Nghệ thuật chia để trị của Putin trên chiến trường Syria

Bản thỏa thuận ngừng bắn tạm thời cho Syria bắt đầu có hiệu lực từ tuần trước là bằng chứng cho thấy chiến lược can thiệp quân sự của Nga tại quốc gia Trung Đông này đang phát huy hiệu quả, mở ra cơ hội kéo Washington lại gần với Moscow.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP

Kế hoạch của Nga về một lệnh ngừng bắn cho Syria đến nay cơ bản vẫn phát huy tác dụng. Ông Yacoub el-Hillo, điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc tại Syria, thậm chí còn nhận xét bản thỏa thuận "chấm dứt thù địch" của Nga - Mỹ "là cơ hội tốt nhất mà người dân Syria có được trong vòng 5 năm qua để hướng tới một nền hòa bình và ổn định", theo NZ Herald. Có thể lệnh ngừng bắn chưa đem lại một nền dân chủ hay sự thống nhất toàn diện cho Syria, nhưng nó vẫn là một bước đệm quan trọng góp phần đưa quốc gia này dần thoát khỏi chiến tranh, bạo lực.

Việc hồi sinh Syria nguyên vẹn như thuở ban đầu có lẽ là nhiệm vụ bất khả thi, nhưng ít nhất người ta sẽ không phải chứng kiến cảnh bắn giết liên miên diễn ra mỗi ngày nữa nếu như bản thỏa thuận ngừng chiến sự tạm thời biến thành một lệnh ngừng bắn lâu dài, quan sát viên Gwynne Dyer nhận định.

Khi Nga bắt đầu triển khai kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria 5 tháng trước, một lệnh ngừng bắn, dù tạm thời, cũng là điều mà chẳng ai dám kỳ vọng. Thay vào đó, hầu hết mọi người đều chỉ nghĩ về một tương lai ảm đạm với sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và viễn cảnh Nhà nước Hồi giáo (IS) thống trị Syria.

Theo Dyer, bằng các chiến dịch quân sự, Nga đã góp công lao to lớn trong việc đóng lại kịch bản "sụp đổ" dành cho Syria. Đây là thành quả tức thì mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đạt được. IS giờ đây khó lòng giành chiến thắng quyết định trước quân đội Syria khi phía sau lực lượng này luôn có sự yểm trợ mạnh mẽ từ không quân Nga. Tham vọng bành trướng sang khu vực biên giới với Lebanon và Jordan của IS vì thế cũng bị chặn đứng.

Dù vậy, các nhà hoạch định chiến lược Nga không có ý định duy trì một chiến dịch quân sự tốn kém và kéo dài bất tận trong cuộc chiến ở Syria. Thứ họ cần là một "chiến lược rút lui" và họ đã nắm trong tay át chủ bài quan trọng ấy, Dyer nhấn mạnh.

Chiến lược của Nga được phân nhỏ thành các bước, bao gồm bảo vệ chính quyền Tổng thống Assad, cắt đứt những tuyến vận chuyển vũ khí, chiến binh cho các nhóm nổi dậy Syria thông qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó chia rẽ mối liên kết giữa phiến quân Hồi giáo và phi Hồi giáo.

Mục tiêu mà Nga đề ra trực tiếp thách thức sách lược của liên minh do Mỹ dẫn đầu, lực lượng liên tục dội bom IS suốt hai năm qua. Chiến lược của Mỹ hướng tới lật đổ chính quyền Assad và tiêu diệt tận gốc IS mà không hề có lực lượng bộ binh trên mặt đất, ngoại trừ dân quân người Kurd ở Syria, một nhiệm vụ được coi là bất khả thi. Ngay cả các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc cũng nhận thấy đi theo con đường này không khác gì tự trao Syria vào tay những nhóm Hồi giáo cực đoan.

Cảnh hoang tàn tại thành phố chiến lược Aleppo, Syria. Ảnh: CNN

Dyer cho rằng chiến dịch quân sự của Nga ở Syria đã kịp thời ngăn chặn kịch bản trên khi hỗ trợ rất đắc lực cho quân đội chính phủ nhằm đẩy lùi bước tiến của IS, bất chấp việc Mỹ thường xuyên cáo buộc Nga "ném bom nhầm" mục tiêu. Dù nhầm lẫn hay không thì hỏa lực yểm trợ trên không của Moscow thực sự đã tạo điều kiện thuận lợi để quân đội chính phủ giành lại thế cân bằng, đồng thời đẩy lùi quân nổi dậy khỏi một số thành phố chủ chốt của Syria.

Quân đội Syria, phối hợp với dân quân người Kurd, tháng trước còn cắt đứt được một tuyến tiếp tế huyết mạch cho quân nổi dậy bắt nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Moscow chỉ còn một mục tiêu chưa hoàn thành đó là chia cắt mối liên kết giữa các nhóm phiến quân Hồi giáo và phi Hồi giáo đang tham chiến ở Syria. Để thực hiện điều đó, Nga cần tìm cách thiết lập một bản thỏa thuận ngừng bắn giữa chính quyền Syria và lực lượng nổi dậy phi Hồi giáo.

Kế hoạch trên đang được triển khai và các tay súng mà Mỹ gọi là phiến quân "ôn hòa" dường như rất sẵn sàng hợp tác, theo Dyer.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 2/3 cho biết số nhóm vũ trang địa phương đồng ý tham gia thỏa thuận "chấm dứt thù địch" đã tăng lên 38.

Với việc Mỹ chính thức chấp thuận định nghĩa mới về các phiến quân "tốt và xấu" đang chiến đấu ở Syria, bước cuối cùng trong chiến lược "chia để trị" của Nga cũng dần hoàn thành khi mà tất cả các cường quốc đều đứng về một phía, Dyer nhấn mạnh.

Trong tương lai, nếu thỏa thuận "chấm dứt thù địch" tạm thời được chuyển đổi thành lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, các lực lượng thù địch tại Syria khi đó sẽ chỉ còn lại ba nhóm, gồm IS, Mặt trận al-Nusra và tổ chức đồng minh Ahrar al-Sham. Trước bối cảnh ấy, nếu Mỹ có thể chấp nhận sự thật rằng chính quyền Assad sẽ không sụp đổ và ra tay hỗ trợ, nội chiến Syria lúc này sẽ biến thành cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan. Kết quả là Nga - Mỹ sẽ có thêm cơ hội để bồi đắp mối quan hệ, xích lại gần nhau hơn, ông Dyer bình luận.

Theo Theo Vnexpress