Vẫn khổ vì lãi suất cao
Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Quang Chất, Chủ tịch HĐQT Cty CP Bất động sản Hà Nội Sông Hồng cho biết, đến tháng 6 vừa qua, ngân hàng vẫn tính lãi suất 13,5%/năm đối với khoản nợ vay hơn 10 tỷ đồng của công ty. Làm bất động sản mà phụ thuộc vốn vay ngân hàng sẽ bị đẩy giá bán lên cao. Vì vậy doanh nghiệp phải tìm mọi cách tự chủ về vốn.
“Lãi suất cao khiến doanh nghiệp rất áp lực. Mới đây doanh nghiệp đã trả hết nợ cho ngân hàng nên cảm thấy nhẹ gánh. Cách đây hơn 1 năm, lãi suất ngân hàng lên tới 26%/năm, doanh nghiệp choáng nhưng vẫn phải vay”, ông Chất cho biết.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Cty TNHH Tân Vạn Lợi, kinh doanh vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng, ép cọc bê tông cốt thép xăng dầu tại Vĩnh Long chia sẻ: “Hiện, doanh nghiệp đang nợ ngân hàng 10 tỷ đồng với lãi suất 8%/năm. Đây là mức lãi suất thấp so với đỉnh điểm lên tới 18%/năm của một năm trước đó”.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước các địa phương, nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn phải vay với lãi suất cao. Như tại Đắk Lắk, so với đầu năm, tỷ trọng dư nợ lãi suất cho vay trên 13%/năm đã giảm từ 27% xuống còn 11,4%. 27.620 khách hàng có dư nợ 2.203 tỷ đồng đã được các ngân hàng cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ. Điều này đồng nghĩa vẫn còn tỷ lệ không nhỏ doanh nghiệp vẫn phải vay vốn lãi suất trên 10%.
Tại Gia Lai, báo cáo Ngân hàng Nhà nước tỉnh này cho thấy, hiện dư nợ lãi suất từ 13% trở xuống chiếm 96,8% tổng dư nợ.
Lãi lớn chỉ là tạm thời?
Chiều 29/7, trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Xuân Hòe - Phó vụ trưởng Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, nhìn tổng thể, lợi nhuận của các ngân hàng thương mại hiện nay có vẻ cao, nhưng tất cả chỉ là tạm thời.
Theo ông Hòe, lãi suất huy động bình quân toàn hệ thống ngân hàng, tính theo tất cả các kỳ hạn, hiện ở mức 5,53%. Lãi suất cho vay bình quân đầu ra, khoảng 9,6%.
Chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động bình quân khoảng 4,1%/năm. Mức chênh lệch này chưa có chi phí dự trữ bắt buộc, chi phí dự trữ thanh khoản, chi phí đọng vốn, nhất là chi phí bù rủi ro tín dụng chưa tính đến…
Các ngân hàng thương mại có được phần lợi nhuận khá như vậy phần lớn là nhờ tác động từ chiều thuận của rủi ro lãi suất mang lại. Trong cơ cấu bảng cân đối tài sản hiện nay, kỳ hạn cho vay bình quân của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam luôn dài hơn so với kỳ hạn bình quân của nguồn vốn đầu vào.
Các số liệu cho thấy, tỷ lệ huy động vốn VND kỳ hạn dưới 1 năm của các ngân hàng hiện chiếm khoảng trên 80%. Khi lãi suất huy động liên tục giảm, dẫn đến lợi thế tự nhiên tăng thu nhập cho các ngân hàng, do được hưởng lợi từ chi phí trả lãi suất huy động giảm nhanh hơn.
Một yếu tố khác giúp các ngân hàng đạt được lợi nhuận cao do tỉ lệ vay mượn giữa các ngân hàng đã giảm đi rất nhiều. Lãi suất trên thị trường 2 giảm xuống khiến chi phí đầu vào của ngân hàng giảm xuống, lợi nhuận vì thế cũng tăng lên theo. Những năm trước các ngân hàng vay mượn nhau với lãi suất rất cao. Nhiều ngân hàng phải khốn khổ vì phải trả lãi vay liên ngân hàng quá lớn.
Cũng theo đại diện Vụ Chính sách Tiền tệ, báo lãi của các ngân hàng mới chỉ cho giai đoạn 6 tháng đầu năm, chưa tính toán hết các chi phí hoạt động khác như trích dự phòng cho nợ xấu, thuế thu nhập doanh nghiệp…
Theo phân tích của một cựu lãnh đạo ngân hàng, lợi nhuận của các ngân hàng cao cũng một phần phụ thuộc chiến lược kinh doanh của từng đơn vị. Với những ngân hàng có tỉ lệ bán lẻ nhiều hơn như Sacombank, Kiên Long Bank, lợi nhuận thu được từ những đơn vị này sẽ còn cao hơn nhiều so với các ngân hàng khác nếu xét về chỉ số tỷ suất lợi nhuận trên vốn sở hữu (ROE).
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước các địa phương, nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn phải vay với lãi suất cao. Như tại Đắk Lắk, so với đầu năm, tỷ trọng dư nợ lãi suất cho vay trên 13%/năm đã giảm từ 27% xuống còn 11,4%. 27.620 khách hàng có dư nợ 2.203 tỷ đồng đã được các ngân hàng cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ. Điều này đồng nghĩa vẫn còn tỷ lệ không nhỏ doanh nghiệp vẫn phải vay vốn lãi suất trên 10%.