Sáng 28/6, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, bao gồm: Luật Quốc phòng; Luật Cạnh tranh; Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể nao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch.
Bảo mật thông tin, tài khoản người dùng
Luật An ninh mạng nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành như vi tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, đào tạo, huấn luyện người chống nhà nước; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc;
Luật cũng nghiêm cấm thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân…
Người nào có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 17 quy định, hành vi gián điệp mạng; xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng bao gồm: Chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, gia đình và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật; cố ý nghe, ghi âm, ghi hình trái phép các cuộc đàm thoại…
Điều 26 của Luật quy định, doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Doanh nghiệp ngoài nước quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019.
Bảo vệ bí mật thông tin cá nhân người tố cáo
Điều 22, Luật Tố cáo quy định việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Ngoài hai hình thức này thì việc tố cáo qua điện thoại, tin nhắn, fax…dù không được quy định trong luật như một hình thức bắt buộc, song cũng được coi là cơ sở để xác minh thông tin.
Luật quy định rõ, trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo cũng như cách thức liên hệ với người tố cáo. Nếu nhiều người cùng tố cáo, thì phải có tên người đại diện. Cùng với đó, người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo. Còn khi người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì sẽ được hướng dẫn viết đơn, hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản.
Trong thời hạn 7 ngày kể từ khi nhận được tố cáo, cơ quan tổ chức cá nhân sẽ phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra xác minh thông tin người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo. Trường hợp đủ điều kiện thụ lý thì ra quyết định, nếu không đủ điều kiện thì không thụ lý tố cáo và thông báo ngay cho người tố cáo biết lý do.
Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 5 ngày phải chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo.
Trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, người giải quyết tố cáo xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý. Đồng thời người giải quyết tố cáo có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận nội dung tố cáo.
Luật cũng quy định rõ người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ. Luật Tố cáo có hiệu lực từ 1/1/2019.