Nghỉ việc vì dịch, công nhân ở Bắc Giang được trả lương ra sao?

TPO - Theo Sở Lao động-Thương binh và xã hội tỉnh Bắc Giang, qua thông tin phản hồi của các doanh nghiệp, trong thời gian nghỉ dịch vừa qua, công nhân đều được các doanh nghiệp trả lương theo đúng Bộ luật Lao động.
Công nhân ỏ trọ trong vùng phong tỏa ở huyện Việt Yên (Bắc Giang)

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Bắc Giang cho biết, trước thời điểm dịch bùng phát, có khoảng 165.000 lao động làm việc tại các khu công nghiệp trong tỉnh Bắc Giang, trong đó có trên 60.000 lao động ở tỉnh ngoài. Do ảnh hưởng của dịch, tỉnh Bắc Giang đã phải tạm dừng hoạt động của các doanh nghiệp trong 4 khu công nghiệp.

Theo ông Hà, cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh Bắc Giang đã làm việc với doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong thời gian phải ngừng việc do ảnh hưởng của dịch COVID – 19. Cụ thể, Sở Lao động- Thương binh và xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang đã thường xuyên hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện việc chi trả chế độ cho người lao động theo quy định tại Điều 99, Bộ luật Lao động. Đồng thời, các cơ quan chức năng chăm lo, đảm bảo đời sống cho người lao động tỉnh ngoài lưu trú trên địa bàn các huyện.

Theo ông Hà, qua nắm bắt thông tin phản hồi của các doanh nghiệp, trong suốt thời gian nghỉ dịch, công nhân trên địa bàn tỉnh nói chung và công nhân tỉnh ngoài nói riêng đều được các doanh nghiệp hỗ trợ trả lương theo đúng quy định tại Điều 99 của Bộ luật Lao động.

Công nhân ở trọ trong vùng phong tỏa ở huyện Việt Yên (Bắc Giang)

“Theo đó, công nhân được hưởng mức lương từ 70-80% mức lương cơ bản của doanh nghiệp. Trong đó, 14 ngày đầu tiên nghỉ được hưởng mức lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng”, ông Hà cho hay.

Ông Hà cho biết, để nhanh chóng khôi phục sản xuất, tỉnh Bắc Giang đã và đang tích cực hướng dẫn, giúp các doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất an toàn, đảm bảo phòng dịch. Đến nay, một số doanh nghiệp đã được Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang chấp thuận cho phép quay trở lại hoạt động.

"Tuy nhiên, trước mắt không thể sử dụng hết lao động hiện có. Thời gian tới, các doanh nghiệp có thể phải thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động với số lao động chưa bố trí được việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng để người lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian chờ việc" - ông Hà nói.

Ông Hà cho biết thêm, hiện nay, các doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án hoạt động trở lại đưa ra các chính sách thu hút, khuyến khích người lao động đi làm trở lại. Chế độ thưởng cho người lao động đủ điều kiện quay trở lại làm việc với mức trung bình khoảng 2,5 triệu/người hoặc mỗi ngày đi làm được phục cấp thêm 100.000 – 200.000/ngày, chu cấp thêm các bữa ăn và trang bị đồ dùng sinh hoạt cá nhân…

“Đặc biệt, có công ty lớn như Công ty Fuhong còn tạo điều kiện hỗ trợ cho mỗi công nhân tối đa 8 triệu/3 tháng đầu tiên đi làm, số tiền hỗ trợ được chia đều cho mỗi tháng”, ông Hà chia sẻ.

Theo Khoản 3, Điều 99, Bộ luật Lao động năm 2019, nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống, tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc, tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.