Quy định 205 - Tuyên ngôn về công tác cán bộ thời kỳ mới

Ngăn chặn 'thân tộc chui vào bộ máy'

TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản đánh giá: Quy định 205 vừa được Bộ Chính trị ban hành được xem là quy định gốc, bao quát để kiến tạo, xây dựng và thải loại cán bộ, góp phần đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
TS Nhị Lê

Tuyên ngôn về công tác cán bộ của Bộ Chính trị

PV - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống “chạy chức, chạy quyền”. Câu chuyện về cán bộ và sử dụng cán bộ được xem là vấn đề quan trọng hàng đầu, luôn được đặt ra trong suốt cả một thời kỳ lịch sử của chúng ta, quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

TS Nhị Lê: Kén chọn hiền tài, đồng thời với nó là ngăn chặn tất cả những hủ lậu trong công việc này được ông cha ta hết sức coi trọng. Thời nhà Trần, chính là một trong những thời kỳ rực rỡ nhất, tiếp tục phát triển nền móng căn bản trong chế độ khoa cử, lựa chọn nhân tài của chúng ta. Trong đó, tôi ấn tượng và nhớ mãi về Thái sư Trần Thủ Độ, một mẫu mực trong việc kiến tạo và thanh lọc đội ngũ quan lại triều đình lúc bấy giờ. Có thể nói, nhà Trần là một trong những triều đại hùng mạnh nhất trong lịch sử hàng nghìn năm của nước ta, một phần căn bản nhờ vào việc này.

Một trong những bài học lớn mà nhà Trần để lại cho chúng ta là việc chọn người và thải loại người. Nhà Trần chọn người bằng con đường thi cử, tiến cử và cũng hết sức nghiêm khắc, ngăn chặn lối đi khuất tất, đặc biệt là thân tộc chui vào bộ máy quan lại. Nếu buông lỏng điều này sẽ trở thành một nguy cơ gây hủ bại triều đình. Soi vào lịch sử nước ta cũng đã thấy vô vàn bài học thật đáng suy ngẫm, noi gương các bậc tiền nhân trong việc chọn người và dùng người. Đặc biệt thời Lê Thánh Tông đã có hẳn Bộ Luật Hồng Đức, trong đó dành sự quan tâm thích đáng cho vấn đề này. Đến bây giờ, đó cũng là một trong những phương cách đáng suy ngẫm và noi theo trong việc kiểm soát quyền lực.

Từ khi lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tới nay, chúng ta đã ban hành rất nhiều quy chế, quy định xung quanh vấn đề kiểm soát quyền lực. Không kiểm soát quyền lực tốt làm sao có vụ án Trần Dụ Châu nổi tiếng nghiêm khắc, với án tử hình vì tội tham nhũng năm 1950, hay năm 1964 một Thứ trưởng Bộ Canh nông lúc bấy giờ đã bị xử tử, rồi được đăng công khai thông tin trên báo chí lúc bấy giờ. Văn bản kiểm soát quyền lực đầu tiên của chúng ta chính là bản Quốc lệnh, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký và ban hành ngày 26/1/1946, gồm 10 điều thưởng và 10 điều phạt, trong đó 10 điều phạt là 10 điều gắn với án xử tử.

Đặt trong cả tiến trình lịch sử như vậy, ông nhìn nhận đánh giá gì về Quy định 205 vừa được Bộ Chính trị ban hành?

Nhìn từ Quốc lệnh đến nay, qua 73 năm, thì Quy định 205 do Bộ Chính trị ban hành ngày 23/9/2019 là quyết định mang tầm chiến lược, rất căn bản và quan trọng trong công tác cán bộ. Nói cách khác, đây là văn bản bàn định trực tiếp việc thực thi kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nói chung, đổi mới và kiến tạo bộ máy và đội ngũ cán bộ nói riêng.

Quan sát trong mấy chục năm nay, tôi thấy đây là quy định đầu tiên trực tiếp khẳng định công tác cán bộ là một thứ quyền lực, thậm chí quyền lực căn bản, vì nó đụng đến số phận con người và sự sinh tồn bộ máy. Bác Hồ nói: “Cán bộ là cái gốc của công việc. Công việc thành hay bại là do cán bộ tốt hay kém”. Nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì, sau khi có đường lối đúng, nhân tố quyết định thành công là cán bộ tương xứng; cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng.  

TS Nhị Lê cho rằng nếu phải thề như ở Hội Minh thề tại huyện Kiến Thụy, Hải Phòng thì 10 người chỉ một, hai người dám thề - Ảnh: An Đăng

Tôi muốn nhấn mạnh lần nữa rằng, đây là văn bản mang tầm chiến lược nối tiếp và phát triển trực tiếp bản Quốc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bối cảnh mới. Vì, chúng ta đã có nhiều quy định của Đảng về công tác cán bộ, ví dụ như Thông báo 13 của Bộ Chính trị về vấn đề tuổi tác, hay các quy định ở các tầm, cấp về kiểm soát bằng cấp, về nêu gương… Nhưng đó là những quy định riêng lẻ trên từng phương diện cụ thể, còn Quy định 205 mang tính bao quát, tổng thể và mang tầm dài hạn.

Chưa có một quy định nào toàn diện về công tác cán bộ trong mấy chục năm qua như quy định lần này.

Nói gọn lại, Quy định 205 là một thông điệp chính trị, một quyết tâm chính trị, một tuyên ngôn về công tác cán bộ của Bộ Chính trị trong thời kỳ đổi mới toàn diện và đồng bộ.

Không võ đoán, không đạo lý suông

Ông có thể chỉ ra những điểm mới nhất, mang tính then chốt nhất trong Quy định 205?

Trước tiên, Quy định 205 đã tiên lượng và giải quyết các mối quan hệ lớn giữa cá nhân với cá nhân cán bộ; mối quan hệ giữa cá nhân với đơn vị công tác của cán bộ; mối quan hệ giữa cá nhân với cơ quan tổ chức cán bộ; và mối quan hệ giữa cơ quan tổ chức cán bộ với các thành phần liên quan và nhân dân. Tất cả các mối quan hệ về cán bộ và liên quan đến cán bộ và công tác cán bộ đều được đặt trong vòng kiềm tỏa. Một quy định mang tính tổng thể như thế nhưng lại rất cụ thể, rất dễ thực hiện. Đây là vấn đề mấu chốt nhất của cơ chế kiểm soát quyền lực.   

Thứ hai, vấn đề trách nhiệm của cá nhân và tổ chức trong công tác cán bộ. Kiểm soát theo trách nhiệm. Giao trách nhiệm cho ai, tổ chức nào thì kiểm soát người đó, tổ chức đó; giao trách nhiệm tới đâu thì kiểm soát tới đó. Không có vấn đề này thì coi như không có công việc kiểm soát.

Thứ ba, căn cứ theo trách nhiệm, để xử lý, với các mức độ rõ ràng về khen thưởng cũng như xử lý kỷ luật. Không võ đoán, không đạo lý suông và không chung chung vô thưởng vô phạt. Xưa nay, ít có quy định nào lại đưa ra chế tài xử lý rõ ràng, nghiêm khắc như vậy, cũng ít có bản quy định nào đúng nghĩa là những điều bắt buộc phải làm. Đó cũng chính là tinh thần của bản Quốc lệnh ngày 26/1/1946.

Thực tế, trong nhiệm kỳ qua, đã có những con người không xứng đáng, nhưng lại chui sâu leo cao vào bộ máy, đến mức bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị bỏ tù. Theo ông, quy định lần này có ngăn chặn được những trường hợp đáng tiếc như thời gian qua?

Đây là khiếm khuyết chí tử đã được tiên liệu và giải quyết ở quy định này.  Chẳng hạn, chỉ có dấu hiệu “chạy chức, chạy quyền” thôi là lập tức anh bị loại ngay. Quy hoạch cán bộ luôn động và mở. Năm trước cán bộ mắc lỗi, năm sau tiến bộ thì tiếp tục đưa vào quy hoạch, chứ quy hoạch không phải nhất thành bất biến. Rồi việc lợi dụng mạng xã hội, nói xấu, vu cáo cán bộ thôi cũng sẽ bị trừng phạt.  Nhân dân cũng có vai trò đặc biệt quan trọng, những vấn đề gì nhân dân phản ánh đều được xem xét, và nếu có bằng chứng cụ thể thì khỏi bàn định.

Nếu quy định này được thực thi một cách nghiêm khắc, đồng bộ với các quy định khác thì chính là cơ chế kiểm soát quyền lực về công tác cán bộ trên mọi phương diện. Nếu không có quy định này thì việc thực thi các quy định khác xung quanh công tác tổ chức và cán bộ cũng sẽ rất lúng túng, thậm chí khiếm khuyết. Do đó, quy định này được xem là quy định gốc, bao quát, để kiến tạo, xây dựng, thanh lọc, thải loại xây dựng đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng bộ máy làm công tác tổ chức - cán bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra… chính là vì vậy.

Chúng ta không thể kỳ vọng một bộ luật có thể bịt được tất cả các kẽ hở của cuộc sống. Nhưng phải nói đây là quy định căn bản, quy định gốc trong việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Và lần đầu tiên Đảng ta đặt thẳng một quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống “chạy chức, chạy quyền” là sự tiên liệu và thực thi một vấn đề mang ý nghĩa thành bại mang tầm chiến lược về công tác vô cùng khó khăn nhưng hết sức quan trọng này.

Cảm ơn ông!

“Hãy học Hội Minh thề, thề trước trời đất, để chọn người làm công tác cán bộ. Đáng tiếc Hội Minh thề chỉ diễn ra ở một xã tại Hải Phòng. Nếu bây giờ lập Hội Minh thề quốc gia thử xem? Buông lời thề như thế, bất cứ ai cầm đồng tiền đen tối, vì vụ lợi cá nhân và phe nhóm, cam tâm làm méo mó công tác cán bộ cũng sẽ day dứt, cũng sẽ dè chừng, thậm chí là rất sợ hãi. Xin hỏi ai sẽ dám thề? Tôi cam đoan 10 người chỉ có một, hai người dám thề thôi. “Tiền vua thì có thần, tiền dân thì có ma”. Người kém lương tâm và liêm sỉ thấp sẽ khiếp sợ ngay. Qua đó, chúng ta sẽ lựa chọn người xứng đáng đảm trách công tác cán bộ, ở các cấp”. 

TS Nhị Lê