Cả Nga và Mỹ đều đang phác thảo những khái niệm đầu tiên về máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6. Từ các thông tin công khai về đặc tính kỹ-chiến thuật được công bố, chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy được mong muốn của giới chức quân đội Nga, Mỹ về dòng máy bay chiến đấu cấp chiến thuật mới, cũng như những khó khăn có thể sẽ vấp phải.
Hiện tại, quá trình phát triển các dự án máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 PAK FA của Nga và F-35 của Mỹ đã gần hoàn thành và đưa và sản xuất hàng loạt, cả Nga và Mỹ đều đang bắt tay phát triển máy bay chiến đấu công nghệ thứ 6 dựa trên nền tảng công nghệ sẵn có và có thể hoàn thiện trong tương lai gần. Cụ thể, hãng chế tạo Sukhoi (Nga) đang có kế hoạch giới thiệu mẫu thử nghiệm đầu tiên của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 vào năm 2020, còn hãng Boeing cũng dự định ra mắt nguyên mẫu máy bay mới vào năm 2030.
Trong khi thông tin về máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của Nga hiện vẫn được giữ bí mật, thì Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề ra một số khái niệm dành cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6. Cùng với Bộ Quốc phòng Mỹ, các hãng chế tạo hàng không cũng đề xuất một số khái niệm có thể được áp dụng trên máy bay chiến đấu tương lai, như: Hãng chế tạo Anh BAE Systems muốn máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 sẽ có kết cấu mô-đun có thể tự lắp ghép. Điều này cho phép thêm bớt chức năng chiến đấu trên chiến trường tùy theo điều kiện thực chiến. Trong khi đó, hãng Northrop Grumman (Mỹ) muốn tích hợp sâu vũ khí la-de, còn hãng Boeing muốn phát triển nguyên mẫu máy bay F/A-XX định hướng dành cho Hải quân Mỹ.
Nguyên mẫu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 do hãng Boeing phát triển.
Máy bay thế hệ thứ 6 là máy bay không người lái
Tuy có yêu cầu kỹ, chiến thuật đối với máy bay chiến đấu tương lai khác nhau, nhưng cả Nga và Mỹ đều hướng tới việc máy bay chiến đấu thế hệ 6 phải có phiên bản không người lái.
Theo tuyên bố của Tư lệnh Không quân Nga, tướng Viktor Bondarev việc máy bay chiến đấu hướng tới việc không có người điều khiển là cần thiết vì phi công có những giới hạn về mặt sinh học, nhiều thời điểm không thể đáp ứng được các điều kiện khắc nghiệt về thời gian bay, gia tốc trọng trường… Các yếu tố này hoàn toàn có thể khắc phục nhờ việc máy bay điều khiển từ xa.
“Các bạn có thể hình dung được việc trong tương lai các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom đều không có người lái và được điều khiển từ xa”, ông V. Bondarev tuyên bố hồi tháng 3-2015.
Cũng trong năm 2015, Chỉ huy lực lượng Hải quân Mỹ, Ray Mabus tuyên bố, tiến trình phát triển tổ hợp máy bay không người lái trên hạm UCLASS sẽ là điểm khởi đầu của việc phát triển các dòng máy bay chiến đấu hải quân không người lái trong tương lai.
“Chúng tôi đang coi UCLASS là điểm nối giữa các hệ thống chiến đấu có người lái và hệ thống chiến đấu tự động hoàn toàn. Từ những kinh nghiệm phát triển UCLASS, hệ thống chiến đấu mới có thể xuất hiện trong những năm 2020”, ông R. Mabus nói.
Liệu có tiếp tục “đi vào vết xe đổ”
Khi nói tới các dự án tương lai, không thể không nhắc tới những khó khăn và sai lầm có thể mắc phải. Dẫn chứng cho việc này có thể thấy rõ từ các dự án phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II hay PAK FA.
Ở chương trình phát triển F-35, Mỹ đã quá tham vọng khi muốn phát triển một dòng máy bay chiến đấu liên hợp có thể sử dụng cho cả Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến. Chính những yêu cầu quá khác nhau, thiết kế của F-35 đã phải thay đổi tới 70% và tiến trình phát triển kéo dài, chi phí phát triển tăng cao, mà vẫn không đáp ứng được mong muốn của giới chức Quân đội Mỹ.
“Các bạn có thể thấy những khó khăn rõ ràng nếu muốn phát triển dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 đáp ứng được yêu cầu của cả lực lượng Không quân và Hải quân”, tướng Không quân Mỹ, Christopher Bogdan cho biết.
Trong khi đó, dự án máy bay thế hệ 5 PAK FA của Nga cũng bị chậm trễ do tiến trình phát triển động cơ AL-41F không đạt tiến độ mong muốn. Cùng với đó, việc Nga muốn liên doanh với Ấn Độ cùng phát triển PAK FA cũng đặt ra vấn đề mức độ chia sẻ công nghệ, chi phí phát triển làm ảnh hưởng chung tới tiến độ tiến hành dự án.
Hiện tại, quá trình phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 mới đạt ở mức hoàn thiện khái niệm. Quá trình phát triển dòng máy bay chiến đấu mới sẽ còn tiêu tốn nhiều tiền của và thời gian, cũng như thử thách công nghệ cần được giải quyết.