp tổ chức hoạt động giám sát đó là thành lập các tổ công tác làm việc tại các bộ, ngành, địa phương báo cáo bước đầu với đoàn giám sát.
Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị các đoàn giám sát tiếp tục thực hiện theo kế hoạch đã ban hành và tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm, thống nhất quy trình, thủ tục tổ chức hoạt động giám sát .
Nhấn mạnh, các cơ quan của Quốc hội cần tăng cường hoạt động giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội đôn đốc, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đề xuất nội dung giải trình, chọn vấn đề trọng tâm, vấn đề nóng như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc giao của lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội; nêu rõ lý do các cơ quan chưa có dự kiến tiến hành hoạt động giải trình trong năm 2023.
Tiến hành 107 lượt giám sát tại 52 địa phương
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần tổ chức một số hội thảo nghiên cứu quy trình hướng dẫn hoạt động giải trình, giao Viện Nghiên cứu Lập pháp nghiên cứu về chuyên đề này, tham khảo kinh nghiệm của quốc tế, khuyến cáo áp dụng tại Việt Nam; nghiên cứu thêm đối tượng tham gia giải trình là Chủ tịch UBND thành phố tại các phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, việc lựa chọn nội dung chất vấn tại Phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp Quốc hội cần được tiến hành sớm, trên tinh thần chọn những vấn đề bức xúc trong thực tiễn, sau chất vấn ban hành nghị quyết về nội dung này.
Về hoạt động giám sát, trên cơ sở kế hoạch của Đoàn giám sát, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã tổng hợp kế hoạch giám sát năm 2023. Theo đó, các đoàn giám sát tiến hành 107 lượt giám sát tại 52 địa phương, trong đó 2 địa phương có số lượt đoàn giám sát đến làm việc nhiều là Hà Nội (6 lượt đoàn) và TPHCM (9 lượt đoàn).
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu giảm số lượt đoàn giám sát tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, giảm số cuộc giám sát chuyên đề của các Ủy ban của Quốc hội tại hai địa phương này.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho ý kiến đối với kiến nghị của Tổng Thư ký Quốc hội về việc thành lập ban soạn thảo và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo việc sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trình Quốc hội cho ý kiến.
Tại kỳ họp thứ 4, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho rằng, để nâng cao hiệu quả phiên chất vấn, nhất là đối với việc thực hiện thí điểm các chính sách đặc thù, thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia… nên xem xét, sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HÐND năm 2015. Trong đó, mở rộng chủ thể được chất vấn là các cơ quan, tổ chức có liên quan và chính quyền địa phương nơi trực tiếp thực hiện hoặc chịu tác động trực tiếp việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.