Ngày hòa bình đầu tiên trên đất lửa Quảng Trị

TP - 44 năm sau ngày ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973) báo hiệu ngày hòa hợp, thống nhất giang sơn đang đến gần, báo Tiền Phong giới thiệu chùm ảnh tư liệu qúi của nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành - phóng viên chiến trường, nguyên Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Việt Nam ghi lại những ngày hòa bình đầu tiên trên đất lửa Quảng Trị.

Các chiến sĩ quân Giải phóng, và các lính chiến quân đội Sài Gòn tại đất lửa Quảng Trị sung sướng hơn ai hết khi đón nhận hòa bình, thấu hiểu hơn ai hết cái giá xương máu phải trả cho ngày bình yên.

Riêng trận đánh 81 ngày đêm tại Thành cổ thị xã Quảng Trị (từ 28/6 đến 15/9/1972), máy bay B.52 và các loại máy bay chiến đấu khác, cùng pháo tầm xa của hạm đội 7 Mỹ đã trút xuống đây hơn 120 nghìn tấn bom đạn (bằng 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima, Nhật Bản). Bình quân mỗi chiến sĩ giải phóng tham chiến phải hứng chịu 4 tấn bom đạn... Hiệp định Paris về ngừng chiến ở Việt Nam được ký kết ngày 27/1/1973.

Trên bãi sa mạc bom đạn phủ kín tỉnh Quảng Trị, bất ngờ cánh chim hòa bình bay tới. Người cầm súng hai bên chiến tuyến từ đống tro tàn bước ra, bỗng nhiên như tỉnh cơn mê, sững sờ rơi nước mắt, trút bỏ hận thù, trao lòng cho nhau vì ngày mai của chính mình và của đất nước. Giờ phút ấy là thời điểm đặc biệt khác thường bật ra tiếng gọi thiêng liêng sâu thẳm của lòng nhân ái bao dung và truyền thống yêu nước ngàn đời của người Việt Nam. Nó báo hiệu ngày hòa hợp dân tộc, thống nhất giang sơn đang đến gần.

Tay bắt mặt mừng: Những con người này hôm qua ở hai chiến tuyến còn bắn nhau, nhưng hôm nay lại tay bắt mặt mừng, gần gũi bên nhau như những người thân quen. Ðiều mà trong trí tưởng tượng của người lính không thể hình dung nổi, và trong những giấc mơ cháy bỏng nhất dưới chiến hào cũng không ai mơ thấy.
Chạy về vùng giải phóng: Người tù binh đội mũ cối, áo sơ mi trắng được trao trả cho chính quyền Sài Gòn, nhưng sau khi điểm danh, anh ta đã bỏ chạy trước sự chứng kiến của Ủy ban Quốc tế giám sát thi hành Hiệp định Paris. Anh chạy tháo thân, lao qua bãi mìn Nhan Biều, may sao không thấy tiếng nổ. Thế là anh được tự do hưởng hòa bình cùng gia đình, quê hương theo khát vọng của mình.
Khai hoang: Trong khi những người lính hai bên đang chộn rộn vui buồn ở nơi trao trả tù binh và trên các chốt dọc tuyến giáp ranh, thì trên vành đai hàng rào điện tử Mc Namara từ cảng Cửa Việt đến đường 9 đã vang lên tiếng máy cày khai hoang. Cuộc sống mới thanh bình đã bắt đầu.
Trong tọa độ “Cối xay thịt” rùng rợn: Nhằm chặn bước tiến Quân Giải phóng, Mỹ cho phi- pháo đánh sập Cầu Quảng Trị. Ðây là một mục tiêu nằm trong tọa độ “Cối xay thịt”, hai đầu cấu đất đá bị nghiền nát như sa mạc, sức hủy diệt khủng khiếp đến nỗi sau mấy tháng mưa nắng trôi qua, mùa xuân đến mà nơi đây không có một sinh vật nào, một cây cỏ nào có thể sống nổi.