Ngập tràn sách dở

TP - Cuối năm, trong một hội nghị về văn học nghệ thuật, giới xuất bản trong nước “xám mặt” vì phát biểu thẳng thắn của nguyên bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin: trong 3 năm ông được tặng 5 tấn sách, trong đó 70% là sách dở. Nhìn lại thực tế này, nhiều người giật mình: điều kiện nào khiến “sách dở” phát triển tràn lan như vậy? 
Fan xếp hàng mua tự truyện

Ai cũng có thể ra sách

Động thái mở cửa trong xuất bản và cấp phép dễ dàng khiến cho bất-cứ-ai cũng có thể ra sách. Và bất cứ đề tài nào cũng có thể in thành sách. Từ thơ, vè, ghi chép, tản văn, đến kinh nghiệm nấu bột, xin visa, vượt qua sốc tâm lý chồng có bồ, bí kíp khiến vạn người mê v.v... thêm vài triệu tiền in, người ta đều có thể trở thành tác giả để vào hội này hội kia... cho sang.

Giám đốc một nhà xuất bản có tiếng tại Hà Nội cho biết: “Trong giới xuất bản, có luật bất thành văn là “bán giấy phép”. Tùy mức độ thân quen của tác giả và phức tạp của nội dung, một giấy phép sẽ có giá từ năm trăm ngàn đến hơn mười triệu đồng. Trong tình hình xuất bản khó khăn, việc bán giấy phép xuất bản trở thành một khoản thu”.

Khi được hỏi về việc “chịu trách nhiệm xuất bản” cũng như trách nhiệm với bản thảo, người này khẳng định: “Nói chung, nhà xuất bản sẽ xem qua nội dung, còn có biên tập hay không thì tùy vào yêu cầu của tác giả. Có người để tiết kiệm tiền sẽ tự biên tập, tự dàn trang, tự in. Chỉ cần nội dung không vi phạm chính trị, không ảnh hưởng “thuần phong mỹ tục” chúng tôi đều cho qua”.

Theo như tiết lộ của một số nhà xuất bản, những cuốn sách “tự” kiểu này chiếm khoảng 20-40% lượng sách xuất bản trong một năm. Rất khó để yêu cầu về chất lượng nội dung ở những đầu sách mà người ta làm ra chỉ để thỏa mãn ý thích cá nhân. Một biên tập viên mảng Văn học Việt Nam kể: “Nhiều tác giả sẵn sàng bỏ tiền nhờ biên tập viên chỉnh sửa câu cú, nhưng nói thật, nếu chỉnh đúng lương tâm thì chỉ có bỏ hết. Những sách ấy in ra phần lớn không bán, họ chỉ dành tặng bạn bè, người thân”.

Một số ít tác giả, có mạng lưới khách hàng hoặc fan thì dựa vào việc in sách để bán. Dòng tự truyện hoặc “vượt qua số phận” đa phần nằm trong số này.

Chị Vũ Minh Họa, tác giả cuốn tự truyện “Hành trình đơn thân” là một ví dụ về việc “tự in, tự bán”. Cuốn tự truyện “sau ly hôn” của chị đã được tái bản sau lần in đầu không lâu trong khi không hề có sự tham gia phát hành của nhà xuất bản. Chị Họa mang theo cuốn sách của mình trong những cuộc talk show “truyền cảm hứng”, các hội nghị khách hàng mà chị là khách mời... để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ. “Không ai quan tâm đến chất lượng văn học hay câu cú của tác phẩm, cái chúng tôi cần đọc là câu chuyện thật của một người có hoàn cảnh giống mình, và chị ấy đã vượt qua” – một khách hàng của chị Họa cho biết.

Một biên tập viên lâu năm tiết lộ: “việc quyết định in một đầu sách bây giờ khá đơn giản. Chỉ cần canh facebook thấy ai có hơn 3.000 like sau mỗi “tút” là đã có thể đặt vấn đề in rồi. Còn chất lượng nội dung “để mai tính”. Fan thích người ta là được, ai quản được cái đó có tính triết học hay là “nhảm bà cố”. Nhà xuất bản cũng phải sống mà”!

Sự “chi phối” của phát hành sách tư nhân

Không ai làm xuất bản mà phủ nhận được vai trò cộng sinh của giới phát hành tư nhân. Trong nhiều năm đổ lại đây, giới phát hành tư nhân thậm chí có khả năng “chi phối” nhiều nhà xuất bản, trong đó có cả những nhà xuất bản lớn. Sự tham gia tích cực này một mặt thúc đẩy thị trường xuất bản, mặt khác nó tạo ra sự thương mại hóa quá đà trong các đầu sách.

Nhiều năm trước, những người đọc “cấp tiến” không dưới một lần cảm ơn Thắng “sách” (Dương Thắng) vì quyết tâm in cuốn “Bóng đè” (Đỗ Hoàng Diệu) của anh. Trong khi rất nhiều nhà xuất bản lớn “nâng lên đặt xuống” và từ chối thẳng thừng bản thảo cuốn sách, thì bằng một cách ngoạn mục, Thắng “sách” đưa được cuốn sách đến tay người đọc. Cả một năm sau đó, các “đầu nậu” ở Hà Nội nhiều người giàu lên vì in lậu và nối bản “Bóng đè”.

Những người tâm huyết với sách như Thắng “sách” không nhiều. Chủ yếu sự tham gia của những nhà phát hành tư nhân, khiến thị trường sách Việt tràn ngập “ngôn tình”, “thu buồn xuân thương”, “không đánh cũng rên” như comment của nhiều “kẻ mê sách”. Trong danh sách bestseller của những công ty sách lớn, rất ít sách nghiên cứu, văn học, tham khảo... có mặt, thay vào đó là sách self-help, chuyện tình và những cuốn “giãi bày tâm trạng vì sao tôi buồn”...

Dịch giả Sơn Lê (người dịch những tác phẩm của các nữ tác giả Trung Quốc thời kỳ đầu như Vệ Tuệ, Thiết Ngưng, Cửu Đan...) từng có lần nói với tôi ông đã không ít lần từ chối những nhà phát hành tư nhân khi họ đặt dịch những tác phẩm “quá kém về chất lượng”. Theo như dịch giả Sơn Lê, những người làm phát hành chỉ quan tâm đến nội dung “sốc, sex” và nhân đà “ăn nên làm ra” của sách ngôn tình, “bằng mọi giá in thêm và đẩy mạnh tiêu thụ”. “Họ không đủ trình độ và vốn thẩm mỹ để đánh giá một cuốn sách. Vả lại họ cũng không cần làm điều đó. Thứ duy nhất họ cần quan tâm là lần đầu có thể in mấy ngàn cuốn và có thể tái bản sau bao lâu”, dịch giả nói thêm.

“Vì lợi nhuận, rất nhiều đơn vị xuất bản thích khai thác các dòng sách có gu thẩm mỹ khá thấp”. Câu tổng kết của một “ông trùm xuất bản” khiến nhiều người trong cuộc ngậm ngùi. Nhưng ngậm ngùi thì ngậm ngùi, họ không thể dừng những đơn hàng này, bởi “nhà xuất bản sẽ đói, đói không nuôi nổi nhau không nói, còn không có sức để làm ra những cuốn sách tử tế khác” – bà Khúc Thị Hoa Phượng, giám đốc NXB Phụ Nữ bổ sung thêm.

Một số đầu sách chỉ để đẹp hồ sơ

Một góc tối khác trong thị trường xuất bản xuất phát từ nhu cầu “phải đủ đầu sách” để đủ tiêu chuẩn ứng cử danh hiệu và các giải thưởng.

Nhà biên kịch Vương Huyền Cơ cho biết: “Việc phải đủ tác phẩm, đủ giải thưởng để xét duyệt các giải thưởng Nhà nước hay giải thưởng Hồ Chí Minh ai cũng biết. Nhưng chính từ đó sinh ra nhiều tiêu cực. Nhiều người có chức tước hoặc quyền hạn “cố đấm ăn xôi” để đủ đầu sách, đủ giải thưởng. Khi bị báo chí phanh phui, rất nhiều đầu sách, giải thưởng đều là copy hoặc “cướp công” người khác. Bởi vì không có thực lực, chất lượng những công trình kiểu này đương nhiên không dám khen tặng”.

Hiện tượng sao chép nội dung hoặc tổng hợp từ nhiều cuốn sách rồi lấy tên chủ biên là điều không hiếm trong số những vụ bê bối về xuất bản đã bị vạch trần thời gian qua. Không thiếu những “công trình góp nhặt” phải thu hồi hoặc cấm lưu hành vì nội dung quá kém.

Đầu năm 2018, bộ sách “Lịch sử Việt Nam phổ thông” được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật phát hành đã phải thu hồi vì “nội dung sai” và “biên tập kém”. Trong tập 3, phần về nhà Trần (1225 - 1400, trang 194) viết: Trần Hoằng Nghị là thân phụ Thái sư Trần Thủ Độ. Theo các nhà nghiên cứu, Trần Hoằng Nghị là cái tên chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, một người chưa hề được đề cập trong bất cứ tài liệu lịch sử nào liên quan đến triều đại nhà Trần. Trong khi đó, các tài liệu chính sử của Việt Nam như: “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục”... cũng đều nói Trần Thủ Độ mồ côi cha mẹ từ bé và ở với bác là Trần Lý.

Vào tháng 6, ban liên lạc họ Trần đã có thư kiến nghị gửi đến các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng - Nhà nước và Chính phủ, cùng các ban, bộ, ngành T.Ư và các cơ quan báo chí, đề nghị thu hồi tập sách này.

Theo báo cáo công tác xuất bản sáu tháng đầu năm 2018, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xử lý 38 ấn phẩm, các nhà xuất bản xử lý 10 ấn phẩm. Lỗi tập trung ở một vài vấn đề như: nội dung phản ánh không khách quan về lịch sử đất nước. Một số sách dành cho thiếu nhi nhưng từ ngữ không trau chuốt, thiếu chuẩn mực. Ngoài ra, các xuất bản phẩm còn sai sót về câu chữ, chính tả hoặc chưa thực hiện đúng các quy định về bản quyền, dẫn đến khiếu nại, tranh chấp...

Mỗi ngày trên các mạng thanh lý sách, có hàng ngàn đầu sách yêu cầu được “ra đi” vì chỉ có thể xem qua hoặc đọc duy nhất một lần

“Lịch sử Việt Nam phổ thông” phải thu hồi vì “nội dung sai” và “biên tập kém”