Kỳ cuối

Nghệ sĩ Mai Nam với thăm thẳm bóng người

TP - Ai đó đã thầm thì hoặc từng bô bô khi ngó nghiêng lẫn thưởng lãm tác phẩm của Mai Nam rằng nếu không phát lộ chất lẳng ra thì chưa phải chất Mai Nam! Tôi chả mấy tin vào những biệt nhãn cùng nhỡn lực này khác, nhưng ngó ảnh Mai Nam chụp về đàn bà về phụ nữ thấy toát lên thứ chi đó là lạ.

Chẳng phải cung cách bấm máy lẫn góc chụp. Mà là thần thái của bức ảnh. Cô dân quân Nguyễn Thị Hiền trong trung đội dân quân cảm tử làng Yên Vực bờ Bắc Hàm Rồng quần thâm áo gụ, khẩu K44 khoác chéo, sải những bước ngược với sáng mai mùa hè năm 1965 ấy mà Mai Nam chộp được từng mang lại cho anh mấy giải thưởng trong nước lẫn quốc tế. Nói thẳng ra, ấy hồi sáu lăm ấy, cô thôn nữ Yên Vực  mỹ miều sắc nước hương trời gì đâu. Chỉ nhỉnh hơn trang lứa đôi mươi mười tám con gái dân quân xứ Thanh một chút. Nhưng ngắm ngó dẫu mau hay lâu tấm ảnh, cứ thấy lạ thấy khác. Nhân vật chính của bức ảnh chẳng phải kiểu nuột nà dim mắt kiểu nhà quê nhưng gọi là trường phái ảnh Bờ Hồ. Súng ống cùng không khí trận mạc, nhưng vẫn tràn trề nữ tính. Ngó ảnh thấy tự hào đấy, nhưng cứ len vào cái cảm giác tồi tội cho đàn bà, phụ nữ nước Nam. Mảnh mai đằm thắm là thế mà phải can dự việc binh đao, cháy nhà, chết người. Viết đến đây bất chợt nhớ đến sự kiện trình làng hàng trăm bức ký họa về nữ thanh niên xung phong, tác giả là ông anh ruột Mai Nam - họa sĩ Tôn Đức Lượng (Trộm nghĩ, nếu không có một nhà sưu tập tranh nước ngoài mò vào tận gác xép của họa sĩ Tôn Đức Lượng bê tập ký họa ra mà trình làng với thế giới thì không biết sự thể sẽ ra sao). Cũng những dáng mảnh mai, săn chắc. Cũng sắc ngà da thịt của những cô gái đôi mươi luôn phải cận kề đối diện bom đạn, chết chóc. Trộm nghĩ, Bộ Quốc phòng nên kíp ngay có hai phần thưởng cho hai anh em ruột. Một họa sĩ lão thành. Hai là nghệ sĩ nhiếp ảnh đã có công ca ngợi, tôn vinh vẻ đẹp Việt thời trận mạc kiêm chức năng tố cáo chiến tranh hủy hoại vẻ đẹp cùa phụ nữ. 

Và nữa, những cô mậu dịch viên cửa hàng thực phẩm Chợ Hôm, Cửa hàng chợ Mơ, những cửa hàng thanh niên làm theo lời Bác. Tôi từng được phân công đi viết bài về những gương mậu dịch viên tiêu biểu ấy và có phóng viên ảnh đi cùng. Thường thì đi với các phóng viên ảnh Hoàng Thiết hoặc Phạm Yên. Nhưng có lần đột xuất phải vời anh Mai Nam.  Nghĩ cũng tội cho cái thời ngặt nghèo bao cấp. Sau động thái phỏng vấn chụp ảnh là kính đề nghị cửa hàng cho công đoàn cơ quan báo được mua mấy tạ rau muống và mấy chục kí lô chanh quả đã gọt vỏ (vỏ để nhà máy làm tinh dầu chế rượu chanh). Xin trở lại với những tấm ảnh Mai Nam chụp các cô gái mậu dịch viên. Cũng động thái bán hàng, vẫn nụ cười ấy sao vẫn toát lên thứ chi đó hơi siêu thoát, siêu thực, tịnh không tìm ra nét thô mộc của cái nghề bán thịt. Và như thế, những cô thợ dệt, thợ tiện cho tới cái nghề thổ mộc nặng nhọc đi làm thủy lợi chẳng hạn, qua góc nhìn của Mai Nam, chợt thấy cái nghề vất vả ấy dường như chỉ tôn vẻ đẹp phụ nữ lên mà thôi.

Vậy nên một dạo, tôi có nghe phong thanh trước đây anh Mai Nam và vài nghệ sĩ tên tuổi khác dính đến một vụ chụp ảnh nghệ thuật khỏa thân. Hồi ấy, ảnh nuy bị coi là đồi trụy, đáng lên án. May cả nhóm chỉ bị xử lý nhẹ thôi. Lần ấy, tôi có hỏi anh về cái xì căng đan nọ, thì Mai Nam cười cái thời ấy nó thế… Gạ thêm chi tiết ra sao thì vẫn cái cười cởi mở cố hữu nó chỉ bằng một phần trăm của thời bây giờ thôi… Anh đã nói vậy thì tôi  láng máng hiểu… Cái đẹp ở bất kỳ góc độ và lĩnh vực nào đều là thứ để những nghệ sĩ thứ thiệt quan tâm đeo bám?

Thời ấy, cơ quan báo có một cái buồng tối tráng phim làm ảnh khá bề thế. Để ý, mỗi lần đi tác nghiệp hay sáng tác về (nói đến sáng tác thời ấy là điều kỵ), rất ít khi Mai Nam đưa phim cho Phạm Yên tráng, in mà trực tiếp làm lấy. Độc hại, tất nhiên (có lẽ vì thế nên PV ảnh các báo thời ấy được hưởng tiêu chuẩn 17 kg gạo, PV viết được 13,5kg).  Những ngón tay Mai Nam  vàng xuộm dung dịch in tráng phim ảnh khó gột tẩy và kia xuộm vàng thứ nicotin thuốc lá cuộn bà Sinh. Hiểu thêm cái lắc đầu của Phạm Yên khi anh em trách sao không giúp cho thầy: Bí quyết của thầy trong rọi phóng in tráng đấy! Các ông biết gì mà nói…

Bí quyết gì vậy? Chịu! Có phải những ngón nghề tài hoa từ lúc bấm máy cộng với kỹ thuật buồng tối đã bầu lên một thương hiệu ảnh Mai Nam? Tôi chợt nhớ đến hàng ngàn cuộn phim nhựa đen trắng lẫn phim màu các cỡ thấp cấp như photo-65 cvetma… đến cấp cao như ORWO này khác mà ông giữ hàng chục năm trời bằng phương pháp thủ công độc đáo, trong đó có những cuộn phim độc quyền duy nhất ông chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Nghĩ, nhớ gần xa có một Mai Nam trong nhóm bạn luôn thường trực cái cười vui vẻ, cởi mở… Nhưng có một Mai Nam tiết tháo. Hình như cái gene này cùng có ở ông anh ruột Tôn Đức Lượng. Hoàn cảnh nhà ấy hơi đặc biệt. Ông cụ thân sinh đi Nam với bà kế. Trong lý lịch của mình, hai anh em ruột ghi rõ ràng mục bố đi Nam, chứ không giấu giấu diếm diếm, mập mờ như nhiều cán bộ, công chức hồi ấy. Rồi năm 1963, nghe tin ông bố mất, hai anh em tổ chức phát tang… Đại diện tòa báo khi ấy cũng đến viếng. Sau này, tôi láng máng hiểu, thành tích cống hiến là thế nhưng nguyện vọng trở thành đảng viên của cả hai anh em đã trắc trở này khác có thể do cái điều từng ghi rành rẽ trong lý lịch có người thân đi Nam ấy chăng?

Đi trực chiến. Ảnh: Mai Nam.

Nhiều người từng biết bức ảnh Đi trực chiến chụp cô dân quân làng Yên Vực Nguyễn Thị Hiền của nghệ sĩ Mai Nam.  Cũng là một cách biểu dương thành tích nổi trội mà Nguyễn Thị Hiền từng có trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nhiều báo đài từng viết về cô. Nhưng sau này, Nguyễn Thị Hiền chịu thiệt thòi vì những đồn thổi vớ vẩn. Số là, một vị lãnh đạo muốn tác thành cô dân quân đẹp người đẹp nết cho cậu con trai, nhưng cô không thuận. Không ưa thì dưa có dòi. Thành tích đề nghị tuyên dương Anh hùng LLVT của cô dân quân Yên Vực nay đã sắp là cụ vẫn treo đấy.

Phóng viên Truyền hình T.Ư Nguyễn Trường Phước  (hồi anh mới lâm bao bệnh) đã bàn với nghệ sĩ Mai Nam - tác giả bức ảnh. Hai người vào gặp Nguyễn Thị Hiền và những cơ quan có trách nhiệm. Có hẳn một chương trình truyền hình về vấn đề này, trong đó trích tâm tư bức xúc của nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam. Nhưng đến bấy giờ, Nguyễn Thị Hiền vẫn chưa được tuyên dương. Và hai người từng đau đáu, bức xúc chuyện lỡ làng này là PV Trường Phước và nghệ sĩ Mai Nam đã theo nhau về cõi.

Dạo ấy, nhà văn Bùi Ngọc Tấn xuất bản cuốn sách không hiểu vì lý do nào đấy bị thu hồi. Tiếc công sức, tài năng của bạn, Mai Nam không ngần ngại liên lụy này khác đã cho Bùi Ngọc Tấn gửi tạm vào nhà mình mấy chục cuốn. May mà mọi sự sau đó êm xuôi. Những trang viết sau này hay nhất của Bùi Ngọc Tấn về bè bạn có lẽ là những dòng về ông bạn thuở Tiền Phong Mai Nam.

...Tôi tình nguyện tháp tùng ông con nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam và Hồng Vĩnh vào túi bom Yên Vực, trận địa phía Bắc Hàm Rồng mà những PV báo Tiền Phong từng bám trụ như Mai Nam, Mai Cát, Tất Vinh, Lê Thị Túy dịp kỷ niệm 50 chiến thắng Hàm Rồng.

Ngồi chứng kiến những tấm ảnh đen trắng của Mai Nam ghi lại những cô dân quân những năm bom đạn bời bời cách nay nửa thế kỷ treo trên tường bây giờ là những bà nội, bà ngoại đang xúm xít thân thiết bên nghệ sĩ Mai Nam thấy rân rân một cảm giác lạ lùng. Có bao nhiêu nơi trên hành tinh này diễn ra cuộc gặp gỡ hội ngộ như thế?  Bao nhiêu câu chuyện nhắc nhớ vô số kỷ niệm thời trận mạc PV ảnh Mai Nam bám trụ ở túi bom Yên Vực này... Cả những giọt nước mắt nhắc tới những người đã khuất. Và kia, ông con Hồng Vĩnh, phóng viên ảnh của báo Tiền Phong, lúc lặng lẽ, khi hối hả ghi lại cảnh đoàn viên sau nửa thế kỷ. Cuộc gặp có cảnh cuối là tất cả chủ khách sải bộ ra cây cầu Hàm Rồng huyền thoại.

Đêm ở khách sạn thành phố Thanh Hóa, chúng tôi chung nhau phòng ba giường. Chủ nhà xứ Thanh quý khách đã bố trí một phòng VIP để nghệ sĩ Mai Nam nghỉ nhưng ông nói nằm tạm đây chuyện cho vui.

Bàn tay cầm ly trà đong đưa bất thường biết ông đã xuống sức nhiều…  Nhưng ngó khí chất nhìn chung vẫn vượng. Mai Nam mới có cuộc viễn du sang Phú Lãng Sa. Bên ấy họ mời 4 nghệ sĩ bấm máy Việt sang bên đó bày ảnh. Mà toàn ảnh thời chiến. Khéo khen bên mời cũng tinh. Riêng Mai Nam đoạt mấy giải  quốc tế. Toàn những ông thiện chiến về khoản ảnh chiến tranh. Mai Nam, Đoàn Công Tính, Chu Chí Thành, Hứa Kiểm. Mỗi vị gửi một file mấy chục hình. Họ lựa mỗi người đúng 20 tấm…

Nằm giữa đội hình thày trò, anh em, bố con, chợt bồi hồi nhớ lại chuyến hành nghề Đông Triều gần 40 năm trước…

Và khi ấy đâu dám nghĩ rằng đây là chuyến đi cuối cùng với nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Nam.

Mỗi năm cứ thưa vắng đi nhân chứng của những ngày xưa thương mến.

Nghĩ, nhớ gần xa có một Mai Nam trong nhóm bạn luôn thường trực cái cười vui vẻ, cởi mở… Nhưng có một Mai Nam tiết tháo. Hình như cái gene này cùng có ở ông anh ruột Tôn Đức Lượng. Hoàn cảnh nhà ấy hơi đặc biệt. Ông cụ thân sinh đi Nam với bà kế. Trong lý lịch của mình, hai anh em ruột ghi rõ ràng mục bố đi Nam, chứ không giấu giấu diếm diếm, mập mờ như nhiều cán bộ, công chức hồi ấy. Rồi năm 1963, nghe tin ông bố mất, hai anh em tổ chức phát tang… Đại diện tòa báo khi ấy cũng đến viếng. Sau này, tôi láng máng hiểu, thành tích cống hiến là thế nhưng nguyện vọng trở thành đảng viên của cả hai anh em đã trắc trở này khác có thể do cái điều từng ghi rành rẽ trong lý lịch có người thân đi Nam ấy chăng?

Đêm 8/1/2016

(Tiếp theo và hết)