Nghề làm lồng chim thủ công thu bạc triệu ở Hà Nội

Bỏ buôn trúc, vợ chồng anh Đào Văn Dần và chị Nguyễn Thị Thúy (Thanh Oai, Hà Nội) quay về làng học nghề làm lồng chim nghệ thuật, bán với giá hàng triệu đồng mỗi chiếc.
Nghề làm lồng chim cho thu nhập tương đối tốt nhưng đòi hỏi sự miệt mài và óc nghệ thuật. Ảnh: NVCC

Anh Dần cho biết, lồng chim có hai loại thường và kỹ. Lồng thường giá dao động 40.000 đến 250.000 đồng một chiếc. Lồng kỹ là loại đòi hỏi kỹ thuật tốt, kén người mua nhưng có giá cao. Vì thế, anh chị chỉ nhận làm loại đặc biệt này theo đơn đặt hàng của khách.

Nguyên liệu làm lồng chủ yếu là trúc và gỗ, được lấy từ rừng già ở Hoà Bình và Cao Bằng. Công đoạn đầu tiên là chọn tre. Cật tre làm lồng phải vừa già, vừa dẻo, nước sáng bóng. Sau khi phơi, ngâm, luộc, hun khói, công đoạn tiếp theo là vót nan, làm các chi tiết như vanh, đáy, cửa, cầu.... Đặc biệt với lồng kỹ, người thợ cần thêm công đoạn chạm trổ, trang trí vanh.

Các họa tiết trang trí lồng anh Dần thường lấy từ sách vở, mạng Internet. Trong một số trường hợp, anh phải tự sáng tạo mẫu hoa văn. Khách có xu hướng chọn họa tiết ngẫu hứng (hoa lá, chim muông) hoặc theo các điển tích, truyện, phim (Tam Quốc chí, Thập Bát La Hán, Bát Tiên, Tây du ký).

"Làm lồng chim cũng như sáng tạo nghệ thuật. Người thợ phải thường xuyên cách tân sản phẩm để phù hợp với thị hiếu khách hàng. Một chiếc lồng hoàn thiện đòi hỏi các tuồng tích chạm trổ xung quanh phải như một bức tranh hoàn hảo về bố cục, có hồn", anh Dần chia sẻ.

Lồng chim do vợ chồng anh Dần chế tác có giá thấp nhất 1,5 triệu đồng một chiếc. Mỗi ngày, vợ chồng anh chỉ làm 1 đến 2 chiếc, do các công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cầu kỳ, tỉ mỉ. Với loại có thiết kế, hoa văn tinh xảo, giá bán trên dưới 10 triệu đồng, anh chị phải bỏ ra 4-5 ngày mới làm xong. Những chiếc phức tạp hơn, có giá 15-20 triệu đồng, anh Dần phải làm trong 1 tháng.

Vợ chồng anh Dần chỉ làm theo đơn đặt hàng của khách, không qua môi giới. Người mua đến tận nơi hoặc gọi điện, trao đổi mẫu mã, giá cả, với anh qua mạng Internet. Sau khi thỏa thuận xong, anh chị mới bắt tay làm. Khách mua không chỉ ở Hà Nội mà còn các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai và TP HCM.

Chiếc lồng chim được làm thủ công có họạ tiết cầu kỳ, tinh xảo, giá lên đến hơn chục triệu đồng. Ảnh: NVCC.

Chị Thuý cho biết, mùa hè, khách đặt hàng nhiều hơn, 2 vợ chồng làm không hết việc. Phần lớn khách chọn loại lồng phổ biến với hoạ tiết đơn giản, có giá 2-5 triệu đồng một chiếc. Tuy nhiên, cũng không ít đại gia tìm đến xưởng để đặt những chiếc lồng hàng chục triệu đồng.

Vừa làm lồng vừa là người chơi chim cảnh, anh Dần cho biết: "Mỗi chiếc lồng chim đều thể hiện cá tính. Vì vậy, khi làm người thợ phải đặt hết tâm huyết cũng như kỹ thuật vào sản phẩm. Nhiều khách chơi không chỉ quan tâm giọng hót, ngoại hình chim mà còn muốn thể hiện cá tính cũng như đẳng cấp qua chiếc lồng".

Có 20 năm kinh nghiệm làm nghề, anh Dần cho biết, chiếc lồng đẹp không nên sơn màu. Bởi càng về sau, màu tre tự nhiên sẽ càng sáng, bóng đẹp. Theo anh, nghề làm lồng cho thu nhập cao bởi tiền vốn bỏ ra không đáng kể. Tiền lời thu được chủ yếu tính vào công. Tuy nhiên, công việc đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật, miệt mài và óc sáng tạo.

"Thường ban ngày, 2 vợ chồng chuẩn bị nguyên liệu và làm các công đoạn đơn giản như xử lý tre, vót, uốn vanh. Buổi tối khi không gian tĩnh lặng là thời điểm tôi ngồi chạm trổ, bắt đầu công việc sáng tạo nghệ thuật", anh Dần nói.

Ông Bùi Văn Quý, Trưởng thôn Trung Hoà (Dân Hoà, Thanh Oai, Hà Nội) cho biết, làm lồng chim là nghề thủ công ở Dân Hoà từ thời Pháp thuộc. Trước kia, người dân làm nghề này song song với chăn nuôi, nông nghiệp. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhu cầu chơi chim cảnh tăng cao nên làm lồng trở thành nghề chính, mang lại thu nhập cho cao cho các hộ gia đình.

Hiện tại, 100% các hộ gia đình ở Trung Hoà làm nghề này, bình quân một thợ mỗi tháng có thu nhập 4-5 triệu đồng. Những thợ lành nghề, lâu năm có kỹ thuật cao, chuyên chế tác lồng kỹ có thể kiếm được vài chục triệu đồng.

“Trong khi các làng nghề truyền thống như nón, chiếu hay quạt… mai một dần thì nghề làm lồng chim đang trên đà phát triển. Người dân làm nghề này không phải lo đầu ra cho sản phẩm vì thường xuyên trong tình trạng cung không đủ cầu”, ông Quý cho biết.

Theo Theo Zing