Can dự quân sự được Nga khởi động hôm 30/9, sau khi Moskva nhận được đề nghị chính thức từ Damascus. Giới lãnh đạo Nga tuyên bố, chiến dịch không kích là nhằm tiêu diệt các phần tử khủng bố, giúp ổn định tình hình Syria, mở đường cho một giải pháp chấm dứt khủng hoảng ở quốc gia này. Duy trì chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad hay bảo vệ các lợi ích của mình ở Syria là điều mà Moskva không nói công khai và để mặc Mỹ và các đồng minh phương Tây, khu vực phải tự hiểu. Thế nhưng bước đi của Nga khiến mọi “đối thủ” đều bất ngờ, dù họ có biết đến hoạt động điều chuyển binh lực trước đó của Moskva.
Điện Kremlin ngay từ đầu cũng khẳng định can dự lần này là có giới hạn, với thời gian kéo dài trong khoảng 3-4 tháng, chỉ sử dụng sức mạnh không quân, không triển khai bộ binh tham chiến trực tiếp trên chiến trường. Đặc biệt, vừa phát động không kích, Nga nhấn mạnh luôn hoan nghênh một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm ở Syria. Các diễn biến về sau này cho thấy, Moskva đồng thời mở hai mặt trận quân sự và ngoại giao trong “ván bài” Syria, trong đó quân sự là công cụ đòn bẩy then chốt để hướng lái các bên liên quan đi đến bàn đàm phán mà ở đó Nga là nhân tố quyết định hàng đầu.
Trận chiến chống khủng bố được Nga thực hiện một cách bài bản. Moskva đã tạo lập được một liên minh ngay trước khi tung đòn quân sự, với sự tham gia của Nga - Iraq - Syria - Iran. Các cuộc không kích diễn ra với cường độ mạnh, theo kiểu “giải phẫu”, với độ chính xác lớn, sử dụng các loại vũ khí công nghệ cao. Chế áp bằng hỏa lực đường không, Nga tạo thế để lực lượng trung thành với Tổng thống Assad đẩy nhanh chiến dịch phản kích quy mô lớn trên hướng nam và hướng tây, giành lại quyền kiểm soát ở nhiều khu vực từ tay quân khủng bố, lực lượng nổi dậy. Quân khủng bố chịu tổn thất lớn, với hàng trăm sở chỉ huy, trại huấn luyện, công sự ngầm, kho vũ khí đạn dược bị xóa sổ. Đã xuất hiện tâm lý hoảng loạn, hiện tượng tháo chạy khỏi hàng ngũ của chúng. Kết quả này không phải chỉ do Nga công bố, mà chính nhiều bên “đối địch” cũng phải thừa nhận.
Không kích khủng bố, bất luận các tổ chức này mang màu sắc nào, Moskva đã đánh trúng điểm dễ bị “tổn thương” nhất của các bên đối nghịch. Về phía Mỹ, hiệu quả không kích của Nga khiến dư luận phải đặt câu hỏi cuộc chiến chống khủng bố IS do Mỹ và liên quân phát động hơn một năm qua thực chất là gì, là mục đích hay công cụ để đạt tới những toan tính chính trị?
Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia - hai nước bảo trợ chính cho lực lượng đối lập ở Syria, lại có những lo ngại riêng - làn sóng “di cư” của quân khủng bố sau khi tháo chạy khỏi Syria, Iraq vì bị đánh “rát mặt”. Chính quyền Ankara hiện phải căng sức trong cuộc chiến chống các phần tử cực đoan thuộc Phong trào công nhân người Kurd (PKK), nay thêm mối lo IS thì thực sự sẽ quá tải. Còn đối với Riyadh, sự xâm nhập của khủng bố cùng với mức độ phản kháng dâng cao trong cộng đồng người Shiite thiểu số có thể đặt vương triều Saudi vào tình thế sụp đổ, nhất là khi mâu thuẫn xã hội được “cộng hưởng” thêm khó khăn kinh tế do giá dầu lao dốc.
Tính toán và hành động của Nga đã đẩy các bên liên quan vào thế bí, buộc phải có những bước chuyển trên mặt ngoại giao. Đó là lý do mà người ta thấy giới chức cấp cao từ Mỹ, EU, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ cho tới EU liên tiếp có các cuộc tham vấn, tiếp xúc với Moskva. Mọi “tay chơi” giờ đều phải thừa nhận vai trò của Nga và quay về với giải pháp chính trị giúp chấm dứt khủng hoảng Syria, dựa trên một nền tảng chung là diệt trừ khủng bố và bước sau đó là thời kì “chuyển tiếp chính trị” – đúng như tinh thần của Tuyên bố chung Geneva (6/2012) về chấm dứt xung đột tại quốc gia Trung Đông này.
Nga đã thu được nhiều thành quả sau một tháng can dự ở Syria, nhất là về uy tín và vị thế. Nhưng phần việc sau đó có thể sẽ khó khăn hơn nhiều. Đó là việc Moskva sẽ phải điều phối lợi ích và chấp nhận một “mức giá” như thế nào trong các vòng đàm phán tới đây, nhất là khi đề cập đến vấn đề được cho là gai góc nhất - tương lai chính trị của Tổng thống Assad?